TPHCM: Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng giấy đi đường giả

Thứ Ba, 31/08/2021 18:07

|

(CAO) Sau 6 ngày đầu TPHCM triển khai mẫu giấy đi đường mới do Công an TPHCM chịu trách nhiệm in và phân phối cho các đơn vị, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát đã phát hiện nhiều trường hợp người tham gia giao thông sử dụng giấy đi đường giả. 

Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP cho biết, tính từ 0 giờ ngày 23/8/2021 đến 6 giờ ngày 31/8/2021, CSGT TP đã tăng cường tuần tra kiểm soát tổng cộng 360.350 trường hợp, trong đó lập biên bản phạt 2.028 trường hợp, tạm giữ 383 phương tiện.

Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT cũng đã phát hiện một số trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng nhóm đối tượng được phép lưu thông hoặc làm giấy đi đường giả để lưu thông.

Người dân trình giấy đi đường cho lực lượng chức năng kiểm soát

Như trong ngày 25-8 (ngày đầu tiên áp dụng mẫu giấy đi đường mới), tại chốt kiểm soát trên đường Lê Văn Sỹ (đoạn gần CAP.1, Q.Tân Bình), cán bộ CSGT - TT của Công an Q.Tân Bình khi trực chốt đã phát hiện một trường hợp dùng giấy đi đường giả.

Người sử dụng là anh Lê Đình V. Người này chạy xe máy qua chốt kiểm soát được CSGT yêu cầu xuất trình giấy đi đường. Bất ngờ, người đàn ông cùng lúc trình ra cùng lúc 2 tờ giấy có chữ ký của Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM).

Một mẫu giấy đi đường hợp lệ do Phòng CSGT chịu trách nhiệm in và phân phối

Trên cả hai tờ giấy đi đường đều ghi thông tin giống nhau. Theo đó, anh V. có địa chỉ thường trú trên đường Tôn Đản (P.14, Q.4) và đang làm việc tại một Công ty CP dịch vụ vận tải và thương mại có trụ sở trên đường Nguyễn Tất Thành (P.13, Q.4).

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng xác định cả 2 giấy này đều giả vì không có các đặc điểm nhận dạng đặc biệt do CATP quy định. Người này sau đó bị CSGT - TT Công an Q.Tân Bình lập biên bản vì ra đường không có lý do cần thiết, tịch thu 2 tờ giấy đi đường giả.

Trong ngày 27-8, Cơ quan CSĐT CAQ.10 đã phát hiện và xử lý một nhóm làm giả, sử dụng giấy đi đường để lưu thông trên đường, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn.

CSGT kiểm tra giấy đi đường của một xe ô tô

Khoảng 12 giờ 15 ngày 26/8, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 giao lộ Cách Mạng Tháng Tám – Trường Sơn, phường 15, tổ công tác phát hiện ông P.T.A.T. (35 tuổi, ngụ quận 10) là nhân viên giao hàng của công ty dược phẩm có địa chỉ ở quận Bình Tân xin qua chốt.

Công an yêu cầu ông T. xuất trình giấy tờ và giấy đi đường để kiểm tra, người này xuất trình giấy đi đường do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC08) Công an TPHCM ký cấp.

Qua kiểm tra, công an xác định giấy đi đường này là giả (bản scan) nên đã lập biên bản, mời ông T. về làm việc.

Tiến hành điều tra mở rộng, Công an xác định mẫu giấy đi đường trên do ông xin của bà N.L. (37 tuổi, ngụ quận 8) với mục đích tham gia giao thông.

Bà L. khai là nhân viên một công ty Q.8, mẫu giấy đi đường trên của bà là do một người tên T.N. đưa. Do ông L.T. hỏi giấy nên bà L. đã đến tiệm in, in màu 10 tờ với giá 90 nghìn đồng rồi chia cho ông L.T.

Công an đã thu giữ 10 tờ giấy đi đường bị làm giả, 4 điện thoại di động cùng nhiều tang vật liên quan khác. Hiện vụ việc đang được Công an quận 10 tiếp tục điều tra, làm rõ.

Nhiều trường hợp sử dụng giấy đi đường giả bị CSGT Công an TPHCM phát hiện. Ảnh minh hoạ

Đại diện Phòng CSGT cho biết, việc sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích hoặc sử dụng giấy đi đường giả tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do việc lưu thông không được kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch và nỗ lực của toàn xã hội.

Đối với các trường hợp người dân sử dụng giấy đi đường không đúng nhóm đối tượng được phép lưu thông, lực lượng chức năng sẽ tiến hành lập biên bản xử lý theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đồng thời thu hồi giấy đi đường.

"Nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng chống dịch và hạn chế dịch bệnh lây lan, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ các quy định của Chính phủ, TPHCM về giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở đó”, chung tay cùng đẩy lùi dịch bệnh" - Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng Phòng CSGT CATP khuyến cáo. 

Luật sư Nguyễn Minh Tường, Đoàn Luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu:

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi và đang phải đương đầu chống dịch, đặc biệt tại TP.HCM trong thời gian qua, nên buộc lòng phải thực hiện các biện pháp để phòng chống dịch, nhằm hạn chế lây lan diện rộng.

Theo đó, người dân và các lực lượng làm nhiệm vụ khác muốn ra đường cần có lí do chính đáng và phải có giấy đi đường để xuất trình tại các chốt kiểm soát dịch. Quy định này với mong muốn người dân phải ở trong nhà và được coi là biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng sử dụng giấy tờ giả như: mã QR (luồng xanh) giả; giấy xét nghiệm giả; thẻ ngành giả, thẻ công tác giả và giấy đi đường giả diễn ra ngày càng nhiều trong thời gian qua làm cho công tác phòng chống dịch thêm phần khó khăn và cản trở hoạt động chính đáng của lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát.

Một số đối tượng còn “tự tin” với các giấy tờ giả này để hống hách, làm loạn và thách thức người đang thi hành nhiệm vụ phòng chống dịch gây ra mất trật tự an ninh an toàn cho xã hội và nguy cơ làm lây lan dịch bệnh là khó tránh khỏi.

Pháp luật đã quy định xử lý những trường hợp này theo từng trường hợp cụ thể như sau:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cấp giấy đi đường không đúng quy định (cấp không đúng đối tượng, cấp sai mục đích) có thể bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo tại khoản 2 điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Mức phạt 5-10 triệu đồng áp dụng với cá nhân, tổ chức bị phạt gấp đôi.

Cá nhân có hành vi làm và bán giấy đi đường hoặc bất kỳ các loại giất tờ giả nào khác như: giấy chứng nhận xét nghiệm giả; thẻ nhà báo giả; thẻ phóng viên giả; thẻ công tác ngành giả,…, sẽ có dấu hiệu của tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức, và sẽ bị xử lý theo điều 341 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Trường hợp phạm tội từ 2 lần trở lên, làm giả từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu; thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng, khung hình phạt từ 2 đến 5 năm tù.

Trường hợp làm 6 con dấu, tài liệu, giấy tờ giả trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, khung hình phạt từ 3 đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng.

Ai cố tình dùng giấy tờ đi đường được cấp khống sẽ bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo khoản 2 điều 14 Nghị định 117/2020, mức phạt 5-10 triệu đồng.

Trường hợp sử dụng con dấu, hoặc giấy tờ đi đường giả với mục đích gian dối với cơ quan chức năng hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác có thể bị xử lý về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang