Vẫn còn nhiều bất cập
Việc đi chợ hộ cho dân ở TPHCM trong những ngày qua đã nhanh chóng bộc lộ những bất cập khi đơn hàng của người dân ngày càng nhiều. Trong khi lực lượng đi chợ hộ cho dân không đáp ứng nổi.
Tối 29-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM đã có văn bản hướng dẫn thống nhất, cho phép lực lượng shipper theo danh sách đăng ký của Sở Công thương được hoạt động trở lại với các yêu cầu phòng chống dịch nghiêm ngặt.
Theo đó, đối với shipper hoạt động ở 8 quận "vùng đỏ” đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và phải xét nghiệm nhanh 1 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người. Các shipper phải có mặt hàng ngày vào lúc 5-6 giờ sáng để xét nghiệm tại các trạm y tế lưu động của phường, xã thị trấn, do quân y đảm trách. Riêng shipper hoạt động ở 14 quận, huyện còn lại, ngoài việc phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine thì phải xét nghiệm âm tính được thực hiện 2 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người tại các trạm y tế phường, xã.
Sáng 30-8, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện Sở Công thương đã có danh mục cụ thể 414 trạm y tế lưu động do quân y phụ trách để xét nghiệm miễn phí cho các shipper hoạt động ở 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Danh mục bao gồm địa chỉ, tên người phụ trách tại từng trạm y tế để shipper xét nghiệm được thuận tiện nhất. Sở Công Thương TPHCM còn cung cấp đường link trên cổng thông tin của sở (http://congthuong.hochiminhcity.gov.vn/tra-cuu-shipper) để các shipper chủ động kiểm tra xem mình có được hoạt động hay không.
Nên kích hoạt hệ thống bán hàng online ở các siêu thị khi cho shipper hoạt động trở lại Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, tình hình không đơn giản như vậy. Trên mạng xã hội, các hội nhóm nhân viên giao hàng tại TPHCM, nhiều shipper cho biết vẫn ách tắc trong công tác xét nghiệm, đặc biệt việc trả giấy xét nghiệm rất lâu, sau khi họ đã xếp hàng cả tiếng đồng hồ để xét nghiệm. Một shipper của một ứng dụng gọi xe - chia sẻ trên một nhóm cho rằng, chỉ có giấy xét nghiệm âm tính mới có thể hoạt động được nhưng chờ hoài vẫn không thấy trả phiếu xét nghiệm, làm sao hoạt động? Nhiều tài xế giao hàng cũng lâm vào tình cảnh đó nên cả ngày 30-8 gần như họ không hoạt động gì được.
Đại diện các ứng dụng giao hàng như Be, Grab, Gojek và Be cũng xác nhận tình trạng chậm trả giấy xét nghiệm nên các shipper không thể hoạt động được ngay trong ngày 30-8. Nhiều shipper cũng phản ánh, dù đã tiêm 1 mũi vaccine nhưng kiểu xếp hàng chờ đợi xét nghiệm, nguy cơ lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. Họ đặt câu hỏi, vì sao các tài xế vận tải hàng hóa đường xa, phiếu xét nghiệm có giá trị trong vòng 72 giờ, trong khi shipper phải xét nghiệm hàng ngày. Về nguyên tắc dịch tễ, shipper lẫn tài xế đường xa có nguy cơ nhiễm dịch như nhau.
Điều đáng nói, cho đến chiều 30-8, Sở Giao thông - Vận tải vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác xét nghiệm, đặc biệt trong việc tổ chức trả kết quả kịp thời cho các shipper hoạt động. Nếu tình trạng này kéo dài, trong khi các shipper hoạt động trong "vùng đỏ”, giá trị xét nghiệm chỉ có giá trị trong 1 ngày thì rất khó hoạt động.
Trước tình hình này nhiều shipper tỏ ra nản chí, vì công xếp hàng xét nghiệm, xét nghiệm chậm, giá cước lại không thay đổi (vẫn áp dụng giá cước trước ngày 13-8 theo quy định của Sở Công Thương), thì sức hấp dẫn công việc giảm đi rất nhiều.
Nếu Sở Công Thương, Giao thông - Vận tải TPHCM không có các chính sách, yêu cầu cụ thể, hướng dẫn cụ thể, hoạt động shipper sẽ bị ách tắc, không thể chia lửa được với lực lượng đi chợ hộ ở mỗi phường đang quá tải và sẽ quá tải trong những ngày tới, khi mà việc thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt vẫn tiếp tục đến ít nhất 15-9.
Càng giãn cách càng cần shipper
Tại một diễn đàn kết nối cung cầu gần đây, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng, các tỉnh, thành phố đang tự làm đứt gãy chuỗi cung ứng bằng những quy định không thống nhất, trong đó có việc cấm các shipper hoạt động. Theo ông Phạm Anh Tuấn, hiện chúng ta đang chống dịch nhưng có vẻ như chưa tính hết yếu tố hậu cần cho người dân. Nhiều người đang phản ánh có thể không chết vì dịch mà có thể chết đói. Theo Thứ trưởng, hàng hóa phải được lưu thông vì có thể hàng không thiết yếu nhưng tạo ra hàng thiết yếu, khan hiếm phi lý.
Ông Tuấn nhấn mạnh quan điểm: Tất cả chúng ta đều cần tiêm vaccine nhưng chưa có thì phải chọn giải pháp phòng là chính. Shipper thì cho xét nghiệm và cho hoạt động. Ông đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện cho shipper hoạt động. Shipper phải có sự quản lý và chịu trách nhiệm về phòng chống dịch như các doanh nghiệp bưu chính, vận tải, công nghệ... Càng căng, càng thắt chặt giãn cách xã hội thì càng phải cho shipper hoạt động, nhưng cần quản lý chặt đội ngũ này. "Như vậy sẽ giải quyết được bài toán không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Những ý kiến trên đây rất xác đáng, trong khi các shipper tại TPHCM được tuyển chọn, đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, thì việc hoạt động là bình thường với điều kiệm tầm soát xét nghiệm nghiêm ngặt và phù hợp, bởi về mặt lây nhiễm, các shipper cũng như các thành viên trong nhóm đi chợ hộ ở các phường đều có nguy cơ như nhau.
Việc TPHCM hạn chế tuyệt đối các hoạt động shipper trong tuần đầu thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, chỉ trong vòng vài ngày đã bộc lộ những bất cập. Cho thấy cách nhìn nhận càng tăng cường giãn cách xã hội càng cần đến shipper để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu đến tay người tiêu dùng, giúp người dân ai ở đâu ở đó, thực hiện tốt, nghiêm ngặt yêu cầu giãn cách xã hội.
Chiều tối 30-8, các hãng xe công nghệ có dịch vụ shipper cho biết vẫn đang chuẩn bị gấp rút để hoạt động. Với Grab Việt Nam, ngoài việc tiếp tục duy trì dịch vụ tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh", ngày 31-8 hãng sẽ khôi phục dịch vụ GrabMart và GrabExpress tại TP.Thủ Đức và 7 quận, huyện trong "vùng đỏ”. Baemin Việt Nam đã thông báo đến các shipper sẽ mở lại dịch vụ "đi chợ hộ" và yêu cầu các shipper có thể nhận đơn hàng bình thường từ ngày 31-8. BeGroup cũng khởi động dịch vụ đi chợ hộ và hiện đã có 500 tài xế đăng ký thành công, có thể còn vài trăm tài xế khác đang tiếp tục đăng ký hoạt động.
Nhu cầu mua hàng online rất cao
Một vấn đề khác cũng rất dễ thấy, một khi đã cho các shipper hoạt động thì nên kích hoạt trở lại các kênh bán hàng trực tuyến. Rõ ràng việc "đi chợ hộ" đang bộc lộ ra nhiều bất cập. Chắc chắn khi TP HCM bước vào tuần giãn cách nghiêm ngặt thứ 2, khi mà thực phẩm dự trữ của người dân bắt đầu hết, nhu cầu mua hàng của hơn 10 triệu dân TP sẽ rất lớn. Khi đó, nhu cầu mua hàng của người dân rất cao mà lực lượng đi chợ hộ không thể đáp ứng được.
Sở Công thương cũng đã thấy được những bất cập trên và cho rằng việc mua hàng trực tuyến, không chạm là cần thiết khi cho các shipper hoạt động trở lại. Các siêu thị cần kích hoạt lại hoạt động này, để hỗ trợ cho việc "đi chợ hộ" thủ công. Việc vận chuyển hàng hóa đến tận tay người dân đã có các shipper chuyên nghiệp, thậm chí đặt hàng luôn cho các shipper.
Thấy rất rõ các vấn đề bất cập như trên, ngay trong sáng 30-8, một số hệ thống bán lẻ ở TPHCM cho biết đã có kế hoạch làm việc với các công ty giao hàng công nghệ nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng đến người dân, giải tỏa bớt đơn hàng tồn trong từ tuần trước còn rất nhiều do quá tải. Nhiều siêu thị trước kia đóng hoạt động bán hàng online, nay cũng đã chuẩn bị và sẵn sàng mở lại.
Điều này cũng dễ hiểu vì khi lực lượng shipper hoạt động trở lại, việc đi chợ hộ theo kiểu cũ không thể bằng đi chợ qua các app hoặc đi chợ hộ qua các shipper. Về mặt phòng dịch, tổ đi chợ hộ ở phường và các shipper, mức độ có thể lây nhiễm dịch bệnh là gần như nhau. Trong khi đi chợ hộ công nghệ nhanh chóng hơn nhiều, lại đáp ứng yêu cầu rất da dạng của người tiêu dùng, giúp người dân thực hiện giãn cách tốt hơn.
Sau gần 1 tuần TPHCM siết chặt thực hiện giãn cách, nhiều cá nhân bán hàng trên mạng đã bắt đầu hoạt động trở lại và hình thành nên chợ online nhộn nhịp trên mạng. Người dân cũng có thể mua hàng online, trong nội quận ở "vùng xanh". Nếu chịu khó hoàn toàn có thể săn được hàng giá tốt, từ thịt heo đến rau muống, rau cải... đều được giao đầy đủ. Người dân cũng có thể mua hàng online bằng cách tham gia vào các nhóm đặt mua hàng qua Zalo rất tiện lợi lại nhanh chóng. Có điều mua theo cách này giá các loại thực phẩm khá cao nhưng được quyền chọn lựa chớ không phải mua theo những combo hàng đơn điệu mà đâu phải gia đình nào cũng cần.
Rõ ràng mua hàng thiết yếu online đang là một nhu cầu của người dân. Càng kéo dài giãn cách xã hội, nhu cầu đó càng cao, trong khi các shipper đã được tạo điều kiện cho phép hoạt động trở lại thì việc mua bán hàng online gần như tất nhiên, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, giảm tải cho hình thức đi chợ hộ đang vận hành còn nhiều bất cập ở cấp phường.