(CAO) Từ ngày 29/8, để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động lưu thông nhằm thực hiện công vụ, Công an TPHCM sẽ có một số điều chỉnh trong kiểm soát lưu thông.
Chiều 28/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.
Tại cuộc họp, hồi đáp về phản ánh xuất hiện tình trạng ùn ứ tại một số chốt kiểm soát, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch, lực lượng Công an TP tăng cường kiểm tra giấy phép lưu thông, các giấy tờ cần thiết và khai báo y tế trên hệ thống khai báo di chuyển nội địa quốc gia của Bộ Công an. Tuy nhiên, do tài xế chưa thực hiện khai báo QR Code trước khi lưu thông nên dẫn đến việc ùn ứ tại một số chốt.
Với lượng lưu thông như hiện nay (chỉ bằng 10% so với ngày thường), việc ùn ứ này không phải nhiều.
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Vân Anh
Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, qua thực tế cấp giấy lưu thông cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Vì vậy, từ ngày mai (29/8), để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động lưu thông nhằm thực hiện công vụ, Công an TP có một số điều chỉnh như sau:
Thứ nhất, những hãng xe chở nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp đi thực hiện công vụ nhưng không có mã QR Code thì chỉ cần 01 người trên xe có giấy phép lưu thông, khai báo y tế và đảm bảo các biện pháp chống dịch thì sẽ được lưu hành.
Thứ hai, đối với những tài xế đi xét nghiệm COVID-19 để phục vụ việc cấp mã luồng xanh cho phương tiện; người có vé máy bay để đi nước ngoài du học, về các tỉnh, thành khác… không cần cấp giấy đi đường, chỉ cần chứng minh thuộc nhóm đối tượng này như hướng dẫn trước đây thì vẫn được phép lưu thông trên đường theo lộ trình “1 cung đường 2 điểm đến”.
Thứ ba, đối với những nhân viên vận chuyển gas (bình 12kg trở lên) lưu thông tại các vùng dân cư chỉ cần có giấy giao hàng, địa chỉ nơi nhận và khai báo y tế cũng được phép lưu thông.
Về đề xuất cho phép 25.000 shipper được hoạt động, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho hay, đề xuất này vẫn đang chờ được phê duyệt.
Cơ sở để ngành Công Thương đưa ra đề xuất này, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương, đội ngũ shipper công nghệ có nhiều thuận tiện trong việc tiếp nhận thông tin và điều phối giao nhận hàng hóa; đã được tiêm vắc xin; có các phần mềm (App) quản lý lộ trình nên việc kiểm soát giao nhận hàng hóa đơn giản, an toàn, nhanh chóng hơn.
Đồng thời, nếu đội ngũ này được phép hoạt động sẽ góp phần giảm tải rất lớn cho các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ này.