Chiến sĩ tham gia chữa cháy quên thi: 'Kệ, làm xong nhiệm vụ rồi tính'

Thứ Bảy, 24/06/2017 14:07  | Hoàng Sơn - Thái Dương

|

(CAO) "Chữa cháy được một lúc em mới nhớ là sáng mai mình đi thi, nhưng kệ làm xong nhiệm vụ rồi tính', chiến sĩ PCCC Trang Thanh Nam - thí sinh tham gia kỳ thi Tốt nghiệp PTTH 2017, vừa cười vừa bộc bạch với phóng viên Báo Công an TP.HCM.

Chiến sĩ PCCC - Trang Thanh Nam, tập trung chữa cháy quên ngày thi hôm sau. Ảnh Nguyễn Trà

Sau đám cháy kinh hoàng vào tối 22-6 tại nhà kho của Kho Bến Súc thuộc Công ty Cổ phần kho vận miền Nam Sotrans (Q.4, TP.HCM), chiều 23-6, chúng tôi đến Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ trên sông (Cảnh sát PCCC TP.HCM) tìm Trung sĩ Trang Thanh Nam - chiến sĩ chữa cháy quên chuyện thi sáng hôm sau.

Gặp chúng tôi, Nam thoáng chút lo lắng lẫn sự mệt mỏi. Nam cho biết, sau khi hoàn thành phần thi sáng nay em nhanh chóng quay về đơn vị nhận nhiệm vụ ra hiện trường nắm tình hình và thu dọn phương tiện cùng với đồng đội.

Toàn tâm chữa cháy, quên ngày thi hôm sau

Để đảm bảo sức khoẻ trước ngày thi, đêm đó Nam ngủ sớm, trong lúc ngủ thì nghe chuông mơ màng thức dậy thì các anh em nói có cháy nên Nam vội lấy đồ chạy xuống phương tiện đi chữa cháy chứ quên việc thi cử vào sáng hôm.

Đến hiện trường Nam cùng các anh em trong phòng dùng phương tiện đập tường để triển khai đường vòi dập lửa. 3 giờ sáng, ngọn lửa tạm thời khống chế nhưng còn cháy âm ỉ Nam cùng các anh em dùng cào để lôi chất bẩn và xịt nước vào trong làm mát. Đến 5 giờ 30 sáng, thì xin về chuẩn bị đi thi.

Trung sĩ Trang Thanh Nam tại hiện trường vụ cháy. Ảnh Nguyễn Trà

'Lúc chữa cháy em chỉ toàn tâm cho chuyên môn và quyết tâm không để lửa lan rộng ra nhà dân, em tự nhủ phải hoàn thành nhiệm vụ. Chữa cháy được một lúc em mới nhớ là sáng mai mình đi thi, nhưng kệ làm xong nhiệm vụ rồi tính. Ngay trong lúc thi chỉ cần lơ ngơ ngáp là trong đầu lại nghĩ đám cháy tắt hay chưa. Thôi ráng hoàn thành bài thi cho nhanh rồi chạy qua bên đó', Nam cho hay.

Kết thúc phần thi, Nam về đơn vị và nhận nhiệm vụ cùng các anh em đến hiện trường nắm tình hình và thu dọn phương tiện.

Chia sẻ thêm với chúng tôi về người lính cứu hoả, Nam cho rằng tác phong là điều quan trọng nhất. Người cứu hoả trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải nhanh nhẹn, quyết đoán trong các tình huống khẩn cấp nên nghe chuông báo cháy là phải chạy trước; trong đầu chỉ nghĩ về đội hình chiến đấu, phương pháp chữa cháy cứu người hiệu quả nhất.

'Chữa cháy là công việc vất vả nhưng nghĩ đến việc dập tắt được ngọn lửa cứu được tài sản của người bị hại, bảo vệ tính mạng của người dân là cảm thấy vui. Công sức của mình và tập thể đã được ghi nhận', Nam nói.

'Em yêu cái nghề này và mong muốn được gắn bó với nó'

Giấc mơ theo ngành Công an của Nam được bắt nguồn từ năm 8 tuổi, khi thấy các chiến sĩ cảnh sát trấn áp tội phạm, trong đầu Nam hình ảnh này như một vị 'anh hùng'. Sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Nam nộp đơn đăng ký đi nghĩa vụ Công an.

Gia đình không ai theo ngành này nên khi hay tin con trai mình sẽ công tác tại đơn vị PCCC thường phải xông vào biển lửa nguy hiểm, ba mẹ Nam lại lo sợ con mình tuổi trẻ háo thắng. Thế nhưng từ ngày đi lính, Nam trưởng thành, chín chắn hơn!

'Trong 4 tháng tập huấn tại Trung tâm huấn luyện PCCC TP.HCM và về đơn vị công tác, em được các anh Ban chỉ huy phòng, đội động viên, dạy bảo, trao đổi kinh nghiệm, truyền nhiệt huyết nên em chững chạc hơn hẳn. Không biết từ lúc nào em yêu cái nghề này và mong muốn được gắn bó với nó', Nam tâm sự.

Các Đoàn viên Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ trên sông thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM nhận bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác chữa cháy cứu tài sản góp phần trong công tác phòng cháy chữa cháy tại địa phương

Về những kỷ niệm chữa cháy, Nam kể vanh vách 4 vụ cháy được tham gia tác chiến cùng các đồng đội. Với Nam vụ cháy chợ Gà Gạo là kỷ niệm đẹp nhất, 'lúc mình chữa cháy, người dân nhiệt tình lắm, họ cùng mình đập bức tường để triển khai đường vòi phun nước. Trong lúc làm chuyên môn vất vả, bà con chuyền nước và đồ ăn tiếp tế, thấy thương lắm!'.

Hỏi Nam có sợ không? Nam thật thà, 'thiệt là ban đầu em mới về đơn vị lo sợ đủ thứ, tất cả đều nhờ anh em động viên. Nhiều lúc đi lăng tiếp cận hiện trường, hơi nóng phả ra cũng run nhưng có các anh em cùng em chiến đấu, em không sợ'.

Nói về kế hoạch tương lai, Nam trầm tư 'tương lai thì em chưa có dự định gì ngoài chuyện muốn gắn bó với nghề PCCC, nếu kỳ thi này không vượt qua thì năm sau em thi tiếp'.

Đối với Trang Thành Nam, lần tham gia tác chiến trong vụ hoả hoạn tại kho hàng gần Cảng Sài Gòn đêm 22-6 là vụ lớn nhất. Một phần vì khói lửa bốc lên cuồn cuộn, phần còn lại là... 'được lên báo'.

'Em thi xong về đơn vị nghe anh em ghẹo là thành người nổi tiếng, em chả hiểu gì. Khi thấy mình được lên báo em thấy vui lắm, nhưng nghĩ lại mình cũng chỉ làm đúng nhiệm vụ như các anh em cứu hoả khác thôi, ai cũng cực như mình và tác phong người lính cứu hoả là khi chạy cháy thì phải toàn tâm cho nhiệm vụ', Nam thẳn thắn.

'Đồng chí Nam rất tích cực, có trách nhiệm'

Trao đổi với Trung tá Dương Văn Thành - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ trên sông thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, vụ cháy đêm 22-6 tại khu vực Cảng Sài Gòn, đơn vị là lực lượng phối hợp chi viện để tăng cường lực lượng phương tiện tiếp nước trên bộ. Sau khi ngọn lửa cơ bản được khống chế thì đơn vị tiếp tục phối hợp với đơn vị sở tại (Phòng PCCC Q.4) truyền tiếp nước, đồng thời triển khai mũi lăng vào dập lửa tàn.

Trung tá Dương Văn Thành và Trung sĩ Trang Thanh Nam

'Tôi được nghe các anh em kể lại về việc của Nam, đây là một hành động rất tích cực. Khi Nam chạy cháy, đồng chí toàn tâm thực hiện tốt công tác chuyên môn, mãi đến hơn 1 giờ sau mới nhớ mai đi thi nhưng vẫn ở lại hiện trường làm tốt nhiệm vụ. Trong quá trình học tập, công tác và chiến đấu tại đơn vị Nam rất tích cực, có trách nhiệm. Tham gia đầy đủ các hoạt động từ công tác chuyên môn đến hoạt động phong trào và chấp hành tốt nội quy của đơn vị, được anh em đồng đội quý mến', Trung tá Thành nhận định.

Cũng theo Trung tá Thành, chủ trương chung từ Ban Giám đốc cũng như Đảng uỷ Ban Chỉ huy Phòng, tạo mọi điều kiện để anh em đi thi để có cơ hội tuyển vào biên chế, bổ sung tăng cường lực lượng cho đơn vị.

'Do là đơn vị lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung nên ban chỉ huy phòng đã chủ động liên hệ giáo viên, sắp xếp tạo điều kiện về cơ sở vật chất và thời gian để tổ chức lớp ôn thi cho các đồng chí có nguyện vọng', Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ trên sông thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết.

Cháy kinh hoàng tại nhà kho gần Cảng Sài Gòn

Đến gần 2 giờ sáng 23-6, đám cháy tại nhà kho của Kho Bến Súc - Công ty Cổ phần kho vận miền Nam Sotrans (đường Nguyễn Tất Thành, Q.4) cơ bản được khống chế, lực lượng PCCC vẫn phải tiếp tục túc trực phun nước vào bên trong để ngăn ngọn lửa bùng phát trở lại.

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM cho biết, ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 5.000m2 nhà kho của Kho Bến Súc. Sau khi tiếp nhận tin báo cháy lúc 22 giờ 35 ngày 22-6, lực lượng đã huy động gần 200 cán bộ chiến sĩ thuộc 7 Phòng nghiệp vụ cùng hàng chục xe chữa cháy đến hiện trường.

Do bên trong chứa nhiều vật dụng dễ cháy như hoá chất, tường thạch cao, bạt, quạt, vật liệu xây dựng nên ngọn lửa bùng phát lớn. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải dùng máy hút nước từ sông Sài Gòn và huy động toàn bộ trụ nước trên trục đường Hoàng Diệu, Nguyễn Tất Thành.

Vụ hoả hoạn không có thiệt hại về người nhưng mức độ thiệt hại trong các kho chưa được xác định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang