(CATP) Tâm nguyện của đại đức rất giản dị, ông chỉ muốn người dân vùng nông thôn có chiếc cầu nối liền đôi bờ kênh, thay cho cầu tre gập ghềnh khó đi. Tâm nguyện ấy đã được ông duy trì gần 30 năm nơi vùng sông nước miền Tây này.
Cuối tháng 12-2021, nhiều lần chúng tôi xin gặp để nắm về số cầu được xây, nguồn vốn đầu tư các công trình đại đức đã trực tiếp vận động kinh phí để thi công, nhưng ông cứ hẹn do bận quá nhiều công việc. Kiên trì chờ đợi, cuối cùng, chúng tôi cũng được Đại đức Thích Lệ Tấn - trụ trì chùa Giác Hoa, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, Long An - nhận lời và nghe ông tâm sự: “Chúng tôi mới tham gia khánh thành một số chiếc cầu ngay trên quê hương mình. Bà con mừng khiến mình cũng cảm thấy vui lây, các cháu học sinh thuận tiện tới trường, người dân vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, nhẹ nhàng. Tâm nguyện này tôi luôn duy trì mấy chục năm qua”.
Niềm hạnh phúc “nối nhịp bờ vui” này được bà con vùng sâu ba xã Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây, Kiến Bình đón nhận một cách long trọng trong hai ngày 21 và 22-12 vừa qua. Đại đức Thích Lệ Tấn đã cắt băng khánh thành 5 chiếc cầu được bê-tông hóa với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Cầu xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, ngang 3,3 - 3,5m, có lan can bảo vệ an toàn, tải trọng từ 1,5 tấn trở lên, kết cấu bê-tông cốt thép. “Hiện chúng tôi đã cùng chính quyền khởi công 15 chiếc cầu và sẽ nhanh chóng hoàn thành đúng kế hoạch của năm 2022”, đại đức chia sẻ.
Đại đức Thích Lệ Tấn trong lễ khánh thành cầu Tạo Phước số 9 (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, Long An) Bà Nguyễn Thị Lài (SN 1957, ngụ xã Hậu Thạnh Đông) phấn khởi cho biết, chiếc cầu bắc qua kênh ấp 2 xã là điều mơ ước của người dân địa phương. Do đây là vùng sâu, cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn, khả năng đóng góp kinh phí cũng không thể đáp ứng yêu cầu, chính sư thầy đã giúp đem niềm vui đến cho cả ấp khiến chúng tôi mừng không ngủ được”. Anh Trần Văn Thành (SN 1971, ngụ xã Tân Ninh) cho biết, cầu bắc qua Kênh 6000 nối liền ấp Bằng Lăng - ấp 7 Ngàn được thầy Lệ Tấn vận động xây dựng kiên cố bằng bê-tông cốt thép, đảm bảo tiêu chuẩn cầu giao thông trong xây dựng nông thôn mới, với 3 nhịp chính, dài 22m, rộng 3,3m, có lan can bảo vệ an toàn, tải trọng 2,5 tấn. “Cầu hoàn thanh, qua sông khỏi phải lụy đò, hai bên bờ kênh đã nối lại bờ vui”, anh bày tỏ.
Suốt gần 30 năm qua, Đại đức Thích Lệ Tấn vẫn miệt mài với tâm nguyện giúp bà con vùng sâu, vùng xa có chiếc cầu chắc chắn để lưu thông và phát triển kinh tế địa phương. Hàng năm, số tiền ông vận động lên đến 10 tỷ đồng chỉ với mục đích duy nhất là xây cầu. Dự án xây 70 cầu bê-tông cốt thép hoàn thành, công trình cầu treo lớn bắc qua kinh Dương Văn Dương, huyện Tân Thạnh, dài 80m, rộng 3m, tải trọng 3,5 tấn, trị giá 1,6 tỉ đồng, cũng do ông vận động.
Ông Lê Thanh Đông - Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - cho biết, Đại đức Thích Lệ Tấn đã làm tốt công tác xã hội, giúp xây cầu cho người dân gần 30 năm nay. Những chiếc cầu bê-tông thương hiệu “kỹ sư áo nâu” do thầy và các học trò trực tiếp khảo sát, thiết kế, thi công ở một số huyện vùng sâu đã nói lên điều đó. Đại đức vừa được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận là nhà sư vận động xây cầu và các công trình từ thiện nhiều nhất tỉnh Long An, ông còn là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện liên tục 4 nhiệm kỳ.
Không chỉ xây cầu, Đại đức Thích Lệ Tấn còn quan tâm đến những mảnh đời khó khăn, bất hạnh ở các địa phương trong tỉnh. Năm 2021, ngoài việc xây cầu, đại đức đã cùng tăng ni, phật tử chùa Giác Hoa trao hàng ngàn phần quà cho người dân trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; xây hàng chục căn nhà đại đoàn kết, làm hàng ngàn mét đường bê-tông...
Với tâm nguyện “giúp người dân không còn khổ sở khi đi qua những cây cầu lắc lư, gập ghềnh vào mùa mưa lũ”, đại đức đã làm được rất nhiều. Người dân mỗi lần đi qua cầu đều nhớ đến ông.