Hạnh phúc khi được cống hiến và sẻ chia!

Thứ Sáu, 08/10/2021 18:48  | Hiển Vinh

|

(CAO) Khi đơn vị có chủ trương tăng cường lực lượng hỗ trợ tại các chốt phòng chống dịch COVID-19 ở các quận, huyện của TPHCM, anh không ngần ngại đăng ký tham gia tuyến đầu. Là cán bộ năng nổ, hăng hái và tràn đầy nhiệt huyết, anh vừa thực hiện nhiệm vụ chống dịch, vừa tìm cách hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn mình phụ trách.

“Xin gửi đến Ba Mẹ và Vợ con ở nhà!

Từ khi thoát ly đi đến nay đã trăm ngày trên tuyến đầu, con xin lỗi Ba, vì nhà mình dột nước, nghẹt lá cây ở mái nhà mà con không về được, để Ba phải lên làm, con lo Ba lớn tuổi leo trèo nguy hiểm.

Con xin lỗi vì không về sớm đưa hai Mẹ đi tiêm vắc xin được. Con hay dặn dò cả nhà không được ra đường, mà con chẳng tiếp tế gì về cho ba mẹ được.

Nhà mình lọt thỏm giữa muôn trùng những ca F0 xung quanh, ra vào khó khăn. Nhà sát nhà, cửa sát cửa, mật độ dân cư 4 người/m2, cả 4 mặt đều là 4 nhà F0, mà chưa bị nhiễm là nhờ Vợ cả đấy. Cảm ơn Vợ! Cảm ơn em đã thay anh lo cho mọi người an toàn, đủ bữa.

Ba xin lỗi 02 con gái, các con nay đã lớn hơn hẳn, ba cũng không bắt kịp sự thay đổi về ngoại hình và tư duy của các con. Qua điện thoại ba thấy bé Nơ líu lo nhiều hơn, biết chơi đùa cùng chị Na. Nhưng ba lại không được chơi cùng con, bế con như cách con đòi ba qua cửa kính. Cho ba xin lỗi nhé!

Nay mượn được cái bếp gần nơi đồn trú, mua được mấy ký thịt ngon, con kho nồi thịt gửi về hai nhà ăn tiết kiệm vài bữa. Đừng buồn con nhé!

Có đi xa, đi lâu mới thấy nhớ mà, tuy không đi lâu như những người nhập cư bị kẹt lại TPHCM, không đi xa như những y bác sĩ và các bạn tình nguyện viên vào miền Nam chống dịch và cũng không xa vợ con lâu như những người nước ngoài bị kẹt lại Việt Nam do dịch, nhưng cũng đủ lâu để nhớ.

Con chưa về được!”

Đây là những cảm xúc trong “Nhật kí chống dịch” được ghi lại và chia sẻ trên trang cá nhân của một cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh tại Quận 12.

Khi đơn vị có chủ trương tăng cường lực lượng hỗ trợ tại các chốt phòng chống dịch ở các quận, huyện của TP, anh đã xung phong đăng ký tham gia tuyến đầu. Là cán bộ năng nổ, hăng hái và tràn đầy nhiệt huyết, anh vừa thực hiện nhiệm vụ chống dịch, vừa tìm cách để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn mình phụ trách.

Thiếu tá Đặng Kiên Trung cùng đồng đội  vận chuyển rau củ quả để hỗ trợ người dân

Anh là Thiếu tá Đặng Kiên Trung, cán bộ Phòng An ninh đối ngoại Công an TPHCM, những ngày tháng qua đã cùng đồng đội tham gia làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại “vùng đỏ” Quận 12.

Hành trình chống dịch nơi tuyến đầu

Trước khi đến nhận nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch tại phường Trung Mỹ Tây, Quận 12 theo sự phân công, thông qua mối quan hệ cá nhân, anh đã vận động hơn 15 tấn rau củ quả từ Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk. Tất cả số rau củ này, anh đã cùng đồng đội khuân vác, sắp xếp rồi phối hợp và trao gửi đến Hội Phụ nữ Công an TPHCM để chăm lo, hỗ trợ cho bà con khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đồng chí Trung trực chốt kiểm soát phương tiện và người qua lại.

Ngày nhận được thông báo tăng cường lực lượng hỗ trợ từ đơn vị anh công tác, anh tranh thủ chạy về nhà chuẩn bị ít đồ đạc, gửi hai cô con gái 2 tuổi và 5 tuổi cho ông bà nội, ngoại để chăm sóc, tạm biệt gia đình rồi lên đường đến Công an Quận 12 nhận nhiệm vụ.

Mỗi ngày hơn 10 tiếng đồng hồ, anh cùng đồng đội trực tại các chốt kiểm soát ở phường Trung Mỹ Tây, Quận 12. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, có khá nhiều bỡ ngỡ và căng thẳng, áp lực tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều đồng đội ở chốt bị nhiễm bệnh, trên hết là lượng người và phương tiện đông đúc mỗi ngày, dù đã có lệnh không được ra khỏi nhà.

“Làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát, thấy người dân ra đường không có lý do chính đáng, mình chặn lại giải thích và yêu cầu họ quay về nhà. Nhiều người năn nỉ, kể khổ xin qua chốt không được thì nói nặng, chửi bới anh em”, Thiếu tá Trung chia sẻ.

Thiếu tá Trung sắp xếp, phân loại rau củ để gửi đến bà con nhân dân

Sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, anh được đơn vị địa phương phân công từ nhiệm vụ trực chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 sang nhiệm vụ tuần tra kiểm soát lưu động, kiêm luôn tổ trưởng quản lý 25 đồng chí.

Với nhiệm vụ mới, yêu cầu công tác phải luôn trong tư thế thường trực, sẵn sàng xử lý các công việc của ca khác. Nhiệm vụ ấy càng khó khăn và vất vả hơn. Khi được hỏi thăm thì anh vẫn rất lạc quan và luôn trong tư thế sẵn sàng và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Áp lực là vậy nên anh em ở các đơn vị được tăng cường hỗ trợ tại các chốt vẫn thường xuyên động viên nhau để vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ. Ngoài động lực từ chính là tình cảm của đồng chí đồng đội dành cho nhau, với anh, điểm tựa và động lực lớn nhất là có thêm sự hậu thuẫn từ gia đình mình.

“Ba ơi! Về với con đi...!”

Tranh thủ hết ca trực, anh xin phép Ban Chỉ huy đơn vị đóng quân để chạy vội về thăm vợ cùng hai cô con gái nhỏ. Đến trước nhà, chỉ có thể đứng nhìn và nói chuyện với vợ cùng hai con gái qua lớp cửa kính.

Thiếu tá Trung cùng hai cô gái trò chuyện qua lớp cửa kính

“Ba ơi! Về với con đi!”, “Ba ơi! Bế con đi!” - Những câu nói quen thuộc mà mỗi lần anh về cả hai cô con gái đều mè nheo đòi ba. Những cái 'hôn môi xa', cái ngoắc tay, cái vẫy tay chào tạm biệt ba luôn làm bản thân anh đau đáu, nặng lòng. Nhiều lần đơn vị đề nghị rút anh về vì thuộc diện có con nhỏ và cả hai vợ chồng đều công tác trong ngành Công an nhưng anh từ chối.

Anh chia sẻ: “Mình không muốn về giữa chừng khi nhiệm vụ chưa tròn, anh em, đồng đội vẫn phải căng mình chống dịch. Mình sẽ tiếp tục nhiệm vụ đến khi nào tình hình dịch bệnh ổn định, thành phố bước vào giai đoạn "bình thường mới", lúc đó về với các con cũng chưa muộn. Điều mình mong muốn nhất chính là sự an toàn cho gia đình và xã hội".

Vợ anh hiện công tác tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TPHCM nên cũng thường xuyên ở lại đơn vị để trực chiến. Những ngày vợ ở lại đơn vị, gia đình anh phải sắp xếp để gửi cô con gái lớn bên nhà nội, còn cô con gái nhỏ được gửi sang nhà ngoại. Rất hiếm hoi khi anh xin phép cấp trên về thăm nhà mà có cả vợ cùng các con, nhưng chỉ ít phút ngắn ngủi cùng “hậu phương” mỗi lần như thế lại chính là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để anh vững tâm thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”

Dù công việc nhiều vất vả như thế, những anh vẫn tranh thủ thời gian nghỉ ít ỏi của mình để giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Anh tâm niệm: “Mình khổ nhưng nhiều người còn khổ hơn mình, giúp đỡ người dân được phần nào thì hay phần đấy, họ khó khăn, vất vả nên thấy được niềm vui của bà con thì mình cũng cảm thấy được an ủi, bình yên và hạnh phúc phần nào”.

Vận động được quà là anh cùng đồng đội gửi ngay đến các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn

Thông qua nắm địa bàn trong quá trình công tác, anh luôn ghi nhớ thông tin và biết những nơi mà người dân thật sự khó khăn và cần giúp đỡ. Những phần quà thiết yếu như nhu yếu phẩm gồm gạo, mì, trứng, rau củ… luôn được anh vận động từ các mạnh thường quân, bạn bè để trực tiếp đi đến tận từng nhà và trao tặng kịp thời đến bà con.

Ngày Trung thu, thay vì đoàn tụ bên gia đình như hàng năm, thì năm nay, anh lỡ hẹn với các con của mình để cùng đồng đội đến các hộ gia đình khó khăn có con nhỏ, những cháu mồ côi cha mẹ trao tặng những phần quà gồm tiền mặt, tập vở, quà bánh, sữa tươi, động viên các em nỗ lực, cố gắng học tập.

Trao qua Trung thu cho các em thiếu nhi trong khu vực anh phụ trách

Nhận được thông tin nhiều người dân và đồng đội đang làm nhiệm vụ chống dịch không may bị mắc Covid-19, anh đã vận động thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà (được Sở Y tế khuyến khích) để gửi đến bà con và đồng đội. Với những trường hợp chuyển biến xấu và cần oxy trong điều trị, anh cùng một số bạn bè đã khẩn trương huy động hàng trăm bình oxy và trực tiếp vận chuyển đến các bệnh nhân cần giúp đỡ. Không ít lần, anh cũng xót xa khi phải chứng kiến bệnh nhân không thể qua khỏi do tuổi cao và nhiều bệnh nền khiến tình trạng trở nặng nhanh chóng.

Thiếu tá Trung mang bình oxy và thuốc hỗ trợ điều trị đến cho các F0

Ngoài trao tặng những phần quà thiết thực như thế, anh còn vận động, gom góp và trực tiếp cùng bạn bè mang những chuyến xe nông sản nhỏ để gửi đến bếp ăn của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bình dân, Bệnh viện dã chiến thu dung số 8 (TP.Thủ Đức) tiếp thêm dinh dưỡng cho các y, bác sĩ chiến đấu với dịch bệnh.

“Để gió cuốn đi…”

Có lần, nhiều hộ gia đình trong khu vực anh được phân công thắc mắc, khiếu nại về các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, đặc biệt là việc nhận trợ cấp khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Anh lắng nghe và tận tình giải thích, hướng dẫn những thắc mắc của bà con. Sau khi được giải thích, bà con hiểu, thông cảm và không còn ý kiến thắc mắc nào về việc chăm lo này. Để bà con an tâm và vượt qua những khó khăn trước mắt, anh còn trích một phần tiền lương của mình để mua nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các hộ dân sống trong khu vực.

Thông qua những việc làm cho bà con nhân dân trong khu vực anh phụ trách, anh nhận được nhiều tình cảm, sự quý mến và tin yêu từ bà con. Đáp lại sự chân thành và nhiệt huyết ấy, những lời thăm hỏi, động viên, những phần quà là ổ bánh mì, túi trái cây hay ly nước… được bà con gửi đến anh cùng đồng đội.

Những phần đồ ăn thức uống mà bà con gửi tặng anh cùng đồng đội

Những phần quà tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa vô cùng lớn. Đó là chính sự tin yêu, ủng hộ và đồng lòng của bà con. Có thể nói, những tình cảm thiêng liêng như thế chính là nguồn động viên lớn nhất để anh cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và làm thêm nhiều điều có ích cho cộng đồng.

Một số bài viết, hình ảnh hỗ trợ người dân được anh đăng trên trang cá nhân

Lướt một vòng trên trang cá nhân của anh là những chia sẽ tích cực và mang tính lan tỏa trong cộng đồng, đó là những dòng cảm xúc được viết vội để chia sẻ về hành trình trong những tháng ngày chống dịch của bản thân anh cùng đồng đội…

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì? Em biết không?

Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi…”

Chúng tôi xin mượn những lời hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để gửi tặng những tấm lòng thơm thảo, những nghĩa cử cao đẹp dành cho anh và các CBCS Công an TPHCM vẫn đang ngày đêm nỗ lực quên mình, họ miệt mài, vất vả ở ngoài kia để làm nhiệm vụ chống dịch, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Các anh chị gác lại việc gia đình, hy sinh cái riêng, luôn sẵn sàng vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để góp sức cùng TP, vì một mục đích chung là đẩy lùi dịch bệnh và sớm đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới, phục hồi phát triển kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang