Thầy giáo mang quân hàm đỏ giúp hồi sinh những cuộc đời lầm lỗi

Thứ Hai, 01/06/2020 13:47

|

(CAO) Từ khi được học chữ, tự đọc được sách báo thì việc giao tiếp của những học sinh đặc biệt này dễ hơn và trong suy nghĩ cũng tích cực lên. Việc trước mắt là sẽ viết thư cho gia đình, xa hơn là tính toán kế sinh nhai khi ra tù.

Những học sinh đặc biệt

Đó là những tâm sự của phạm nhân Ksor Nuân (ngụ H.Krông Pa, Gia Lai) khi cầm trên tay tờ chứng nhận xóa mù chữ mình vừa nhận được. Nuân là một trong 58 phạm nhân vừa tham gia lớp xóa mù chữ được mở ngay trong khu giam giữ của Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đóng trên địa bàn H.Mang Yang, Gia Lai.

Trại giam Gia Trung tổ chức lớp học xóa mù chữ và lớp phổ cập tiểu học cho phạm nhân

Nuân sinh ra trong gia đình có đông anh em, thuộc diện khó khăn nên không được đi học. Lớn lên không có con chữ, Nuân chỉ quanh quẩn ở nhà. Hạn chế về kiến thức pháp luật, một lần Nuân đã phạm tội hiếp dâm. Tưởng chừng Nuân sẽ mù chữ mãi mãi. Tuy nhiên, cải tạo ở Trại giam Gia Trung được một thời gian, Nuân được tham gia lớp xóa mù. Tới đây, Nuân tiếp tục được học lên lớp phổ cập giáo dục tiểu học.

“Vào đây, tôi được học chữ nên đã hiểu ra được nhiều thứ. Giờ tôi đã biết đọc, biết viết tên của mình, biết đọc nội quy của trại giam, nhờ đó cũng an tâm cải tạo hơn. Tôi sẽ cố gắng cải tạo cho tốt, để nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sớm được trở về gia đình để làm lại cuộc đời”, Nuân chia sẻ.

Được cán bộ trại giam Gia Trung dẫn vào thư viện, chúng tôi thật sự bất ngờ khi được giới thiệu, trong số các phạm nhân đang đọc sách báo ở đây, có khá nhiều người trước kia không biết chữ. Một trong số đó là Bùi Văn Ặm, quê ở Hòa Bình, phạm tội vận chuyển ma túy. Ặm hay lên thư viện, mượn sách về kỹ thuật nông nghiệp để đọc.

Ặm cho biết, nhà anh ở vùng rừng núi của tỉnh Hòa Bình nên đất đai khá nhiều. Sau khi ra trại, anh sẽ về nhà trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Trước kia, anh không biết chữ nên trồng cây gì, nuôi còn gì cũng thất bại. Túng thiếu quá, Ặm mới tham gia vận chuyển ma túy và bị bắt. Giờ được cán bộ dạy cho biết chữ, anh tranh thủ đọc các sách về nông nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, sau này ra tù, đem áp dụng thực tế.

Y Linh trước đây không biết chữ, giờ đã biết đọc và biết viết

Ghé thăm lớp học tại phân trại số 1 của Trại giam Gia Trung, nhìn từ ngoài đã thấy sực khác biệt của 1 lớp học bình thường. Trong lớp, “học trò” mang đồng phục “áo sọc” với đủ mọi lứa tuổi, từ người trẻ đến người đã đi quá nửa đời người.

Trên chiếc bảng đen, thầy giáo mang quân hàm đỏ đang dạy tiếng Việt. Không gian lớp học im phăng phắc, các phạm nhân chăm chú nhìn lên bảng, những bàn tay gân guốc, thô ráp, đã từng gây án giờ đây nắn nót theo từng nét chữ của thầy giáo.

Một phạm nhân trong lớp dù rất tập trung, song phải mất đến hơn 5 phút mới viết xong tên mình “Y Linh”. Viết xong, Linh cười nói: Lúc ở nhà, bàn tay chỉ quen với cái cày, cái cuốc, nên giờ cầm bút cứ cứng. Tưởng cầm bút, đưa theo nét chữ là dễ nhưng khó lắm đấy, phải đánh vật với nó.

Cũng giống như Uân và anh Ặm, cái nghèo đói một thời đã khiến phạm nhân Y Linh, quê ở Đắk Lắk trải qua nửa đời người nhưng một chữ bẻ đôi không biết. Thế nên khi vào tù, Linh không được biết đến niềm vui nhận thư của người thân như những người bạn tù khác.

“Dù rất chậm, nhưng tôi đã đọc và viết được tên mình. Giờ mỗi lần nhìn thấy các con chữ, con số, tôi đọc được là cảm thấy rất vui. Bàn tay tưởng chừng không có cơ hội được cầm bút viết nhưng không ai ngờ vào trại giam lại có cơ hội. Để biến điều không thể thành có thể, tôi đã được cán bộ cũng là người thầy dạy bảo cho từng nét chữ. Sau này ra trại, tôi sẽ viết thư cảm ơn người thầy đã dạy cho tôi con chữ”, Linh xúc động chia sẻ.

Giáo viên mang quân hàm đỏ

Trong suốt câu chuyện về học chữ, nhiều phạm nhân cứ nhắc đến người cán bộ, người thầy giáo với tất cả sự biết ơn. “Thầy giáo” mà các phạm nhân nhắc đến là Thượng úy Lê Văn Thế, cán bộ giáo dục Phân trại số 1.

Các phạm nhân đọc sách trong thư viện trại giam

Mang lời khen của phạm nhân kể lại với Thượng úy Thế, anh cười nói: Có những người nhà cầm lá thư của phạm nhân cứ tưởng nhờ người khác viết hộ. Hôm lên thăm, trực tiếp thấy con mình cầm bút viết và đọc sách, họ đã cảm động đến rơi nước mắt. Thấy hình ảnh vậy, mình cũng cảm thấy ấm lòng.

“Các phạm nhân không đồng trang lứa, trình độ tiếp thu còn nhiều hạn chế… Có những phạm nhân là người dân tộc thiểu số, ngay cả tiếng Kinh họ còn chưa nghe và nói được, chứ không nói gì đến việc có thể đọc và viết được. Có khi hai "thầy trò” gần như đánh vật với nhau mới viết được một chữ cái. Chuyện học trước quên sau thì diễn ra thường ngày như cơm bữa”, Thượng úy Lê Văn Thế nói về những khó khăn khi dạy học cho phạm nhân mù chữ.

Thượng úy Lê Văn Thế - người thầy mang quân hàm đỏ gắn bó với nhiều lớp xoá mù và phổ cập tiểu học trong trại giam

Từ năm 2015 đến nay, Trại giam Gia Trung đã mở tổng cộng 50 lớp dạy chữ cho hơn 700 phạm nhân. Trong đó, có 405 phạm nhân chưa biết chữ được dạy ở 25 lớp xóa mù; 297 phạm nhân được dạy chữ tại 25 lớp phổ cập tiểu học tại đơn vị.

Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị Trại giam Gia Trung cho biết, mỗi năm, đơn vị đều tổ chức lớp học xóa mù chữ và lớp phổ cập tiểu học cho phạm nhân. Các chương trình dạy trong đơn vị đều theo chương trình xóa mù chữ của Bộ GD&ĐT. Sau khi hoàn thành khóa học, phạm nhân phải thi sát hạch cuối kỳ do Phòng GD&ĐT huyện Mang Yang tổ chức.

Ngoài ra, các kiến thức về pháp luật, kiến thức văn hóa, xã hội cũng được khéo léo lồng ghép vào nội dung bài học để nâng cao hiểu biết của các phạm nhân, góp phần quan trọng trọng công tác giáo dục, cảm hóa họ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang