Truy quét tội phạm "tiền bẩn"
Từ cuối năm 2022 đến nay, CAQ Tân Bình đã xác lập hàng loạt chuyên án đấu tranh, nhắm vào các đối tượng, ổ nhóm tội phạm chuyên hoạt động trong lĩnh vực "tín dụng đen", đòi nợ thuê dưới vỏ bọc là các doanh nghiệp hoạt động chân chính. Điển hình như chuyên án đấu tranh với nhóm tội phạm "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" được khám phá vào hồi cuối tháng 12/2022, bắt 32 đối tượng, khởi tố hình sự 5 bị can về hành vi sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Phần mềm ASM được Cục Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Bộ Công an triển khai từ ngày 27/02/2023 và kết nối với hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ứng dụng giúp các cơ sở kinh quản lý các dịch vụ cung cấp về phòng, nhân viên, khách đến lưu trú, các dịch vụ kinh doanh..., giảm thời gian nhập liệu các thông tin khách lưu trú; bên cạnh đó cập nhật thông tin đăng ký lưu trú tự động gửi đến Cơ quan CA.
Tiếp đến là chuyên án đấu tranh với các đối tượng lợi dụng hoạt động của Công ty mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (22A Tân Canh, P1) để cưỡng đoạt tài sản vào đầu tháng 3/2023. Tổng số tiền mà nhóm đối tượng đã chiếm đoạt gần 110 triệu đồng. Sau quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT CAQ Tân Bình đã khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng. Cũng trong thời gian này, CAQ Tân Bình tiếp tục nhận được trình báo từ người dân về hoạt động của một nhóm côn đồ, sử dụng "mưu hèn kế bẩn" để đòi số tiền gần 3 tỷ đồng diễn ra tại địa chỉ 1047 Cách Mạng Tháng 8 (P7).
Qua điều tra, Công an xác định các đối tượng chủ chốt gây ra, ngày 20/3, các trinh sát hình sự đã bắt 3 đối tượng nói trên và chuyển Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an TPHCM thụ lý theo thẩm quyền. Đặc biệt, trong giai đoạn TPHCM đẩy mạnh truy quét hoạt động "quảng cáo bẩn", qua công tác truy xét, CAQ Tân Bình đã xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ các đối tượng chuyên dán quảng cáo trái phép nhằm mục đích cho vay nặng lãi. 5 đối tượng bị khởi tố hình sự, thu giữ hơn 35 ngàn giấy A4, 24 ngàn danh thiếp có in các nội dung chào mời vay nặng lãi.
CAQ Tân Bình sáng tạo, áp dụng nhiều mô hình tuyên truyền đặc sắc để truyền tải có hiệu quả đến người dân
Ngoài ra, CAQ Tân Bình còn khám phá nhiều vụ án liên quan tới "cái chết trắng". Trong đó có vụ án nằm trong chuyên án đấu tranh với các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ trên 4,1kg methamphetamine; khoảng 0,034kg ketamine; 0,02kg MDMA; 1 khẩu súng và 32 viên đạn ngày 13/3. Đến tháng 4/2023, CAQ Tân Bình tiếp tục bắt 2 đối tượng, thu giữ 32,56kg cần sa, phối hợp cùng Công an tỉnh Đắk Lắk truy quét vườn trồng cần sa có quy mô lớn, là nguồn hàng cung cấp cho các đối tượng.
Tiên phong áp dụng công nghệ trong quản lý địa bàn
Để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Ban chỉ huy (BCH) CAQ Tân Bình đã thống nhất triển khai 2 mô hình "Thông báo lưu trú tại các khách sạn, nhà ngăn phòng cho thuê, bệnh viện qua phần mềm ASM" và "ứng dụng Bộ phần mềm và thiết bị xác thực thẻ CCCD gắn chíp phục vụ công tác xác thực sinh trắc trong công tác công chứng tại phòng công chứng". Đặc biệt, với mô hình áp dụng phần mềm và thiết bị xác thực thẻ CCCD tại các phòng công chứng, CAQ Tân Bình là một trong những đơn vị tiêu biểu đã xung phong đi đầu, áp dụng công nghệ vào đời sống, đáp ứng các nhu cầu đặt ra trong công tác quản lý địa bàn.
Sau thời gian thí điểm, đánh giá tính năng, tiện ích của các ứng dụng mang lại, ngày 05/5/2023 Ban chỉ đạo Đề án 06 quận đã tổ chức ra mắt 2 mô hình và triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn quận. Với mô hình khai báo qua ứng dụng ASM, sau 3 tháng triển khai, CAQ Tân Bình đã vận động được 63 khách sạn; 2 bệnh viện tham gia và 25 nhà trọ (12 trên tổng số 15 phường) áp dụng mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM, tiếp nhận khoảng 5.000 trường hợp thông báo lưu trú.
CBCS CAQ Tân Bình tới từng cơ sở kinh doanh hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng ASM
Bên cạnh công tác phục vụ người dân, ứng dụng ASM còn mang lại nhiều hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng Công an. Nhiều chủ doanh nghiệp khách sạn giai đoạn đầu được lực lượng Công an vận động sử dụng ứng dụng ASM còn e dè vì lo ngại rắc rối công nghệ. Tuy nhiên, khi được CSKV, các cán bộ của Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội kiên trì động viên, hướng dẫn tận tình, họ đã thay đổi thái độ và đánh giá hiệu quả mà công nghệ đem lại.
Ông Nguyễn Tuấn, chủ một khách sạn ở P2, Q.Tân Bình bộc bạch: "Áp dụng việc khai báo thông tin cư trú của khách hàng thông qua phần mềm ASM giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian hơn trước rất nhiều. Ví dụ, trước đây thực hiện khai báo thủ công mất 10 phút/người thì nay chỉ tốn chưa tới 2 phút".
Với mô hình áp dụng phần mềm và thiết bị xác thực thẻ CCCD tại các phòng công chứng, hiệu quả thực tiễn đem lại đã được các công chứng viên ghi nhận. Tại Phòng Công chứng số 4, đại diện đơn vị này cho biết, việc đối chiếu hình ảnh của người công chứng thông qua thiết bị thu thập để kiểm tra, đối chiếu, xác thực sinh trắc đảm bảo chính xác thông tin công dân trước khi thực hiện công chứng. Hạn chế nhiều sai sót so với việc kiểm tra thủ công qua mắt thường như trước đây.
Trong nửa đầu năm 2023, CAQ Tân Bình còn liên tục mở các cao điểm để thực hiện cấp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân trên địa bàn, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tính hiệu quả do công nghệ hiện đại đem lại đã được nhân dân Q.Tân Bình đánh giá cao
Cùng người dân nhận diện tội phạm
Thời gian qua, tội phạm lừa đảo công nghệ cao có chiều hướng gia tăng, các đối tượng tội phạm đã áp dụng công nghệ tin học hiện đại, sử dụng nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi, được dàn dựng công phu để thực hiện các hoạt động phạm pháp, nhắm đến số đông người dân có tâm lý "nhẹ dạ cả tin". Dù các đối tượng tội phạm đã bị cơ quan điều tra, truy quét, song hậu quả, thiệt hại về tài sản mà người dân vướng phải vẫn hết sức nặng nề. Trước trình trạng này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TPHCM tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của CAQ Tân Bình diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, BCH CAQ Tân Bình đã phân công, giao CAP3 triển khai thí điểm các biện pháp phòng ngừa với yêu cầu: "Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người dân trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao".
Cùng CA tỉnh Đắk Lắk truy quét tận vườn cần sa quy mô, chuyên cung ứng ra thị trường
Các đối tượng và tang vật là hàng chục ký cần sa
Đại tá Lê Hoài Phong, Trưởng CAQ Tân Bình đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc P3, Q.Tân Bình có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm phải thật sát thực tiễn, truyền tải rộng rãi tới người dân, cơ quan, doanh nghiệp... Quá trình xây dựng kế hoạch, CAP3 đã thành lập 5 tổ công tác do 1 CSKV làm Tổ trưởng với các thành viên tham gia đến từ các hội, đoàn, mặt trận địa phương để ra quân đồng loạt từ ngày 01/8. Để công tác tuyên truyền được thực hiện hiệu quả, các đội nghiệp vụ phối hợp CAP3, Q.Tân Bình xây dựng tờ rơi tuyên truyền với điểm nổi bật là: 29 dấu hiệu phổ biến nhận biết các đối tượng đang thực hiện hành vi lừa đảo qua không gian mạng. Thông qua những chiêu trò được liệt kê cụ thể trong bản tin, người dân có thể chủ động nhận biết và có biện pháp phòng tránh khi bị các đối tượng nhắm đến.
Hơn 100 ngàn tờ rơi vạch trần thủ đoạn phạm tội của các đối tượng qua không gian mạng đã được chuẩn bị, dán rộng rãi tại các trung tâm công cộng, trụ sở Ủy ban phường và các bản tin Khu phố... Chỉ trong 3 ngày đầu tháng 8 (từ 01 - 03/8), CAP3 đã "đi từng ngõ - gõ cửa từng nhà” phát hàng ngàn tờ rơi đến với các hộ dân trên địa bàn, trao tận tay người dân các tòa nhà, cơ sở kinh doanh tập trung đông nhân công, lao động. Với cách làm hay, hiệu quả, các CBCS CAQ Tân Bình đang tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực đổi mới tác phong làm việc với tinh thần "vì nhân dân phục vụ”, xây dựng được nhiều chương trình hoạt động, mô hình an ninh trật tự mang tính hiệu quả nhất để bảo đảm địa bàn bình yên, sạch bóng tội phạm, đã nhận được sự tin yêu của nhân dân.