Kế hoạch khẩn cấp
Bí số CM12 (Kế hoạch phản gián CM12) do đồng chí Phạm Hùng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đặt tên trong kế hoạch đấu tranh với tổ chức phản động "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" do Lê Quốc Túy (SN 1929) và Mai Văn Hạnh (SN 1928) cầm đầu, kéo dài ròng rã 3 năm trời (tháng 9/1981 - 9/1984). Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián tại Hòn Đá Bạc (thuộc xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Hiện địa danh này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Nơi đây có Nhà truyền thống, Tượng đài chiến thắng CM12.
Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, không cam chịu thất bại sau năm 1975, các tổ chức phản động được hậu thuẫn của ngoại bang tìm mọi cách chống phá quyết liệt. Trong đó, nổi cộm nhất là tổ chức "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" (gọi tắt là "mặt trận") do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Chúng cài cắm "chân rết" hoạt động chống phá tại khắp các tỉnh phía Nam, vươn ra các nước trong khu vực và trải dọc biển Đông đến vùng đảo cực Bắc Tổ quốc.
Đầu năm 1981, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tổ chức cho một toán biệt kích gián điệp lấy tên là "Minh Vương 1" gồm 23 tên xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ. Đây là toán xâm nhập mở đầu cho một "kế hoạch lớn" của Túy và Hạnh cùng bọn phản động quốc tế. Tuy nhiên, vừa đến khu vực rừng U Minh Thượng, nhóm này bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết, một số tên bị tiêu diệt. Ta thu giữ điện đài, vũ khí cùng nhiều phương tiện hoạt động của chúng. Từ thời điểm này, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ đạo lập kế hoạch đấu tranh. Kế hoạch CM12 ra đời. CM là Cà Mau, 12 là ngày 12/5/1981 - địch khởi động chiến dịch "Minh Vương 1").
Những người hùng sinh tử cùng CM12
Túy, Hạnh không hề biết các toán biệt kích "mở đường" từ đầu năm 1981, kể cả toán "Minh Vương 1" đều đã bị ta bắt gọn, khống chế, thuyết phục một số đối tượng quan trọng để dùng vào "trò chơi nghiệp vụ” phát về "trung tâm" (đặt ở nước ngoài) những bức điện "tươi sáng" nên chúng hí hửng lập kế hoạch "Minh Vương 2". Lần này chúng không di chuyển bằng đường bộ mà thâm nhập bằng đường biển. Toán này có nhiệm vụ luồn sâu vào rừng U Minh Thượng lập mật cứ kháng chiến để tiếp nhận vũ khí, thuốc men, lương thực, tiền bạc từ các chuyến tàu biển chuyển đến sau đó. Chúng còn có nhiệm vụ nghiên cứu, lập ra những biệt đội ám sát, dùng chất nổ phá hoại những mục tiêu quan trọng ở các tỉnh, đặc biệt là TPHCM để gây tiếng vang rồi từng bước đưa cái gọi là "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" ra công khai, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Song song đó, chúng lập các chiến dịch "Hồng Kông 1", "Hồng Kông 2"... với hàng ngàn quân xâm nhập vào Việt Nam đánh phá.
Những lúc về Hòn Đá Bạc, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể lại chiến thắng của Kế hoạch CM12 cho thế hệ trẻ
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban chỉ đạo kế hoạch phản gián CM12 quyết định cử một số trinh sát của ta thâm nhập vào các tổ chức của địch, với những vai diễn là "đặc phái viên" và "cơ sở" của chúng. Trong đó, có các đồng chí Thượng úy Trần Phương Thế (tự Tám Thậm, khi đó là Trưởng Công an H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; bí danh hoạt động do bọn Túy - Hạnh đặt là NK.A1; sau là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục an ninh); đồng chí Hồ Việt Lắm (tự Mười Lắm, khi đó là Phó Công an H.Trần Văn Thời; bí danh hoạt động do địch tin tưởng đặt là NK.A2; sau là Thiếu tướng - Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau)... và rất nhiều chiến sĩ Công an khác thâm nhập vào tổ chức đầu não của địch để hoạt động. Những người giữ vai trò quan trọng, chỉ đạo, chỉ huy Kế hoạch CM12 còn có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Đăng Chiếm, đồng chí Nguyễn Phước Tân (tự Hai Tân, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị 2, sau là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh... Chuyên án kết thúc, 3 đồng chí và 2 tập thể sau đó được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhắc đến Kế hoạch CM12, các đồng chí tham gia chuyên án kể nhiều về những đóng góp của người dân, những nông dân chân chất làm vườn ruộng, những ngư dân trên sông nước, biển cả, những người bán hàng quán... và lực lượng bộ đội, du kích, cán bộ chính quyền các cấp... đã phối hợp, giúp đỡ rất nhiều cho lực lượng Công an phá án để làm nên một thành công rực rỡ là chiến thắng Kế hoạch CM12.
Triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch phản gián liên hoàn, từ ngày 9/9/1981 đến 9/9/1984, lực lượng an ninh của ta đã câu nhử và "đón" tại Hòn Đá Bạc được 18 chuyến xâm nhập của tổ chức do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh làm chóp bu. Mỗi chuyến chúng chuyên chở hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, gián điệp biệt kích và đều thực hiện đúng ý đồ, đúng địa điểm do ta chuẩn bị trước. Trong đó, Mai Văn Hạnh nhiều lần trực tiếp xâm nhập về nước để kiểm tra "kho tàng", "mật cứ", gặp gỡ số gián điệp biệt kích đã xâm nhập từ trước cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động trong nước vạch các kế hoạch đánh phá cách mạng. Ngày 9/9/1984, 2 con tàu xâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam đã bị bắt giữ cùng 2 "thủ lĩnh" Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, riêng Lê Quốc Túy do bệnh nặng đã không đi trong chuyến này. Sau khi câu nhử hầu hết số gián điệp biệt kích đã được huấn luyện với vũ khí, phương tiện đưa về nước, lực lượng An ninh Việt Nam quyết định kết thúc Kế hoạch CM12 bằng trận đánh cuối cùng đúng vào đêm 9/9/1984 tại Hòn Đá Bạc.
Chân dung Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh
Thắng lợi huy hoàng!
Như vậy, sau hơn 3 năm từ 1981 đến ngày 9/9/1984, kế hoạch phản gián CM12 của lực lượng CAND Việt Nam đã thành công rực rỡ. Lực lượng Công an đã bắt được 189 tên phản động lưu vong, thu giữ 143 tấn vũ khí, 90 tấn đạn dược, 1,2 tấn chất nổ, 14 tấn tiền giả; bắt và tiêu diệt hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, thu hàng trăm tấn vũ khí, nhiều phương tiện chiến tranh. Phá tan hàng chục tổ chức phản động trong nước, làm phá sản toàn bộ hoạt động vũ trang và xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam hòng gây bạo loạn, lật đổ... Qua thực hiện Kế hoạch CM12, lực lượng an ninh của ta còn phát hiện, đấu tranh bóc gỡ 10 tổ chức phản động do địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam bộ...
Ghi nhận, đánh giá cao chiến công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng tham gia thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 2 tập thể và 3 cá nhân thuộc CAND và nhiều phần thưởng cao quý khác. Để ghi lại dấu ấn lịch sử Hòn Đá Bạc - địa danh đã thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND, Bộ Công an đã phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư xây dựng khu Di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc và Tượng đài bảo vệ An ninh Tổ quốc.
Nhân kỷ niệm 38 năm Chiến thắng Kế hoạch phản gián CM12 (9/9/1984 - 9/9/2022), chiều 11/8/2022, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử trong Kế hoạch phản gián CM12. Đến dự có Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Huỳnh Quốc Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân đã trực tiếp giúp đỡ cán bộ công an trong Chuyên án CM12.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và các đại biểu tại buổi gặp mặt
Nhìn lại 38 năm chiến thắng vẻ vang của lực lượng An ninh nhân dân, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định: "Thành công của Kế hoạch phản gián CM12 là một trong những chuyên án điển hình, có ý nghĩa to lớn, mang tầm chiến lược, không chỉ về mặt nghiệp vụ mà còn có giá trị lịch sử quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia; là đòn tấn công quyết định làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12 là bài học lớn, là mốc son chói lọi để thế hệ trẻ phải nhắc nhớ và không bao giờ quên truyền thống vệ quốc vĩ đại của lớp lớp cha anh đi trước.