Nếu cõng gạo không kịp quay lên trước khi trời sáng thì nơi ẩn náu trong lòng đất cũng là những căn hầm bí mật do người dân che chở.
Nếu không có lòng dân, những chiến sĩ công an thời đó không có lương thực, không có chiến hào, không có người đặt ngọn đèn dầu trước cửa sổ để báo hiệu bình yên hay có địch phục kích; tiếp tục trở lại căn cứ hay nán lại đến ngày hôm sau.
“Chiến hào lòng dân” ở miền Đông cũng chính là câu chuyện ở khắp vùng đất từ vĩ tuyến 17 trở vào: Sài Gòn, Tây Ninh, Cần Thơ, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng... Không có lòng dân, có lẽ những chiến sĩ an ninh rời rừng núi xuống đồng bằng, không còn mấy ai có thể quay trở về.
Bài học về “xây dựng thế trận an ninh nhân dân” đã được tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thấm nhuần từ rất sớm, thời đất nước còn trong lửa khói chiến tranh.
Ngày 19/8/1945, sau Cách mạng Tháng Tám, tại Thủ đô Hà Nội, lực lượng Công an nhân dân ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều huấn thị, trong đó nhấn mạnh: “Công an phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô, mùng 1 Tết Quý Mão (1963)
Người còn dạy: “... Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao để có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 5/9/1954, trước khi trở lại tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bác lại tiếp tục dặn dò các chiến sĩ Công an nhân dân giữ mình trước “viên đạn bọc đường”, muốn giữ mình thì từng chiến sĩ phải coi trọng danh dự.
Thời đó, những người chiến sĩ Công an nhân dân cũng thường ghi vào đầu sổ câu nói của lãnh đạo Trường Đại học An ninh Liên Xô, cái nôi đào tạo các thế hệ tiền bối của Công an nhân dân: “Người chiến sĩ an ninh phải có cái đầu nóng, trái tim lạnh và đôi bàn tay sạch sẽ”.
Lời Bác dặn trở thành phương châm hành động của bao thế hệ chiến sĩ Công an nhân dân. Và 64 năm sau, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 diễn ra vào ngày 15/01/2018, câu nói “viên đạn bọc đường” của Bác Hồ kính yêu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên hệ với thực tiễn và nhấn mạnh: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Trong đề cương phục vụ sinh hoạt chính trị học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy chủ đề: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”, có đến 20 cụm từ nhắc đến nhân dân. Hàng vạn chiến sĩ Công an nhân dân ngày đêm hy sinh quên mình, có những tấm gương sáng ngời như: Thượng úy Trương Văn Thắng, Công an xã vùng cao Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã anh dũng hy sinh khi trên đường đi cứu dân bị lũ cuốn trôi; Trung úy Nguyễn Thành Dũng, Cảnh sát hình sự Công an TPHCM bị phơi nhiễm khi truy bắt tội phạm ma túy... Ở khắp các tỉnh, thành, nhiều cán bộ, chiến sĩ ngã xuống giữa thời bình để giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Nhưng đâu đó, vẫn còn số ít chiến sĩ bị trúng “viên đạn bọc đường”. Vì vậy chưa bao giờ cụm từ “Vì nhân dân, coi trọng danh dự, phẩm giá của mỗi cá nhân” lại được nhấn mạnh như hiện nay. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng dẫn điều này để ví von, Công an nhân dân như thanh bảo kiếm, lá chắn thép và cái tâm phải trong sáng.
“Dựa vào nhân dân, sẵn lòng giúp đỡ dân - Danh dự là điều thiêng liêng” trở thành những lời thề trong trái tim những người chiến sĩ Công an nhân dân TPHCM. Và năm 2020, cả thế giới kinh hoàng với Đại dịch Covid-19, một trận chiến mà mắt thường không thể nhìn thấy kẻ thù. Thành phố hơn 10 triệu dân đóng cửa. Khắp nơi vang lên tiếng cầu cứu. Hàng vạn con hẻm có những chiếc rổ chờ trước cửa mong chờ thực phẩm. Tiếng còi cấp cứu vang rền giữa không gian trầm lắng u buồn của thành phố đang mất dần sự sống.
Vào giờ phút vô vàn khó khăn đó, những người chiến sĩ lực lượng Công an TPHCM đã xông pha khắp các con đường, ngõ hẻm. Từng con hẻm, từng khu phố, từng bệnh viện, nơi đâu cũng có bóng dáng những người chiến sĩ công an. Nhiều người dân rưng rưng gọi các anh là “con”. Các chiến sĩ lưng đẫm mồ hôi vào tận hẻm sâu sẻ chia với người dân từng hạt gạo, từng bó rau, chai mắm... Suốt cả ngày lẫn đêm, điện thoại của bao cán bộ công an khu vực cứ rung lên, hết tin nhắn hỏi gạo, đến gói thuốc, vài bó sả, có cả lời thăm hỏi “nghe anh em mình bị nhiễm Covid-19; cầu mong các chú công an qua khỏi...!”.
Thời khắc sống chết, con người thường chọn những vần điệu lãng mạn để vượt qua nỗi đau, như lời bài hát của nhạc sĩ Trọng Bằng sáng tác cho lực lượng Công an nhân dân viết cách đây 56 năm: “chúng tôi là chiến sĩ công an, trung với Đảng suốt đời vì dân”.
Thời khắc người dân khổ sở, bao người lính công an, khoác chiếc áo bảo hộ, ra đi mà không rõ có trọn vẹn ngày về. Động lực cho mọi hành động đó đều bắt nguồn từ lời thề: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, lúc dân cần, lúc dân khó có công an”. Thời điểm đó, hàng ngàn chiến sĩ công an cũng bị nhiễm Covid-19, có người rất nguy kịch, nhưng lực lượng Công an TPHCM vẫn xông pha vào tâm dịch, lập các chốt bảo vệ các khu vực chữa trị cho dân. Từ tháng 5 đến hết tháng 10 của năm 2021, những túi gạo, nhu yếu phẩm từng ngày liên tục được Công an TPHCM tiếp tế cho người dân. Bầu nhiệt huyết xung kích không ngại hy sinh từ đó thấm truyền qua muôn triệu trái tim của đồng bào thành phố.
Đại dịch Covid-19 đi qua. Thành phố đầy vết thương rồi sẽ lành, nhưng lòng người còn chất chứa bao trắc ẩn. Bởi đó là ân tình, thâm sâu, nghĩa nặng. Để hôm nay, những chiến sĩ công an đi qua bao con phố từng căng dây, kéo rào, lòng bồi hồi nhớ lại những giây phút sống chết vì người dân. Bao con phố ấy ghi dấu sự tái ngộ, cái bắt tay thật chặt, lời cảm ơn sâu lắng của người dân với chiến sĩ Công an. Sự hồi sinh nhiệm mầu bắt nguồn từ lòng nhân ái.
Đón một cái Tết yên bình, khi mà khóe mắt bao người vẫn rưng rưng, Thiếu tướng, Tiến sĩ Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM đã trải lòng mình: “Nhân dân an vui là hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi. Lực lượng Công an TPHCM có được sự ủng hộ của người dân bấy lâu nay, cán bộ chiến sĩ đã phải trải qua quá trình rèn luyện, chiến đấu, sẵn sàng vượt mọi gian khổ, chấp nhận hy sinh để đem đến bình yên cho thành phố, cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Sự tin yêu của người dân chính là điểm tựa vững vàng, là tài sản vô giá, cổ vũ Công an TPHCM liên tiếp lập nên những chiến công...”.
Thì giờ đây, thành phố đã bình yên, người dân hân hoan bắt tay, đoàn kết xoa lành vết thương, vun bồi cho sự phát triển của thành phố.
Mới hay, hơn 400 năm trước, Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm đã đúc kết và để lại cho người đời sau: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản/Đắc quốc ưng tri tại đắc dân” (tạm hiểu: Xưa nay quốc gia lấy dân làm gốc/Giữ được quốc gia là do được lòng dân).
Đại dịch Covid-19 đau thương đã đi qua. Những năm tháng và bao thử thách đã đi qua, dân nhớ ơn các anh, thường kể về những kỷ niệm, về hạt gạo nghĩa tình của Công an. Và từ đó “chiến hào lòng dân” đã được xây dựng vững chắc từ trong gian lao, thử thách. Những chiến sĩ Công an TPHCM, khi trở lại những con phố quen, trái tim các anh vẫn bùi ngùi xúc cảm, nơi nào cũng nhận được những lời tự tình trân quý của nhân dân thốt ra từ đáy lòng.
Để lực lượng công an luôn khắc cốt ghi tâm trọn đời và làm theo những lời Bác dạy. Để mỗi cán bộ, chiến sĩ càng trong sáng hơn, giữ tròn cho mình lời thề Danh dự của Công an nhân dân.