Đại đoàn kết toàn dân tộc - Cội nguồn sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám

Thứ Bảy, 19/08/2023 08:53

|

(CAO) Trong Thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống đại đoàn kết càng được kế tục và phát huy cao độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dày công vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân, từng nói: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch.” Đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi và đoàn kết sẽ đưa đất nước ta tiến đến những đỉnh cao mới của thời đại.

Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Đảng luôn xác định, “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đại đoàn kết toàn dân tộc - nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện rõ quan điểm, lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Marx-Lenin, được cụ thể hóa thành những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp, quy tụ và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng, đoàn kết quốc tế nhằm phát huy cao nhất sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2/3/1946. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

 Người chỉ rõ, sức mạnh lớn nhất là ở nhân dân, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân,” đoàn kết được nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn nhất. Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ".

 Người căn dặn: Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công".

 Đại đoàn kết toàn dân tộc - chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”

Chính vì thế, ngay từ khi vừa thành lập, Đảng ta đã không ngừng xây dựng, củng cố khối liên minh công-nông và coi trọng việc đoàn kết, tập hợp các lực lượng khác như thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tiểu thương, tư sản, địa chủ.

Ngày 5/11/1945, “Ngày Kháng chiến” được tổ chức trên toàn quốc nhằm biểu thị sự ủng hộ của toàn dân đối với cuộc chiến đấu oanh liệt của đồng bào Nam Bộ. Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và đọc diễn văn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)  
Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn tại Đại hội Nhân dân thủ đô Hà Nội, mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tối 19/9/1960. Hình ảnh ấy đã trở thành biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu tôn giáo tại Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa II, tháng 7/1960. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xã viên Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang gặt lúa mùa (1954). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Với tuyên ngôn về đoàn kết, thống nhất, Đảng đã trở thành hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với xu hướng cách mạng thế giới, là tiền đề quan trọng nhất cho những bước phát triển tiếp theo.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, nhằm “liên hiệp hết thảy các giới, đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn.”

Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh “sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập.”

Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng, hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại.

"Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước" 
Bà con dân bản Chà Lấu, xã Nậm Giải (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) vui nhảy sạp tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc . (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, vì lương tri và những giá trị làm người cơ bản.

Đó là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và sức mạnh của đoàn kết quốc tế: toàn dân đồng lòng nổi dậy, lực lượng Đồng minh chống phátxít trên thế giới ủng hộ; từ chiến khu về đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, rồi cả thành thị cùng nông thôn nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

Có được sức mạnh đó là nhờ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta.”

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kỳ “kháng chiến kiến quốc.” Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn khi ta phải đương đầu với cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các đỉnh cao ở Pleiku trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. (Ảnh: TTXVN)

Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội ra đời với các đại biểu đến từ tất cả các giai tầng trong xã hội, từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản, người dân tộc thiểu số thuộc mọi ngành, lĩnh vực văn hóa, tôn giáo.

Mặt trận dân tộc thống nhất với nhiều tên gọi khác nhau như Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954); chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), hoàn thành độc lập và thống nhất đất nước.

Ngay sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, quan điểm đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng đưa lên nhiệm vụ hàng đầu.

Cùng với việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận dân tộc trong cả nước (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam).

Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận cả nước được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 31/1 đến 4/2/1977, quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trên phạm vi cả nước, mở ra một thời kỳ hoạt động mới của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, góp phần tích cực vào công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của dân tộc.

 

Tại Đại hội VI, Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, có nhiều quan điểm, chủ trương đổi mới đề cập trực tiếp đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, như: “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.”

Đại hội VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước, trong đó nhấn mạnh hai bài học kinh nghiệm về đoàn kết dân tộc: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…; Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Đại hội IX nhấn mạnh động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội.

Đại hội X chỉ rõ nhiệm vụ phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đưa vấn đề phát huy sức mạnh toàn dân tộc là một trong bốn thành tố của chủ đề Đại hội; coi đó là “nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Đại đoàn kết toàn dân tộc đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong ảnh: Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa. (Ảnh: Thuỳ Giang/TTXVN)
Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, quan điểm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nằm trong nội dung quan trọng của chủ đề thứ hai của Đại hội “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại".

Để phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã nêu 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó quan điểm thứ ba đề cập đến phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân… tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước".

Đánh giá những thành tựu đạt được, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng trong Ngày hội Đại đoàn kết Toàn Dân tộc (15/11/2017). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ngày 11/11/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các buôn, thôn ở xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn (19/11/2017). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình tiêu biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, sáng 4/11/2014. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Lực lượng công an, đoàn viên thanh niên tỉnh Hà Tĩnh giúp dân thu hoạch lúa chạy bão. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.”

Với những thành quả cách mạng đã đạt được, dưới sự lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, sự quản lý điều hành năng động, sáng tạo của Nhà nước cùng tài năng, đức tính cần cù, ý chí và khát vọng vươn lên mãnh liệt của nhân dân ta, tiếp tục vận dụng bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh lịch sử mới, chúng ta có đầy đủ cơ sở để vững tin vào sự hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Trong ảnh: Băng rôn trên đường Hùng Vương chào mừng 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Bình luận (0)

Lên đầu trang