Thời gian đóng bảo hiểm quá dài, nhiều lao động phải chọn "cái trước mắt"

Thứ Sáu, 18/08/2023 09:07  | Hải Triều

|

(CATP) Nêu quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự tán thành với sửa đổi theo hướng giảm thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm.

Khuyến khích người lao động quay lại tham gia BHXH

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên thứ 25, hôm qua (17/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trình Thường vụ Quốc hội dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Việc này, theo Bộ trưởng Dung, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu thay vì phải nhận BHXH một lần.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu. "Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu" - ông Dung chỉ ra.

Do đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định này không áp dụng với các trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến thảo luận

Quá trình thẩm tra về điều kiện hưởng lương hưu, Ủy ban Xã hội có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên quy định 20 năm như hiện hành để bảo đảm tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm mức sàn an sinh xã hội nhất định.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng, quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống còn 15 năm là phù hợp, tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 đến 55 tuổi), thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần, có thể tham gia hoặc quay lại tham gia để được hưởng lương hưu.

Quy định này cũng cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH, góp phần thúc đẩy tính liên kết đa tầng, linh hoạt của hệ thống...

Giảm thời gian đóng BHXH là cần thiết

Thảo luận sau đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhìn nhận, việc quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm là phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương, đó là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 xuống 15 năm và hướng tới là còn 10 năm.

Sửa đổi này, bà Thanh cho rằng, còn tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH hoặc tham gia không liên tục, dẫn đến nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH sẽ vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần.

Đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự luật, đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, một trong những nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần là vì thời gian đóng để hưởng BHXH quá dài. "Thực tiễn cũng dài, mà so với thông lệ quốc tế cũng dài" - Chủ tịch Quốc hội nhận xét. Ông phân tích thêm, trong lúc khó khăn, ví dụ như thời kỳ đại dịch, thì giữa 20 năm sau với trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm. Dự án luật đã đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó, phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang