Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là nhiều DN vừa và DN nhỏ phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc bị giải thể, phá sản, dẫn đến chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ). Theo đó, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN là 12.518 tỷ đồng, chiếm 3,05% so với số phải thu.
Trước tình hình đó, với quyết tâm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH Việt Nam đã bám sát tình hình thực tiễn, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực, tập trung cao độ, quyết liệt của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ trong ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả thu hồi 6.228 tỷ đồng tiền chậm đóng, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Với sự nỗ lực, ngành BHXH Việt Nam đã vượt qua khó khăn thu hồi số nợ bảo hiểm khủng.
Trong đó, đôn đốc đơn vị chậm đóng kịp thời, quyết liệt, linh hoạt bằng nhiều hình thức: trực tiếp tại đơn vị, gửi văn bản, email, điện thoại… Kết quả đã thu hồi số tiền chậm đóng 3.802 tỷ đồng.
Tăng cường chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất; phối hợp phối hợp với các Sở, ban, ngành như: Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Công an, Thi hành án… Thông qua công tác thanh tra đã thu hồi số tiền chậm đóng là 2.426 tỷ đồng.
Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tính đến tháng 9-2022 phải tính lãi là 14.577 tỷ đồng, chiếm 3,38% số phải thu. Theo đó, nhằm giảm số tiền chậm đóng, đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, trong 3 tháng cuối năm 2022, toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung vào các giải pháp sau:
- Phân công lãnh đạo, cán bộ xây dựng kế hoạch hằng tuần, hằng tháng nắm bắt hoạt động của đơn vị, triển khai đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, trong đó tập trung các giải pháp đôn đốc rà soát dữ liệu thuế, kế hoạch đầu tư; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu hằng tháng về thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2022.
- Tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với DN nợ từ 03 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho NLĐ.
- Lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với đơn vị cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo quy định tại điều 216 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Song song với quá trình trên, tính đến hết tháng 9-2022, ngành BHXH Việt Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ và giảm mức đóng từ quỹ BHXH, quỹ BHTN cho NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng chi phí trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ. Cụ thể:
- Đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại các Nghị quyết số: 42/NQ-CP, 154/NQ-CP, 68/NQ-CP của Chính phủ đối cho 2.501 lượt đơn vị sử dụng lao động, với gần 380 nghìn lượt NLĐ, với số tiền trên 2.015,9 tỷ đồng.
- Đã thực hiện điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho gần 390 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động, với gần 11,7 triệu lượt NLĐ với số tiền khoảng 4.164,1 tỷ đồng.
- Đã thực hiện giảm mức đóng vào quỹ BHTN theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ cho 346,6 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động, với trên 12 triệu lượt NLĐ, với số tiền khoảng 9.209,3 tỷ đồng.
- Đã thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho 66 đơn vị sử dụng lao động với 8.230 NLĐ, với số tiền gần 38,87 tỷ đồng.
- Đã thực hiện chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ quỹ BHTN theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trên 13,3 triệu lượt NLĐ, với số tiền 31.836 tỷ đồng (trong đó có trên 99% NLĐ nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng).
Như vậy, với việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, quỹ BHTN cho NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện việc: chi trả 31.836 tỷ đồng trực tiếp bằng tiền từ nguồn quỹ BHTN cho trên 13,3 triệu lượt NLĐ; thực hiện tạm dừng đóng vào các quỹ hưu trí và tử tuất, giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BHTN và hỗ trợ đào tạo học nghề với tổng số tiền 15.428,2 tỷ đồng cho trên 739 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động.
Đây là minh chứng cho thấy, sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành BHXH Việt Nam trong việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ Covid-19 cho NLĐ và NSDLĐ của Chính phủ, không có độ trễ trong công tác tổ chức, thực hiện các gói hỗ trợ nêu trên.
Có thể khẳng định, việc ban hành các Nghị quyết hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tiếp tục khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc hỗ trợ kịp thời, trực tiếp, thiết thực đối với NLĐ, NSDLĐ tham gia BHXH, BHTN vượt qua những khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Qua đó, cũng khẳng định vai trò chủ động, tích cực của ngành BHXH Việt Nam trong công tác tham mưu, đồng hành cùng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương kịp thời đưa ra các đề xuất, giải pháp hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khắc phục khó khăn, đảm bảo cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh; thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHTN của ngành BHXH Việt Nam, góp phần ổn định đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.