Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với đợt triều cường lịch sử

Thứ Tư, 26/10/2022 10:49  | Đăng Khoa

|

(CATP) Theo dự báo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, những ngày cuối tháng 10-2022, khu vực các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đối mặt với đợt triều cường lịch sử, gây ngập lụt diện rộng. Tại các đô thị, khả năng nước tràn vào nhà dân, các cửa hàng tiện ích, bệnh viện; trong khi ở vùng nông thôn, người dân lo sạt lở đê trước sự uy hiếp của triều cường.

Triều cường cao nhất trong 15 năm qua

Theo các cơ quan chức năng, triều cường những ngày cuối năm cao bất thường có nhiều nguyên nhân. Theo đó, lũ từ thượng nguồn đổ về gặp nước từ cửa sông đẩy vào, cùng với mưa lớn và mực nước dâng cao tràn bờ bao gây ngập lụt. Từ ngày 25-10, mực nước triều cường đo được trên sông Hậu tại trạm Cần Thơ là 2,13m (vượt báo động 3), nhiều tuyến đường trung tâm thành phố (TP) thuộc các quận Ninh Kiều, Bình Thủy bắt đầu ngập sâu, gây khó khăn cho việc lưu thông.

Đài Khí tượng thủy văn TP.Cần Thơ dự báo, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch tại TP.Cần Thơ sẽ tiếp tục lên cao trong những ngày tới, khả năng đạt đỉnh trong các ngày 26, 27 và 28-10. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong đợt triều cường này có khả năng lên từ 2,22 - 2,27m (cao hơn mức báo động 3 từ 0,22 - 0,27m), thời gian xuất hiện hàng ngày từ 4 - 6 giờ sáng và chiều tối từ 16 - 18 giờ. Cảnh báo triều cường kết hợp các đợt mưa lớn làm mực nước trên các sông rạch dâng cao, gây ngập úng khu vực trũng thấp, vỡ đê bao ở các cồn trên sông. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động có phương án chuẩn bị ứng phó để giảm thiệt hại.

Triều cường dâng cao, người dân phải dắt xe do nước ngập

Theo ông Tô Quốc Nam - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, năm 2009 đỉnh triều ở mức 1,86m, còn hiện nay đang ở mức 2,35m. Bình quân triều cường năm sau dâng cao hơn năm trước khoảng 3,5 - 4cm, do vậy các địa phương không được chủ quan mà phải chủ động ứng phó kịp thời. Tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản chỉ đạo đối phó với triều cường lịch sử, khi dự báo đỉnh triều sẽ đạt mức 2,26 - 2,49m vào các ngày cuối tháng 10-2022, cao hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề đạt mức 2,49m, ở Đại Ngãi mức 2,26m vào các ngày từ 27 đến 31-10-2022...

Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, triều cường ở Nam bộ vừa qua lên cao không chỉ ở miền Tây, mà ngay cả trạm Phú An ở huyện Nhà Bè trên sông Sài Gòn cũng vượt mức báo động 3. Thế nhưng, chỉ có trên sông Tiền, sông Hậu ở miền Tây vượt mức lịch sử vì các sông ở ĐBSCL có thêm yếu tố nước lũ từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về. Năm nay, lượng nước về vượt báo động 1 xấp xỉ trung bình nhiều năm và cao hơn nhiều so với vài năm gần đây. Bên cạnh đó còn có yếu tố sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm, vì mức độ đô thị hóa cao làm thiếu không gian cho tiêu thoát nước khi gặp tình trạng ngập kết hợp với mưa... Không có không gian, nước dồn về các trung tâm, đô thị ven biển. Khu trung tâm nội ô TP.Cần Thơ và các tỉnh miền Tây có hai bài toán cần phải giải ngập là giảm khai thác nước ngầm nhằm hạn chế sụt lún, tạo không gian cho nước lan tỏa.

Thiệt hại nhiều

Trước diễn biến bất ngờ của triều cường, các cơ quan chức năng đã có văn bản khẩn để ứng phó. Sở Giáo dục - Đào tạo TP.Cần Thơ vừa có công văn yêu cầu các trường tùy tình hình và tình trạng ngập để tổ chức việc dạy và học phù hợp, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Một số trường thông báo lùi giờ học buổi sáng sau 8 giờ và tan sớm vào buổi chiều từ ngày 26 đến 28-10 để né đỉnh triều cường.

Báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, triều cường Rằm tháng 9 lên rất cao làm ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, nhà cửa, hoa màu và tài sản của người dân; ước tính thiệt hại 2,065 tỷ đồng, trong đó do sạt lở là 1 tỷ 565 triệu, thiệt hại về thủy sản 500 triệu. Cụ thể, triều cường đã làm ngập 529 căn nhà, 2 chợ, 1 trường học và 1 trụ sở UBND xã. Bên cạnh đó, triều cường dâng cao làm ngập 1 ao nuôi ba ba và 68 ao cá của người dân. Tại các địa phương: Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình ngập 250ha lúa Thu Đông, hơn 93ha rau, màu, 148,4ha vườn cây ăn trái. Đợt triều cường tháng 10 và hai tháng cuối năm sẽ gây thiệt hại lớn.

Cảnh sát giao thông tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ người dân bị hỏng phương tiện do ngập nước

Tại Hậu Giang, đợt triều cường vừa qua để lại nhiều hậu quả đối với người dân. Nước dâng gây ngập lụt trên diện rộng tại một số địa phương thuộc hai huyện Châu Thành, Châu Thành A, TP.Ngã Bảy kéo dài từ 3 - 5 ngày. Các xã thuộc TP.Vị Thanh, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy và một phần huyện Phụng Hiệp ngập trên diện rộng từ 5 - 7 ngày. Bên cạnh đó, tốc độ dòng chảy và mực nước trên các sông, kênh, rạch tăng nhanh cũng sẽ gây nguy cơ sạt lở bờ sông và ngập lụt vùng trong lẫn ngoài đê bao, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động sản xuất (SX) nông nghiệp của người dân. Dự báo sẽ có hơn 28.000ha đất SX có nguy cơ ảnh hưởng do nước ngập.

Trung tuần tháng 10-2022, tại tỉnh Đồng Tháp, mưa lũ kết hợp triều cường gây ngập 3.161ha diện tích đất SX nông nghiệp, thiệt hại 115ha. Tại xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc, mưa lũ kết hợp triều cường làm hỏng 6,5ha cây ăn trái, 7ha hoa kiểng... Triều cường cao kỷ lục gây ngập úng sâu khắp các vùng trũng thấp của các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp và TP.Cần Thơ.

Đê bao sạt lở

Trong đợt triều cường ngày 19-10, một đoạn đê bao ở ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp bị vỡ gây ngập 6ha cỏ nhung, trong đó thiệt hại hoàn toàn 2,1ha, ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ kết hợp triều cường trên địa bàn xã hơn 2,5 tỷ đồng. Tại xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, nước tràn vào nhiêu ô bao, làm hỏng 1 phai cống. Vụ sạt lở khoảng 200m tại ô bao số 12 cũng làm ảnh hưởng đến 44 ha diện tích đất SX. Tương tự, Vĩnh Long có gần 20km đường giao thông thuộc tuyến Trung ương và tỉnh bị ngập, tràn; 35 tuyến bờ bao với tổng chiều dài 33,76km bị ngập và 25 đoạn bờ bao với tổng chiều dài 625,5m sạt lở; có 20 đập bị tràn với chiều dài 267m cùng 8 đoạn đập sạt lở dài 40m.

Vườn cây ăn trái ở Hậu Giang giữa biển nước mênh mông

Trong đợt triều cường vừa qua, một số tuyến đê ở Tiền Giang liên tục sạt lở, chia cắt đường giao thông, đe dọa vườn cây ăn trái của người dân. Đây cũng là vùng trồng cây ăn trái trọng điểm ở ĐBSCL. Điểm sạt lở bờ sông Ba Rài (thuộc xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy) khiến việc lưu thông trên Huyện lộ 54B gián đoạn hoàn toàn; vườn cây ăn trái của bà con phía trong cũng bị đe dọa, nhất là khi triều cường dâng cao.

Các chuyên gia nhận định, 2022 là năm triều cường rất cao tại Nam bộ, vì thế không loại trừ sẽ tiếp tục xuất hiện những kỷ lục mới. Dự báo từ nay đến cuối năm, Nam bộ còn 5 đợt triều cường. Trong đó, đáng chú ý nhất là 3 đợt vào cuối các tháng 10, 11 và 12. Nguy cơ xảy ra ngập úng do triều cường gần bằng đợt đầu tháng 10; cảnh báo tình trạng ngập có thể diễn ra tại vùng trũng thấp thuộc TPHCM, TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và phía Đông của tỉnh Cà Mau. Trong đó, các địa phương ngập nặng nhất sẽ là TPHCM, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, đợt triều cường vừa qua, nước dâng cao làm ảnh hưởng 15 đoạn đê, đường giao thông nông thôn, trên 1.500m bờ bao cùng hơn 70ha hoa màu của người dân. Tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, nhiều đoạn đê bao trong huyện bị nước tràn qua ảnh hưởng đến SX và sinh hoạt của người dân. Theo thống kê sơ bộ, mực nước dâng cao gây ngập gần 1.300ha đất SX của huyện, trong đó có gần 800ha cây ăn trái, gần 85ha rau màu và hơn 390ha mía, với độ ngập sâu 5 - 30cm. Bên cạnh đó, có 5 điểm trường ngập, gần 400km lộ giao thông, đường ôtô về trung tâm xã ngập 10 - 20cm. Hiện các địa phương ven sông, cù lao ở tỉnh Bến Tre đang chủ động trực, ứng phó với triều cường, gia cố các điểm xung yếu; tổ chức nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sạt lở đất ven sông.

Triều cường dâng cao liên tục những ngày qua gây vỡ đê biển, bờ bao tại các huyện Duyên Hải, Cầu Kè, Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh. Hàng trăm héc-ta cây ăn trái ở tuyến ven sông Hậu cùng nhà cửa của người dân đang bị ngập. Tại huyện Cầu Kè, triều cường dâng cao kết hợp nước lũ từ thượng nguồn đổ về những ngày qua gây sạt lở hơn 20 đoạn bờ bao với tổng chiều dài trên 2km tại xã Ninh Thới, làm ảnh hưởng gần 600ha vườn cây ăn trái, hoa màu, hàng trăm ao cá và trên 500 nhà dân bị ngập nước; ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là các ấp Rạch Đùi, Bà Bảy, Vàm Đình, Xẻo Cạn. Liên tiếp trong 3 ngày (từ 16 đến 18-10) tại huyện Duyên Hải, triều cường dâng cao kết hợp sóng biển dữ dội làm sạt lở khoảng 1,2km đê biển quốc phòng ở khu vực Cồn Nhàn (ấp Mù U, xã Dân Thanh). Đây là khu vực Ban quản lý Hàng hải 3 cho lấy cát để san lấp mặt bằng Trung tâm điện lực Duyên Hải; trong đó có một đoạn 300m, nước biển đã khoét sâu vào chân đê khoảng 0,5m.

Bình luận (0)

Lên đầu trang