TPHCM đầu tư nhiều dự án kiểm soát ngập nước, triều cường

Thứ Ba, 24/11/2020 09:54  | A. Quân

|

(CAO) Chiều 23/11, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức Hội thảo “Tổng kết kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017–2020 và định hướng giai đoạn 2021–2030”.

Theo PGS.TS Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường), qua 4 năm triển khai nội dung Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017–2020, TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các yếu tố tự nhiên, con người, kinh tế - xã hội của TP được triển khai hiệu quả theo phương pháp luận và kịch bản mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đó giúp các ngành chức năng của TP xây dựng nhiều giải pháp giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương đã thực hiện công tác kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình theo dõi, quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp công nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng trên 6 triệu kWh/năm, đảm bảo không xảy ra tình trạng lãng phí năng lượng; hỗ trợ chi phí đào tạo kỹ năng quản lý năng lượng cho nhân sự tại các cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm.

Ngoài ra, Sở Công Thương còn tổ chức các hội thảo, tập huấn và tuyên truyền về áp dụng định mức tiêu hao năng lượng cho các cơ sở công nghiệp ngành thép, nhựa, hóa chất…, giúp các cơ sở hiểu rõ quy định và lợi ích của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Trong lĩnh vực quản lý nước, nhằm giải quyết ngập do mưa và triều cường, TPHCM đã đầu tư nhiều dự án kiểm soát triều gồm các cống, đê bao, nạo, vét trục thoát nước.

Dự án hệ thống cống ngăn triều tại TPHCM trị giá gần 10.000 tỷ đồng sắp hoàn thành đưa vào sử dụng

Hiện nay toàn thành phố chỉ còn 22 điểm ngập mỗi khi mưa lớn và triều lên, giảm 105 điểm so với năm 2017, trong đó các trục đường chính giảm 25 điểm; thời gian ngập được rút ngắn, chỉ còn 15-40 phút sau mưa, ngập sâu cũng chỉ từ 0,1-0,3m. TP cũng nghiên cứu khai thác nước thô từ hồ Dầu Tiếng và Trị An cho các nhà máy xử lý nước sạch trên địa bàn nhằm phục vụ người dân trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực quản lý chất thải, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn địa bàn từ năm 2017 đến nay. Qua thời gian thực hiện, một bộ phận lớn người dân đã dần hình thành thói quen tự phân loại rác sinh hoạt trong gia đình trước khi thu gom, giúp việc tiêu hủy và tái chế rác sinh hoạt trở nên dễ dàng hơn.

TP cũng đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng thu gom chất thải rắn sinh hoạt, từ các phương tiện thô sơ chuyển sang các thiết bị hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến của thế giới; xây dựng nhiều bãi chôn lấp sử dụng công nghệ hợp vệ sinh và các nhà máy đốt, tái chế để xử lý chuyển đổi rác thải thành năng lượng, phân bón compost và nhựa.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Sở Giao thông Vận tải thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu và phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, khuyến khích việc sử dụng các loại phương tiện chạy bằng điện hoặc nhiên liệu mới, thay thế dần các loại nguyên liệu truyền thống như xăng, dầu…, nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và ô nhiễm môi trường.

Sở GTVT cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra mức khí thải của các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các loại xe thải khói đen gây ô nhiễm không khí như xe tải, xe buýt và xe mô tô.

Theo PGS.TS Mai Tuấn Anh, nhìn chung, hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của TPHCM trong 4 năm qua đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn. Số liệu nghiên cứu, khảo sát điều tra về tác động của biến đổi khí hậu chưa đầy đủ cả về mặt định tính và định lượng để có thể tính toán một giải pháp ứng phó toàn diện và hiệu quả. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chưa thể sâu rộng hết trong cộng đồng, chưa lôi kéo được cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với việc triển khai hoạt động giai đoạn 2021–2030, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đề nghị, TP cần đẩy mạnh hoạt động thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại các huyện ngoại thành để tiêu hủy đúng nơi quy định, không đốt hoặc vứt bỏ bừa bãi ngoài đồng ruộng để tránh sản sinh khí độc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Ngoài ra, cần vận động người dân không đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tận dụng nguồn rơm làm thức ăn cho gia súc hoặc sản xuất nấm; khuyến cáo người dân ở khu vực bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sử dụng các giống cây trồng có khả năng thích nghi như chịu được phèn mặn, thời gian sinh trưởng ngắn…

Đại diện Sở Xây dựng TP cho biết, Sở sẽ tăng cường thực hiện chương trình ứng dụng vật liệu không nung và các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường khác trong xây dựng; kiểm tra thường xuyên tiêu chuẩn, quy trình và quy chuẩn kỹ thuật của các nhà máy nhiệt điện, thạch cao trong việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao thải ra từ các nhà máy hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM ghi nhận các ý kiến, đề xuất từ phía đại biểu và cho biết, việc thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2021–2030 sẽ tập trung vào công tác đánh giá mối quan hệ giữa các yếu tố biến đổi khí hậu với quy hoạch và kế hoạch phát triển của TP trong tương lai để từ đó xây dựng, bổ sung các kịch bản biến đổi khí hậu dài hơi, phù hợp với chương trình chiến lược phát triển của TP.

Để làm được điều này, các cấp, ngành cần chung tay, đóng góp nhằm tìm ra một hướng tiếp cận hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện tăng trưởng xanh cho thành phố.

Bình luận (0)

Lên đầu trang