Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, theo dõi chỉ đạo Đảng bộ TPHCM, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; cùng các bậc lão thành cách mạng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM…
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng ôn lại không khí hào hùng, ý nghĩa lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu ôn lại kỷ niệm tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên bày tỏ niềm tự hào về những truyền thống vẻ vang của quê hương với những trang sử hào hùng, oanh liệt qua cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ; Hóc Môn - Bà Điểm rất vinh dự được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ để lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước thời kỳ 1936-1939; vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" vào năm 1995...
"Chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn của các đồng chí, đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh oanh liệt trong Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước của dân tộc với niềm tin mãnh liệt cho Tổ quốc ta ngàn đời nở hoa độc lập, mãi mãi thống nhất, độc lập, tự do. Truyền thống quê hương Khởi nghĩa Nam Kỳ mãi mãi là niềm tự hào sâu sắc, là bài học cách mạng vô giá để giáo dục cho các thế hệ thanh thiếu niên Hóc Môn hôm nay và mai sau." - đồng chí Trần Văn Khuyên khẳng định.
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã thể hiện sức mạnh quật khởi của nhân dân, lòng tin tưởng và sẵn sàng theo Đảng để giành độc lập tự do. Khẳng định ý chí và hành động của Nhân dân ta đánh đuổi quân xâm lược.
Cùng với Khởi nghĩa Bắc Sơn, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã gợi mở cho Đảng ta đặt ra những bước đi trên con đường cách mạng bằng cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang. Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc ở một số nước Ðông Dương.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Khởi nghĩa Nam Kỳ đã chuẩn bị nhiều mặt cho chặng đường đi đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; thức tỉnh tinh thần yêu nước sâu đậm trong các tầng lớp nhân dân và khơi dậy ý chí đoàn kết, quật khởi để giành chính quyền; cung cấp cho cách mạng một thế hệ cán bộ, đảng viên, quần chúng cốt cán được rèn luyện thử thách, để lại nhiều bài học vô cùng quý báu về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng các đại biểu tại lễ kỷ niệm
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, với cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, lần đầu tiên xuất hiện một sáng tạo vô cùng độc đáo, biểu thị khát vọng của một dân tộc về một thiết chế “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được ghi trên truyền đơn rải ở Sài Gòn – Chợ Lớn và nhiều tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băng rôn treo trước trụ sở các ủy ban cách mạng ở Long Hưng, Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trong Khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, phát huy tinh thần Khởi nghĩa Nam Kỳ, cùng với đồng bào cả nước, Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân. Tiếp theo, phát huy hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, Đảng bộ quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã tiếp tục đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo; vượt qua mọi khó khăn, chấp nhận gian khổ, hy sinh, “cùng cả nước” làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc; góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu tại lễ kỷ niệm
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, sau năm 1975, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM đã phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phấn đấu với quyết tâm cao để xây dựng, bảo vệ và phát triển TP, xứng đáng với vinh dự là TP mang tên Bác, TP Anh hùng.
“Chúng ta nguyện cùng nhau ra sức phát huy tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ cùng với truyền thống vẻ vang của dân tộc xây dựng TPHCM xứng đáng là TP mang tên Bác, TP anh hùng” – ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh; đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, TP tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo kết quả sự lãnh đạo của mình. Đảng bộ phải tập trung lãnh đạo để TPHCM tiếp tục không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân.
Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội giai đoạn 2017 – 2022; khẩn trương quyết liệt triển khai thực hiện 3 Chương trình đột phá và 1 Chương trình trọng điểm phát triển TP. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người TP luôn năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, dám chấp nhận thử thách. Quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường niên gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân TP, tạo nguồn sức mạnh đặc thù của con người TP mang tên Bác.
Đồng thời, kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn hiệu quả sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, tự diễn biến và tham nhũng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm góp phần giải quyết những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Sáng cùng ngày, đoàn đại biểu dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940 – 23/11/2020 đã đến dâng hoa, dâng hương tại Di tích Lịch sử quốc gia Khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn).
Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút mặc niệm, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tri ân, tưởng nhớ đồng chí, cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.
Các đại biểu dâng hương tại Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia Dinh quận Hóc Môn
Di tích Lịch sử quốc gia Khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng là nơi tưởng niệm về những sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, trong đó có cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ - sự kiện đã thể hiện ý chí sắt son của người dân Nam bộ luôn hướng về Ðảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Ngã Ba Giồng từng chứng kiến những sự kiện người dân Hóc Môn – 18 thôn Vườn trầu và Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Sài Gòn vùng dậy vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940 trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ lịch sử. Ngã Ba Giồng cũng là nơi thực dân Pháp xử bắn bí mật các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu và nhiều đồng bào, chiến sĩ cách mạng kiên trung tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.
Trước đó, đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tại Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia Dinh quận Hóc Môn (thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn). Nơi đây đêm 22 rạng 23/11/1940 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hóc Môn, nhân dân trong huyện trang bị vũ trang bằng tầm vông vạt nhọn, giáo mác đánh chiếm dinh Quận Hóc Môn. Đồng chí Đỗ Văn Dậy - Quận ủy viên đã ôm ống nước leo lên lầu diệt giặc nhưng trúng đạn hy sinh, tinh thần anh dũng của các chiến sĩ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đời đời sống mãi.
(CAO) Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa 23/11/1940 - 23/11/2020), ngày 22/11, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam”.