Nhức nhối tình trạng lừa đảo qua mạng:

Bài 1: Những thủ đoạn tinh vi mà người dân cần cảnh giác

Thứ Ba, 25/10/2022 17:32

|

(CATP) Tình trạng lừa đảo bằng công nghệ cao qua không gian mạng đang diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi. Không ít nạn nhân đã sập bẫy của các đối tượng, bị chiếm đoạt số tiền rất lớn. Ngày 24-10-2022, Bộ Công an cho biết, các đối tượng thường sử dụng 8 thủ đoạn để lừa đảo; Công an TPHCM cũng từng cảnh giác về hàng loạt thủ đoạn lừa đảo do các đối tượng thực hiện. Trong đó, nhức nhối nhất là kiểu lừa "chuyển tiền nhầm" vào tài khoản, sau đó vờ đòi nợ nạn nhân theo kiểu khủng bố tinh thần.

Cảnh giác việc "cố ý chuyển tiền nhầm"

Ngày 24-10-2022, chị N. (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) vẫn còn hoảng hốt, kể: "Tài khoản ngân hàng của tôi bỗng dưng nhận được 2 triệu đồng. Tôi không biết người gửi là ai. Hoảng quá, tôi nghĩ ngay đến bạn bè, người thân cũng từng bị kẻ gian chuyển tiền nhầm tài khoản, rồi sau đó đòi nợ một cách vô lý. Nghe lời người thân, tôi liền đến chi nhánh ngân hàng, được nhân viên ở đây hướng dẫn cụ thể cách thức chuyển tiền trả lại cho người gửi. Sau đó, tôi giữ lại phiếu chuyển tiền trả lại để sau này có chuyện gì thì đưa ra làm bằng chứng hoặc trình báo công an".

Vờ chuyển khoản nhầm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chiêu trò rất tinh vi. Các đối tượng cố ý chuyển tiền vào tài khoản của một người dân nào đó rồi bảo rằng đã chuyển nhầm tài khoản. Sau khi bên kia nhận được tiền, đối tượng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ, dọa nạt, yêu cầu chủ tài khoản trả lại số tiền đã nhận như một khoản vay cùng với số lãi cao ngất ngưởng.

Một trường hợp khác, đối tượng lừa đảo cố ý chuyển tiền đến tài khoản của nạn nhân, sau đó liên hệ qua điện thoại, bảo rằng mình đang sống tại nước ngoài và muốn được nhận lại số tiền đã chuyển khoản nhầm. Để trả lại số tiền, người nhận tiền phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế, thông qua một đường "link" do đối tượng gửi đến. Nạn nhân không hề ngờ rằng sau khi điền xong thông tin theo giao diện từ đường link trên, số tiền trong tài khoản của họ bị rút hết. Điều này cho thấy "kịch bản" lừa đảo chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng rất khó đoán, nhắm vào lòng tốt của nạn nhân là những người nhẹ dạ, cả tin, khiến họ dễ mắc bẫy.

Một nhóm đối tượng mạo danh cơ quan chức năng, gọi điện cho người dân để lừa đảo

Kiên quyết không giao dịch trả tiền với người lạ

Khi lỡ nhận số tiền chuyển khoản nhầm, người dân cần lưu ý không được sử dụng số tiền đó vào việc chi tiêu cá nhân. Bởi vì sau khi biết có người chuyển tiền nhầm đến tài khoản của mình mà chủ tài khoản vẫn chiếm giữ, số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng thì chủ tài khoản có thể bị phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng (theo Điểm e, Khoản 2, Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Đặc biệt, người dân chỉ làm việc với ngân hàng hoặc chi nhánh của ngân hàng mà mình mở tài khoản, để được nhân viên hướng dẫn làm thủ tục chuyển trả lại tiền cho người chuyển nhầm. Tuyệt đối không trả lời qua điện thoại, tin nhắn, email, Zalo...với bất kỳ người lạ nào liên lạc và yêu cầu chủ tài khoản chuyển lại tiền cho họ. Trường hợp nếu nhận được cuộc gọi từ ngân hàng, người dân cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng nơi mình mở tài khoản hay không. Để bảo đảm chính xác, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp. Giải pháp mà chị N. áp dụng như trên là rất hữu hiệu và dễ thực hiện, người dân nên nhớ nằm lòng để áp dụng khi lỡ rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, việc chủ tài khoản không trả lại số tiền bị chuyển nhầm đến tài khoản ngân hàng của mình sẽ bị coi là hành vi chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật. Điều 579 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh, chuyển trả lại hoặc liên hệ với cơ quan công an để trình báo và được hướng dẫn cách giải quyết.

Khi nhận chuyển khoản nhầm, chủ tài khoản cần liên hệ ngay với ngân hàng để chuyển trả

Bẫy lừa giăng giăng

Bộ Công an khuyến cáo hiện nay, các đối tượng thường sử dụng 8 thủ đoạn lừa đảo mà người dân cần biết để đề phòng. Một trong các thủ đoạn đó là hành vi dùng thủ đoạn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng để lừa đảo. Các đối tượng cố ý chuyển nhầm một khoản tiền vào tài khoản của người bị hại, rồi giả danh là người thu hồi nợ, yêu cầu người nhận phải trả lại số tiền kia như một khoản vay với lãi suất cao. Các đối tượng còn giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng...) để đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập; thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các ngân hàng nhằm đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng, sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Một thủ đoạn khác là thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo, dự án bất động sản... hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, kinh doanh (với cam kết về các khoản lợi nhuận rất lớn, số tiền đầu tư ít), nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người tham gia.

Thủ đoạn đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội Facebook hoặc ứng dụng Zalo,Tiktok..., giao việc về làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển, chỉ gửi tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng khoảng vài trăm nghìn đồng để đặt hàng, sau đó nhận tiền công kèm lãi đơn hàng và tiền thưởng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.

Sau khi vờ "chuyển nhầm" tiền là kiểu đòi nợ với lãi suất cao ngất ngưởng

Các đối tượng còn sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội (gửi đường "link" giả mạo thông tin dịch Covid-19, quảng cáo tuyển dụng người làm việc tại nhà, các trò chơi giải trí trên mạng, bình chọn giải thưởng...). Sau đó, các đối tượng nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại để mượn tiền. Các đối còn chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn, đề nghị chuyển đổi hoặc nâng cấp sim điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội của nạn nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Một thủ đoạn tinh vi khác là đối tượng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án; gọi điện qua giao thức VoIP để hăm dọa người dân, bảo rằng họ liên quan đến các vụ án đang điều tra. Sau đó, các đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp hoặc yêu cầu người bị hại cung cấp mã OTP xác thực việc chuyển tiền để các đối tượng kiểm tra, xác minh rồi chiếm đoạt.

Nhóm Luyện Minh Phước, Lê Xuân Hùng, Lâm Thế Vương, Nguyễn Đức Toàn lừa bán mỹ phẩm, tuyển cộng tác viên

Thông qua hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng lừa đảo còn rao bán hàng giả, hàng nhái, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đăng tin, chào bán thiết bị y tế, dược phẩm phòng, chống dịch hoặc lừa bán vé máy bay, chiếm đoạt tiền của người tham gia giao dịch. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng các thông tin trên thẻ căn cước công dân (CCCD) để lừa đảo. Cụ thể, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu thập hình chụp thẻ CCCD của người dân rồi dùng để đăng ký mã số thuế ảo, vay tiền các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội với lãi suất cao hoặc sử dụng thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Công an TPHCM, thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm lợi dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho người dân và doanh nghiệp. Công an TPHCM đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, cảnh báo, nhưng vẫn còn nhiều người trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.

(Còn tiếp..,)

Bình luận (0)

Lên đầu trang