Sông trở nên hung dữ
Sông Đăk Pne đoạn chạy qua trung tâm huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có chiều dài gần 4km. Con sông này có vai trò rất quan trọng khi là nơi cung cấp thủy sản, nước uống, nước tưới và chất phù sa màu mỡ để trồng cây công nghiệp. Tuy nhiên, mấy năm nay, người dân sống 2 bên bờ đang lo sông Đăk Pne "nuốt" làng, cuốn mất nhà theo con nước.
Cuối làng, cạnh mé bờ sông là căn nhà tạm bợ của ông A Châm (làng Kon Skôi, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy). Dẫn chúng tôi ra sau nhà, ông A Châm trầm ngâm nói, chưa làm nhà vì sợ bị sông cuốn hết. Khi nào Nhà nước làm bờ kè, mình mới làm nhà đàng hoàng cho vợ con ở. "Mỗi năm sông lại "nuốt" của nhà mình thêm mấy chục mét vuông đất. Hơn 10 năm trước, sông còn cách nhà mình mấy chục mét mà giờ đã tiến lại đến móng nhà rồi. Từ khi nhà bị sông "uy hiếp", mình lần nào cũng đi tiếp xúc cử tri để nghe ngóng chuyện làm bờ kè. Nhưng từ khi nghe xã báo sắp làm, đến nay đã hơn 14 năm", ông A Châm thở dài.
Cách nhà ông A Châm vài bước chân là khu đất rẫy nằm bên bờ sông Đăk Pne của ông A Hoàng. "Khu rẫy này trước đây vốn có một con đường lớn dài tít tắp chạy qua. Nhưng đến mùa mưa bão, sông cứ lấn dần vào khiến con đường biến mất", ông A Hoàng buồn bã nói.
Ông Rơ Châm Bia bỏ nghề chài lưới lên bờ trồng mỳ nhưng bị sông "nuốt" gần hết đất
Chỉ tay về phía xa, ông Hoàng cho biết, trước kia bờ sông cách làng cả trăm mét. Nhưng đến giờ, làng chỉ còn cách sông độ vài chục bước chân. "Khi nào có bão lũ, bà con sống thấp thỏm sợ sông cuốn bay nhà nên phải di dời lên nơi khác trú ẩn. Hiện mùa mưa đã đến, cả làng đã sẵn sàng phương án di dời dân nếu được thông báo từ chính quyền địa phương. Giờ dân cũng không muốn chuyển đi đâu tái định cư, cha ông mình ở đây, thì mình khó mấy cũng phải giữ làng", ông A Hoàng nói.
Theo thống kê của UBND huyện Kon Rẫy, hiện khoảng 350 hộ dân với trên 1.300 nhân khẩu sống hai bên bờ sông, cũng như các công trình, tài sản của Nhà nước thuộc khu trung tâm huyện Kon Rẫy đang bị ảnh hưởng bởi sạt lở sông Đăk Pne.
Trong 6 thành phố ở Tây Nguyên, Kon Tum là thành phố may mắn nhất khi có con sông Đăk Bla huyền thoại chảy qua. Dòng sông này không chỉ cung cấp thủy sản, nước, tài nguyên khoáng sản mà còn tạo cảnh quan, là tiềm năng lớn để thành phố quy hoạch đô thị gắn liền phát triển du lịch. Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Còn giờ, khai thác cát tràn lan sẽ tàn phá con sông, ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng chục ngàn cư dân địa phương.
Chỉ tay vào khu đất của gia đình nằm ở mép sông, anh A Mướp (xã Đăk Blà, TP.Kon Tum) lòng nặng trĩu: "Trước kia, con sông chảy cách rẫy nhà mình khoảng 50 mét. Việc khai thác cát là một trong những nguyên nhân khiến dòng chảy của sông cũng thay đổi và hướng dần vào đất sản xuất của gia đình. Nhiều người trong làng đã tìm gặp chủ mỏ để yêu cầu giải quyết nhưng không được. Thế là, người dân đành bỏ hoang phần đất giáp sông, sợ rằng chút vốn gom góp đầu tư sẽ mất khi chưa kịp thu lại".
Bà Y Rêl (xã Đăk Blà) dẫn chúng tôi đi dọc bờ sông Đăk Blà để minh chứng cho lời nói của mình. Bà Y Rêl cho biết: "Nhiều năm nay, đất dọc sông ở thôn bị sạt lở, mỳ, bắp cũng bị cuốn trôi. Nguyên nhân sạt lở là do khai thác cát làm thay đổi dòng chảy".
Trung tâm huyện lỵ Kon Rẫy cũng lo bị sông uy hiếp
Mất kế sinh nhai vì sông
Trong khi đó, tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, dòng sông Ba chảy qua 12 xã, thị trấn trên địa bàn cũng đang "uy hiếp" đến cuộc sống người dân 2 bên bờ. Những năm gần đây, sông liên tục "nuốt" nhiều diện tích đất sản xuất, hoa màu của dân. Ông Rơ Châm Bia (buôn Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) đã bỏ nghề chài lưới trên sông Ba được mấy năm nay một phần vì tôm, cá cạn kiệt và cũng do tuổi đã cao. Từ khi bỏ nghề chài lưới, ông Bia chuyển sang trồng cây mỳ dọc sông Ba. Tưởng chừng gần 3 héc-ta trồng mỳ có thể lo cho được 2 vợ chồng ông khi về già, nhưng giờ có nguy cơ không có đất mà làm.
Không giấu nổi vẻ lo lắng trên khuôn mặt chai sạn trước nguy cơ sông ba "nuốt" trọn gần 3 héc-ta đất trồng mỳ. Ông Bia buồn rầu nói: "Nhà có 2 héc-ta cây mỳ trồng bên sông mà bị sạt lở hết rồi. Hiện rẫy mỳ 9 sào khác cũng có nguy cơ bị cuốn trôi. Nếu hết đất sản xuất, gia đình tôi không biết làm gì để sống".
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, việc sông Ba sạt lở, ảnh hưởng nặng nhất là đất sản xuất của người dân. Ngoài ra, sạt lở sông Ba còn cuốn trôi nghĩa địa buôn Lang, xã Chư Rcăm, đồng thời uy hiếp cả trăm hộ dân sống dọc sông. Hiện vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ thiệt hại kể từ khi sông Ba sạt lở.
Ông Thảo cho biết thêm, huyện cũng đã di dời 102 hộ buôn Lang, xã Chư Rcăm sống giáp sông có nguy cơ sạt lở lên vùng an toàn. Hiện tại, cầu treo Ia Rsai cũng bị sạt lở mố cầu, nguy cơ nếu không khắc phục sẽ bị cuốn bay, mất tài sản Nhà nước, không có đường đi cho dân. Vì thế, huyện đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ kè lại mố cầu. Trước mắt, huyện sẽ xử lý, khắc phục những điểm xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản Nhà nước cũng như nhà, công trình của dân.