Nữ đại úy công an cứu bé trai đuối nước không còn thở

Thứ Bảy, 08/12/2018 09:06  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Hơn một tuần nay, người dân huyện Châu Thành (Sóc Trăng) truyền tai nhau về việc đại úy Lê Thị Quỳnh – công tác tại Đội CSĐTTP về hình sự, - kinh tế - ma túy CAH cứu sống bé trai đuối nước trong sự ngỡ ngàng của gia đình và hàng xóm.

Nơi có bé trai được nữ đại úy công an cứu sống dù gia đình nghĩ đã chết.

Đi theo ông nội bắt gà, nào ngờ lọt xuống kênh

Khoảng 16 giờ 30 ngày 28-11, ông Lý Sơn (ngụ ấp Kênh Đào, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành) đi lên nhà con trai và dâu về. Lúc này, cháu nội ông là bé Lý Thành Hải (18 tháng tuổi) đi sau lưng nhưng người này chẳng hề hay biết.

Bắt hết đàn gà hơn chục con nhốt vào chuồng, ông Sơn lên nhà gặp con dâu là chị Thạch Thị Hường (30 tuổi, mẹ Hải) hỏi: “Con có thấy Hải đâu không?”. Đang nằm trong nhà, chị Hường trả lời không biết.

Lúc này nghĩ có chuyện chẳng lành nên ông Sơn liền đi xuống căn nhà sàn của mình cất cạnh Kênh Đào tìm. Sau một hồi quan sát, ông thấy miếng ván gỗ của sàn nhà bị lệch sang một bên có chiếc lỗ to. Ông Sơn nhìn hướng nước chảy và phát hiện chiếc áo thun Hải mặt nổi cách đó hơn 5m, vướng vào lưới rào nuôi vịt.

Nghi ngờ cháu nội bị đuối nước, ông Sơn liền xuống vớt lên, rồi tá hỏa phát hiện cháu mình cơ thể tái ngắt, đơ cứng. Hoảng loạn ông Sơn và vợ ngất xỉu khi vừa đưa được đứa cháu lên bờ. Lúc này con rể ông là anh Thạch Tâm lấy hết bình tĩnh bồng Hải lên và kêu cứu hàng xóm. Nghe tiếng rào khóc nữ đại úy công an gần nhà lập tức đến hỗ trợ kịp thời.

Ông Lý Sơn chỉ nơi cháu mình gặp nạn.

Ngày 7-12, phóng viên tìm đến nơi đây và thấy Hải đang vui đùa cùng người thân. Chị Hường xúc động nhớ lại: “Nhờ chị Quỳnh đến sơ cứu kịp thời nếu không con tôi lại đi theo 2 đứa cháu cùng xóm. Lúc nhìn thấy cháu được em rể bồng lên tôi chạy chưa tới nơi đã thấy ông, bà nội xỉu cũng ngất theo. Việc con tôi được cứu sống là một chuyện hy hữu và không biết làm gì để đền áp được ân tình của chị Quỳnh”.

Nói về việc gia đình ngất xỉu cũng như không sơ cứu cháu bé lúc đó, bà Thạch Thị Mỹ Nhung (bà nội Hải) cho rằng: “Ai cũng biết trường hợp của cháu mười người chết hết mười chứ làm sao sống được. Trước đó, đứa cháu gái 2 tuổi gần xóm cũng nổi lên vậy, cơ thể còn mềm mà sơ cứu bằng việc bỏ vào lu, hơ lửa… cũng không thể cứu được nói chi đơ cứng như thế”.

Cứu sống bé trai trong sự ngỡ ngàng

Việc bé trai được cứu sống khi tắt thở là một chuyện hy hữu và nghe qua có lẽ khó tin như đó hoàn toàn là sự thật. Tìm gặp đại úy Quỳnh sau giờ chị làm về. Ngồi trước nhà chị kể, chiều hôm đó chị nhận được tin con trai lớn (9 tuổi) bị bệnh, nên xin cơ quan về sớm. Trong lúc đang làm việc ở sau nhà bất ngờ nghe tiếng la, khóc tưởng là đánh nhau liền chạy ra.

Lúc này, chị thấy nhà ông Lý Sơn có nhiều người và bản thân ông này đang đập đầu vào cột nhà, kêu la thảm thiết. Thấy anh Tâm đang bồng bé trai trong tư thế ngửa chị liền kêu người này đặt xuống để sơ cứu. Tuy nhiên anh này cho rằng bé trai đã chết nên nhất quyết đòi đưa vô nhà để đưa đi chôn cất. Trước thái độ cứng rắn của chị Quỳnh, anh Tâm phải đặt bé Hải xuồng nền sân xi-măng trong thể trạng tắt thở, tay chân co quắp, miệng cứng, người tím tái…

Đại úy Quỳnh đến nhà hỏi thăm hỏi bé Hải.

“Lúc đó, tôi lấy 2 bàn tay đặt xuống lòng ngực của bé ấn theo nhịp thở của mình. Thấy răng đã cắn chặt, miệng cứng đơ liền dùng miệng để hút mũi cháu. Khi tôi hút mũi cháu ra toàn cơm với bún. Khoảng 25 phút sơ cứu, da bé chuyển từ tái nhạt sang hồng. Tôi tiếp tục làm hô hấp rồi thấy bé mở mắt, khóc thành tiếng. Nghe cháu khóc tôi mừng quýnh liền ôm cháu vào lòng đưa đến bệnh viện ngay lập tức”, đại úy Quỳnh kể lại.

Sau 7 ngày được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, bé Hải đã hoàn toàn khỏe mạnh, được các bác sĩ cho xuất viện trở về nhà trong niềm vui khôn xiết của gia đình, bà con lối xóm.

Đại úy Quỳnh bộc bạch, trong thâm tâm nghĩ đứa bé như con mình nên còn nước còn tát, phải hành động dù cơ hội sống là con số 0. Theo lời nữ đại úy, lúc đó người thân cháu bé trong tâm trạng hoảng loạn, còn một số người dân trong xóm nghĩ đã chết nên không dám lại gần sơ cứu. Việc sơ cứu đúng cách rất là quan trọng và đòi hỏi bản lĩnh của người tham gia. Do bản thân công tác trong ngành nên hun đúc cho chị tinh thần ấy.

Việc nữ đại úy cứu sống bé trai bởi nghĩ em này như con ruột.

Phóng viên hỏi kinh nghiệm sơ cứu từ đâu mà chị có? Đại úy Quỳnh vui vẻ, bày tỏ: “Gia đình có 2 người con nhỏ nên thường hay lên mạng xem khi trẻ nhỏ bị hóc dị vật, rắn cắn, đuối nước… sẽ sơ cứu như thế nào. Nhờ đó, bản thân đã tích lũy được kiến thức và vận dụng thành công”.

Bé Hải sống lại “thần kỳ” 2 đầu gối cọ xát trên nền xi-măng ứa máu, nhưng chị Quỳnh không cảm thấy đau mà thay vào đó là cảm xúc vui sướng khi làm được việc có ý nghĩa. Trước sự bản lĩnh, nhân văn và vì nhân dân phục vụ, đại úy Quỳnh đã được Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng ký tặng giấy khen.

Theo Thượng tá Huỳnh Thanh Sử - Phó trưởng Công an huyện Châu Thành, đại úy Lê Quỳnh là cán bộ nhiệt tình, năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra còn tham gia nhiều hoạt động xã hội ở địa phương...

Bình luận (0)

Lên đầu trang