Thầy giáo vùng cao dùng tiền chữa bệnh nuôi học trò nghèo

Thứ Hai, 19/11/2018 07:23

|

(CAO) Ia Tul là xã vùng sâu của huyện nghèo Ia Pa, tỉnh Gia Lai, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Với nhiều gia đình nơi đây, việc học là thứ yếu, kiếm cơm ăn từng bữa mới là chính. Để kéo các em từ trên rẫy về với nhà trường, thầy hiệu trưởng Trần Đăng Khoa đã đem toàn bộ số tiền dự kiến dùng để chữa bệnh cho mình ra xây dựng bếp ăn trường học.

Thầy hiệu trưởng - anh nuôi của trường

Nếu không phải vì thương lũ trẻ nghèo khó vùng sâu, chắc có lẽ thầy Trần Đăng Khoa với căn bệnh hiểm nghèo mình mắc phải chẳng thể tuần nào trụ nổi nơi “chảo lửa” huyện Ia Pa suốt nhiều năm qua để dìu dắt tụi trẻ vượt qua khó khăn, tiếp cận với con chữ.

Về đường Trường Sơn Đông hỏi địa chỉ Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul), một cặp vợ chồng đang thu hoạch rau về thầy Khoa, anh chị nói: “Thầy Khoa hiệu trường à. Ở vùng này ai cũng biết đến thầy Khoa. Những bậc làm cha mẹ như chúng tôi suốt đời không quên ơn ông giáo trường này. Nhân tiện, cho tôi gửi bó rau cho thầy chuẩn bị bữa trưa cho tụi nhỏ”.

Thầy hiệu trưởng đáng kính Trần Đăng Khoa

Gặp thầy hiệu trưởng Trần Đăng Khoa khi đang hì hục vào bếp chuẩn bị cơm trưa cho các em học sinh. Nhắc đến câu chuyện vợ chồng trồng rau kể về thầy, thầy Khoa cười xòa: “Người ta nói hơi quá. Mình không dám nhận đâu. Chỉ là thấy các em vì chuyện no đói mà không thể đến trường nên mình góp chút để các em yên tâm học hành. Công việc nên làm, ai rồi cũng làm thế cả”.

Vừa bắc nồi cơm và thái ít thịt heo cho vào chảo, một cô giáo xong tiết dạy xuống bếp phụ thầy hiệu trưởng. Lúc này, thầy Khoa mới có dịp nghỉ tay để tiếp khách.

Thầy Khoa chia sẻ đã có hơn 27 năm là thầy giáo ở nhiều trường vùng sâu thuộc huyện Ia Pa, chuyển công tác về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cũng được một thời gian. Tại ngôi trường này, 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, hầu hết là con em hộ nghèo.

Dù còn trong độ tuổi đi học, nhưng các em lại là lực lượng lao động không thể thiếu trong nhiều gia đình. Cuộc sống khó khăn, khiến cho tuổi thơ của nhiều em không được cắp sách đến trường đều đặn.

Thầy Khoa giới thiệu với chính quyền địa phương về bếp ăn

Khác với hình ảnh xếp hàng rồng rắn mua hồ sơ cho con vào lớp đầu cấp ở các tỉnh, thành phố lớn, thì nơi đây, cũng như nhiều buôn làng khác, các thầy cô lại phải băng đèo, lội suối gõ cửa từng nhà, lên từng chòi rẫy vận động học sinh từ đầu năm cho đến cuối năm học…

Tuy nhiên dù giáo viên có kiên trì đến mấy, tình hình duy trì sĩ số học sinh vẫn khó khăn. Ở vùng đất hoang sơ này, người ta sống đơn giản lắm, đâu cần biết chữ, chỉ cần biết lên rừng làm rẫy, xuống dưới suối bắt con cá là được. Vì vậy, thầy Khoa đã nghĩ ra cách xây dựng bếp ăn nhà trường để các em chuyên tâm học khỏi phải lo cái ăn.

Từ lúc nghĩ đến lúc làm, thầy Khoa triển khai rất nhanh, tuy nhiên kinh phí là điều không dễ. Bước đầu để có bếp ăn và duy trì hoạt động thường xuyên phải có khoảng 100 triệu đồng. Về bàn với vợ cũng là đồng nghiệp dạy ở vùng sâu, vợ thầy Khoa đồng ý ngay. Hai vợ chồng lấy hết số tiền tích góp chữa bệnh cho thầy Khoa cùng vay mượn thêm cũng đủ 100 triệu đồng. Từ đó, bếp ăn của thầy Khoa hằng ngày nổi lửa, phục vụ ăn trưa cho các em học sinh.

“Ăn xong các cháu sẽ ngủ lại để chiều tiếp tục học chữ, vừa đủ sĩ số, nhà trường vừa quản lý được giờ giấc của học sinh. Tiền lương mỗi tháng gần 12 triệu, mình giữ gần 2 triệu để đổ xăng và mua thuốc uống, số còn lại để duy trì bếp ăn buổi trưa cho các cháu. Nhưng như vậy là chưa đủ, mình đã liên hệ với một số bạn bè để xin gạo, thịt, sách, vở... Hiện bếp chỉ đủ kinh phí nấu ăn cho các cháu học sinh lớp 1 của trường. Cũng mong các năm tới, các cháu những khối còn lại của trường đều được ăn trưa tại trường”, thầy Khoa chia sẻ.

Ăn cơm trưa xong, các cháu ngủ tại trường để chiều học tiếp

Do là trường vùng sâu, thực phẩm khá đắt đỏ, thầy Khoa đều phải tính toán sao cho bữa ăn không bị mất đi miếng thịt, con cá. Có những khi gia đình có con gà, con cá thầy cũng mang lên trường để cải thiện bữa ăn cho các em.

“Có bữa ăn bán trú buổi trưa, học sinh học tốt lên rất nhiều. Học sinh buổi sáng được học chính khóa, ăn trưa xong nghỉ ngơi để buổi chiều được thầy cô phụ đạo thêm. Nấu ăn cho học sinh cũng như nấu ăn cho mình, cứ ai rảnh là vào bếp. Anh em giáo viên tuy chịu cực một chút, nhưng học sinh ngày càng tiến bộ nên ai cũng vui lòng”, thầy Khoa phấn khởi nói.

Các em được ăn cơm no, canh ngọt từ đồng lương và tiền dành dụm của thầy Khoa 

Đến giờ ăn trưa của các em, thầy Khoa dẫn chúng tôi đến bàn ăn. Các em xếp hàng trật tự, được cô giáo phát cho 1 khay cơm và thức ăn. Ngay trên mỗi khay có cơm nóng, rau, thịt và canh. Các em ăn một cách ngon lành, không chừa thứ gì trên khay. Mặc dù chưa phải là sung túc lắm nhưng đối với học sinh nơi đây có được bữa cơm no như hôm nay là điều mơ ước.

Dùng tiền dành dụm chữa bệnh hiểm nghèo để nuôi học sinh

Trong câu chuyện của thầy Khoa, chỉ nhắc đến học sinh, còn về bản thân, thầy không nói nhiều. Chỉ khi hỏi các giáo viên trong trường, mới được biết, thầy Khoa đang mắc căn bệnh hiếm gặp là xơ cứng bì. Bàn tay của thầy khô cứng dần, khiến thầy không thể duỗi được như người bình thường. Giờ đây, hàm răng dưới của thầy cũng đã rụng sạch vì bị co thắt hàm. Người thầy cũng gầy gò, xanh xao. Đã đi chữa trị, những căn bệnh quái ác vẫn không thể lành.

Dù không muốn khơi gợi đến căn bệnh quái ác, nhưng tôi vẫn phải hỏi thầy Khoa: Sao thầy không dành số tiền đó để lo cho bệnh tật của mình?

Thầy Khoa mỉm cười trả lời: “Sống chung với bệnh quen rồi, chữa cũng không khỏi được. Còn các cháu, mình đã gắn bó, hiểu từng hoàn cảnh, gần gũi như một gia đình. Nhìn cảnh bọn trẻ mùa nóng cũng như mùa lạnh mặc mỗi chiếc áo mỏng manh, đôi chân trần đến lớp thì mình không cầm nỗi nước mắt.

Bữa ăn ở nhà bữa đói, bữa no. Nhiều hôm, có đứa đau ốm, cha mẹ chúng để vậy cho tự khỏi. Chỉ có duy nhất 1 con đường để tương lai chúng tươi sáng là học. Vì vậy mình làm bếp ăn này chỉ có một mong muốn không có đứa nào phải nghỉ học”.

Nhờ có bếp ăn của thầy Khoa mà các em học sinh có được những bữa cơm trong mơ

Hơn 27 năm gắn bó với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, theo thầy Khoa, món quà lớn nhất thầy mong muốn dịp 20-11, là ngày đó trên lớp không thiếu em nào cả. Còn thành tích không chỉ riêng thầy Khoa mà toàn bộ giáo viên ở đây muốn phấn đấu đạt được, chính là sau mỗi năm học các em đều được lên lớp.

Thầy Phạm Văn Đức – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Pa cho biết, rất ủng hộ việc làm của thầy Khoa. Bếp ăn của Trường Tiểu học Kim Đồng rất ý nghĩa đối với các vùng còn khó khăn. Nhờ có bếp ăn, các em học sinh đến trường đều đặn, chất lượng giáo dục được nâng lên. Phòng cùng với chính quyền địa phương sẽ chung tay với thầy Khoa kêu gọi hỗ trợ từ các mạnh thường quân cho bếp ăn để được duy trì lâu dài.

Bình luận (0)

Lên đầu trang