“Chúng tôi đi bộ cả ngày, giáo viên cũng chui túi nilon qua suối dạy học”

Thứ Năm, 06/09/2018 06:37  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Đó là chia sẻ rớm nước mắt của thầy Nguyễn Minh Quý- giáo viên trường Tiểu học số 1 Na Sang – người có 30 năm giảng dạy tại trường và đang cắm tại bản Huổi Hạ khi nhắc đến học sinh chui túi nilon đi học đầu năm.

GIAN NAN ĐƯỜNG LÊN "CỔNG TRỜI"

Nhận được phân công của cấp trên, Phó Công an xã Na Sang Lò Văn Khụt vội gói ghém đồ đạc lên xe đến điểm hẹn đưa phóng viên Báo Công an TP.HCM tới bản Huổi Hạ. Cơn mưa chiều lâm thâm như báo hiệu chuyến đi sắp tới của chúng tôi là vô cùng khó khăn.

Xe lăn bánh qua đoạn đường rừng gồ ghề, bỗng anh Khụt dừng lại nói lớn: “Mưa thế này, chắc đêm mới tới nơi”. Nói xong, anh dừng xe móc bộ xích trong cốp gắn vào lốp của chiếc xe máy.

Học sinh chui túi nilon đến trường tại bản Huổi Hạ đã diễn ra một thời gian dài

Gắn xong, anh chạy vào bản Nậm Pó gần đó mượn thêm xích gắn cho xe của tôi, nhưng không một ai có vì họ đều đã gắn vào xe để đi đường.

Chúng tôi cứ thế đi qua hàng chục cây số, nhưng liên tục gặp sự cố, hết xe của tôi sõng soài lại đến xe của anh Khụt thụt vào sình lầy, hai anh em cứ thế hì hục nhấc bánh, đầu xe, cùng đẩy vượt qua được hơn ½ quãng đường thì bắt đầu trời nhá nhem tối.

Để đến được bản Huổi Hạ và các điểm trường, người đi đường phải gắn thêm xích vào lốp xe mới băng qua được đường rừng đầy nguy hiểm.

Không thể tiếp tục ngồi xe máy, chúng tôi đành bỏ lại xe nơi bìa rừng ngồi nghỉ để tiếp tục cuốc bộ vào bản. Vừa ngồi được chốc lát, cả hai đều giật mình bởi nhóm người đàn ông hùng hục từ đâu sộc đến.

Trong ánh sáng lờ mờ, nhóm người lạ hiện ra với chiếc võng bên trong có thi thể người đang đi ngược đường chúng tôi. Đó là những người dân bản Nậm Pó, họ đang đưa thi thể một phụ nữ qua đời về an táng.

Xe máy vào bản mùa này rất khó khăn có thể phải dừng xe đi bộ khi gặp phải sự cố đơn giản nhất là rớt xuống sình lầy.

Người phụ nữ xấu số mới được đưa đi bệnh viện, nhưng không qua khỏi. Cả lúc đi viện và lúc trở về, nạn nhân đều được kênh trên võng, vì ngoài việc đi bộ thì không có phương tiện nào có thể đi được tại con đường này.

Người dân nơi đây gọi vui cho con đường là đường “mai hãy về” để nói về việc đi lại đầy khó khăn, gian khổ.

Đêm giữa rừng im ắng, chúng tôi mỗi người một chiếc điện thoại bật đèn thật sáng, đôi lúc phải nắm tay dìu dắt nhau đi qua những đoạn dốc cao trơn trượt. Càng vào sâu, đường càng mấp mô, trơn như mỡ.

Đường đi lại khó khăn đến người đi viện và khi chết trở về đều phải nằm võng cuốc bộ.

Đêm tối, chúng tôi vẫn nhận ra một bên là núi cao vời vợi; một bên là vực sâu thăm thẳm sương giăng bồng bềnh đan xen với hàng trăm đoạn cua gấp khúc chỉ nhìn thôi đã thấy ớn lạnh. Có lẽ vì thế, cái nghèo, cái đói vẫn còn bám riết người dân các bản nơi đây. Nhọc nhằn cuốc bộ, đến 10 giờ đêm, chúng tôi cũng đến được bản Huổi Hạ.

GIÁO VIÊN CŨNG CHUI TÚI NILON ĐẾN TRƯỜNG

Trưởng bản Vừ A Giống ra đón chúng tôi khi cả bản đã tắt đèn. Vừa đi, anh Giống vừa cho biết, bản Huổi Hạ là một trong những bản biên giới, khó khăn nhất của Điện Biên.

Cả bản có 75 hộ với khoảng 500 nhân khẩu. Hiện tại đây có hai điểm trường mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, các cháu từ lớp 4 trở lên đều phải ra trường ở trung tâm xã cách bản 20km đường rừng để học.

Cả bản có khoảng 60 học sinh phải vượt suối Nậm Chim đến trường. Mùa khô, người dân làm cầu tạm đi qua suối. Mưa đến, nước lũ về, phương tiện qua suối là những bè nổi. Những ngày nước lớn, không thể di chuyển bằng bè, phụ huynh tại bản buộc phải đưa con em họ vào túi nilon bơi qua suối dữ đến trường.

Để đến được những điểm trường như thế này tại xã Na Sang buộc giáo viên, học sinh phải trải qua những cung trơn trượt đầy nguy hiểm.

Cảnh tượng này diễn ra trong nhiều năm nay. Biết là nguy hiểm, nhưng người dân nơi đây đành “đánh cược” để con em của họ biết chữ.

Anh Giống miệng cười tươi trong đêm, ở đây là vậy, mấy năm trước không những học sinh mà giáo viên cũng phải chui túi nilon vượt suối tới trường. “Không còn cách nào khác, chúng tôi biết là rất nguy hiểm, nhưng đành chịu”.

Thầy Nguyễn Minh Quý - giáo viên trường Tiểu học số 1 Na Sang có 30 năm làm công tác giảng dạy tại trường và đang cắm tại bản, khi nhắc đến học sinh chui túi nilon đi học đã rớm nước mắt.

Thầy Quý nghẹn ngào nói: “Chúng tôi đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, nhưng không đâu như đi dạy trong bản Huổi Hạ. Mùa khô đến trường còn có thể đi lại bằng xe máy, còn mùa mưa thì hoàn toàn phải cuốc bộ gần 20km mất hàng ngày trời để đến được điểm trường.

Thầy Nguyễn Minh Quý người đang cắm bản Huổi Hạ xót xa khi nói về cảnh thầy trò đến trường.

Thầy cô cắm chốt tại đây thường thì cuối tuần hoặc nửa tháng mới về với gia đình. Nếu vào cuối tuần trời mưa thì phải ở lại trường không thể về được.

Giáo viên cũng từng phải chui túi nilon, nhờ người dân khênh xe máy qua suối. Nhưng với các em còn nhỏ, tôi vô cùng xót xa, thương các em mà không biết phải làm sao để thay đổi nghịch cảnh.

Trưởng bản Vừ A Giống cho biết, không những học sinh mà cả giáo viên cũng phải chui tụi nilon đến trường khi nước lên cao. Anh lo lắng tương lai các con anh cũng phải đến trường bằng hình thức chui túi nilon vượt suối.

Thầy cô gặp khó khăn thì ít còn các trò để kiếm được con chữ thì muôn vàn khổ cực bởi đa số các em học sinh đều ở xa đến trường, không những phải đánh cược mạng sống của mình mà sau đó còn phải cuốc bộ trên những đoạn đường đèo quanh co trơn trượt mới đến được trường học.

Đã vậy cuộc sống của các em bữa đói bữa no việc ăn không đủ thì khó nghĩ đến việc học nên có nhiều e bỏ học giữa chừng, các thầy cô lại phải đến tìm hiểu động viên an ủi để các em trở lại trường học.

Học sinh chui túi nilon được người thân rong qua suối mùa nước lũ.

"Vất vả, khó khăn, nhưng chúng tôi được bà con trong bản thương yêu, quý mến. Đó là động lực để chúng tôi quên đi mọi khó khăn cố gắng bám bản dạy con trẻ. Mong sao được các cơ quan chức năng, cộng đồng chung tay làm cho bản con đường, cây cầu để thầy trò có thể đến trường bớt cực nhọc và nguy hiểm”, thầy Nguyễn Minh Quý mong muốn.

Việc cho học sinh chui vào túi ni lông rồi kéo qua sông, suối sâu mùa nước lũ đã từng diễn ra ở một số nơi vùng núi hiểm trở, khó khăn của các tỉnh Tây Bắc, khi các công trình giao thông chưa được xây dựng kịp thời.

Rất mong các bộ ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng rà soát, có biện pháp hỗ trợ các khu vực mà người dân phải cho học sinh qua sông theo cách nguy hiểm như thế này và có biện pháp hỗ trợ các em qua sông đến trường an toàn.

Một số hình ảnh học sinh vượt suối đến trường:

Đưa học sinh ngồi vào túi ni lông
Túm đầu lại
Đưa xuống suối nước cuồn cuộn
Ở chỗ nước còn nông thì mở bao ra cho các em đỡ ngộp
Hai người lớn kèm một em học sinh trong bao li lông đưa qua suối
Chỗ nước sâu người lớn một tay bơi còn một tay giữ đầu túi ni lông giơ lên cao
Em học sinh nằm trong bao nổi trên mặt nước
Những ngày nước lũ không chảy xiết thì dùng bè kéo dây đưa các em qua suối
Các em bé ở bản vùng cao còn chịu nhiều thiệt thòi
Các sản phẩm công nghệ đã đến với các bản vùng cao, các em ngồi một chỗ có thể "check in" khắp thế giới. Nhưng giao thông thì còn đặc biệt khó khăn

Bình luận (0)

Lên đầu trang