Lòng cống - đời người (kỳ 2)

Chủ Nhật, 04/11/2018 18:23

|

(CAO) Bên dưới phố thị là những lòng cống đen ngòm mà các công nhân thoát nước mỗi ngày phải chui vào khơi thông. Khi xô bùn đen được đưa lên, ánh sáng lùa xuống cống chiếu vào tia nước, ánh lên thành chùm hoa nắng. 

KỲ 2: KHI LÒNG ĐẤT... NỞ HOA

Trong lòng đất sâu, có ai ngờ rằng “hoa” cũng nở và khoe sắc, bởi nó được “trồng” bằng trái tim nhiệt huyết.

Bóng đêm, ống cống và…

8 giờ đêm 31-10, phố lên đèn! Đã đến lúc người dân thành phố tạm khép lại công việc bộn bề để du ngoạn phố phường. Dòng xe nô nức đổ về khắp các ngã đường trong tiếng nhạc, tiếng người xô bồ, huyên náo. Nhưng ở một căn nhà nhỏ, tiếng báo thức lại bất chợt reo.

Đó là tín hiệu để anh Đạt (công nhân của Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM) bắt đầu một ca làm việc mới. “Anh nhớ mang theo bình trà uống cho ấm bụng. Hôm nay trời lạnh” – người vợ dặn chồng trước giờ xuất phát. Cùng với 3 cộng sự khác, hôm nay anh Đạt sẽ lại chui xuống lòng cống để khơi thông dòng chảy trong đêm.

Dưới lòng cống tối tăm, những giọt mồ hôi của các công nhân thoát nước vẫn lặng lẽ rơi

5 tiếng sau, dưới lớp đất sâu của tuyến đường Luỹ Bán Bích (Q.Tân Phú), những ánh đèn hắt lên, sáng le lói một góc cống. Đến thời điểm hiện tại, nhóm công nhân đã dọn được 40 mét cống với một lượng bùn rất lớn. Phía trên, dòng xe vẫn qua lại hối hả, những âm thanh phố thị xuyên xuống mặt đất, vọng lại dưới lòng cống. Các anh Son, Đại, Đạt, Bích vẫn cần mẫn với công việc của mình.

Họ làm không ngưng tay, cứ thế âm thầm, lặng lẽ. “Mấy anh em dồn về gần miệng cống đi. Nước đang lên mạnh” – tiếng anh Son hối thúc. Anh Đạt nghe thế, chỉnh lại chiếc nón có đèn pin gắn cố định để thấy đường ra. “Nước lên quá ngực rồi. Hôm nay lạnh ghê” – anh Đạt nói, môi run lập cập.

Để khơi thông dòng chảy, các Công nhân phải ngâm mình dưới dòng nước ô nhiễm khoảng 10 tiếng/ngày

“Thành phố” dưới lòng đất

Hiện trên toàn địa bàn TPHCM có hơn 4.000 km cống thoát nước và 1.034 km kênh rạch. Đảm trách nhiệm vụ thu gom rác và thông cống, mỗi ngày Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM cắt cử khoảng 350 công nhân trực tiếp xuống cống làm nhiệm vụ. Trung bình, cứ 10 công nhân sẽ thu gom được khoảng 10 m3 bùn lẫn rác (trọng lượng tương đương khoảng 14 tấn).

Như vậy, trong một ngày công ty thoát nước phải thu gom tổng cộng 200 tấn bùn thải và rác trên toàn thành phố. Khó ai ngờ được, dưới lòng đất của thành phố, còn có thêm một mạng lưới ống cống chằng chịt, trải dài khắp thành phố. Đó chính là một “thành phố” dưới lòng đất.

Họ leo lên mặt đường khi phố sá đã ngớt dòng xe. Trên vỉa hè, như thường lệ, anh Son chia bao thuốc lá để anh em rít vội. Ca làm nào cũng vậy, chủ đề về thời tiết luôn là vấn đề được các công nhân đặc biệt quan tâm. Anh Son móc ra chiếc điện thoại, lên mạng xem thông tin về cơn bão có khả năng đổ bộ vào Biển Đông.

“Mấy hôm nữa khả năng bão vào, Sài Gòn chắc cũng sẽ mưa lớn nữa rồi” – nói đoạn, anh lại bập điếu thuốc, rồi thở dài, ánh mắt nặng trĩu. Người công nhân này âu lo cũng phải, bởi mưa lớn sẽ lại gây tắc nghẽn cống và đòi hỏi các công nhân thoát nước phải tăng cường độ làm việc hơn gấp bội để giảm ngập được chừng nào, hay chừng đó.

… Vượt qua khắc nghiệt

Cơn mưa nào cũng kéo rác vào cống, làm bít miệng thu nước. Rác thải sau đó sẽ tập trung theo dòng nước tụ vào các vùng trũng thấp, và theo cửa xả thoát ra ngoài kênh rạch. Kênh rạch không được nạo vét khơi thông thường xuyên, sẽ dồn rác vào cống và trào ngược về phía thượng lưu.

Đó chính là điều mà chẳng một công nhân thoát nước nào mong muốn gặp phải. Làm nghề này, ai cũng muốn đường sá, ống cống luôn được khơi thông, không tắc nghẽn. Nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM phải có trong tay số nhân lực gấp nhiều lần hơn hiện tại. Và ở góc độ khác, người dân không còn vứt rác ở mọi lúc, mọi nơi.

Lòng cống gắn liền với đời người người công nhân thoát nước 

Thực tế rõ ràng không cho phép điều đó. “Dù chúng tôi đã triển khai nhân lực vớt rác trước miệng thu nước trước, trong và sau mưa nhằm tăng cường khả năng thoát nước. Tuy nhiên, số lượng công nhân vẫn không đủ đáp ứng đủ cho toàn bộ khu vực thành phố. Công ty chỉ có thể bố trí nhân lực vớt rác cho các tuyến đường thường xuyên ngập nước do mưa” – một lãnh đạo Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM chia sẻ.

Để gắn bó với nghề thoát nước ngoài sức khoẻ...

Công việc vốn đã nặng nhọc nhưng tiền lương mà các công nhân nhận được hàng tháng vẫn nằm ở mức thấp, chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tâm sự với chúng tôi, anh Châu Hồng Son cho biết, vì ngâm mình trong dòng nước ô nhiễm lâu ngày nên công nhân nào ở đây đều có riêng cho một một… chứng bệnh. Nhẹ thì bị viêm da, có người vì ngâm mình trong nước lâu năm dẫn đến phổi ứ nước… Cười ra nước mắt hơn, có người suốt đời chịu cảnh độc thân vì người luôn bốc mùi... thủm thủm.

...Còn đòi hỏi cả nhiệt huyết và trách nhiệm

Nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Để vượt qua khắc nghiệt trong công việc, các công nhân đã có những cách sống chung với hiểm hoạ bệnh tật. Một câu chuyện rất thú vị mà chúng tôi nghe được, đó là sau một tháng, các công nhân hay hùn tiền lại để cùng nhau đi… xông hơi. Hay sưu tầm các bài thuốc lá dân gian để uống khử độc, thanh nhiệt.

Đó là cách đào thải bùn đất, chất dơ trong cơ thể khá hữu hiệu mà các công nhân ở đây áp dụng. Để rồi, họ lại tiếp tục chiến đấu với rác, bùn đen dưới ống cống như những người hùng.

Hoa nở dưới bùn đen

Nguyên nhân dẫn đến ngập nước ở thành phố, còn xuất phát từ việc cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp sự phát triển của xã hội. Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn ở mức quá thấp.

Dư luận hẳn chưa quên cuộc đối thoại giữa công nhân Ngô Chí Hùng (Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM) và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, bởi giọt nước mắt của anh đã làm lay động trái tim của hàng triệu người dân thành phố.

“Có những hôm mò trong cống, tôi đạp phải kim tiêm tứa máu, đau thấu tim. Hay khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài, tôi bị nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vô đầu...” - anh Hùng nói với lãnh đạo thành phố, rồi mím chặt môi. Anh công nhân đã rơi nước mắt. Đó là nỗi lòng của một công dân có trách nhiệm, lâu nay dồn nén sự tủi thân khi nhìn thấy thành phố mình yêu quý, bị xâm hại bởi ý thức quá tệ của một bộ phận người dân.

“Tôi rất mong người dân có ý thức hơn nữa trong việc xả rác, đổ chất thải. Việc này sẽ giúp hạn chế ngập úng, góp phần làm đẹp cho thành phố và không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của công nhân thoát nước” - anh Hùng gửi gắm.

Nghe đến đây, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn giọng: "Khi nghe tâm sự của anh, mỗi người sẽ có cảm nhận riêng và tôi tin rằng, với lòng tự trọng, mọi người sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình để góp phần làm cho thành phố đẹp hơn, giúp cho những người công nhân như anh đỡ vất vả hơn. Đại diện chính quyền thành phố, tôi xin lỗi anh, xin lỗi tất cả những người làm công tác này. Nếu mỗi người có ý thức thì chuyện này sẽ không xảy ra”.

Những ngày cùng các công nhân chui vào ống cống sặc sụa mùi hôi, chúng tôi đã thầm ngưỡng mộ họ vì sự chịu đựng, nhẫn nại trên cả tuyệt vời. Nhưng ở một khoảnh khắc nào đó, dưới dòng nước đục và lớp bùn đen, chúng tôi vẫn bắt gặp những khoảnh khắc quá đỗi lung linh.

Khi xô bùn đen được đưa lên, ánh sáng lùa xuống cống chiếu vào tia nước, ánh lên thành chùm hoa nắng. Trong lòng đất sâu, có ai ngờ rằng “hoa” cũng nở và khoe sắc, bởi nó được “trồng” bằng trái tim nhiệt huyết. Họ, xứng đáng được gọi là những người hùng!

Duới lòng cống là cả một thế giới...

Ai sẽ tiếp bước các anh?

Khi ca trực ban đêm của nhóm công nhân kết thúc, chúng tôi đã hỏi các anh về niềm vui sau mỗi giờ tan ca. Anh Thạch đáp vội: “Vui là khi cống sạch bùn. Vui là buổi chiều anh em về sớm ăn bữa cơm gia đình. Mà vui nhất là khi thông cống vô tình vớt được cái bóp có chứa giấy tờ mà trả lại được cho khổ chủ”.

“Thế sau này anh có hướng cho các con nối nghiệp mình?” – câu chuyện đang rôm rả, bỗng chùn lại sau câu hỏi đó.

Anh Son rít một hơi thuốc dài, buông lời nặng trĩu: “Đâu ai giàu 3 họ đâu ai khó 3 đời! Phải để đời con, đời cháu mình làm việc gì sướng hơn chứ”. Anh Son nói vậy, dù thật tình anh luôn trăn trở với sự ô nhiễm ngày càng leo thang của thành phố… Nếu không nặng lòng, làm sao anh gắn bó với công việc này đến tận 20 năm ròng rã?

Nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, lòng cống cũng như một đời người, có điểm đầu, đích đến và những cánh cửa mở lối thoát ở mỗi chặng đường. Cuộc đời, ai cũng muốn hướng về một ngày mai xán lạn. Nghề móc cống xứng đáng được ngợi ca nhưng để chọn được người đến với nghề, thì đâu đơn giản. Thành phố luôn cần những người công nhân có tâm với nghề như anh Hùng, anh Son, anh Đại hay anh Thạch để đô thị ngày càng phát triển, tinh tươm. Nhưng liệu khi các anh rút lui thì… ai sẽ là người đủ can đảm để thay thế?

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang