Chưa có thống kê về những ca sĩ chỉ chuyên hát quán nhậu ở TPHCM, nhưng theo ông bầu chuyên nghiệp này, có lẽ phải lên đến trên 5.000 người và đó là thế giới của phần lớn nghệ sĩ có phận đời long đong, khi nghiệp hát chỉ để mưu sinh.
Sống chỉ nhờ tiền "bo"
Trời mưa tầm tã nên quán nhậu Bên Sông (Q7) khá vắng khách. Trên sân khấu giao lưu âm nhạc của quán có 2 nữ ca sĩ và nam nhạc công kiêm ca sĩ thay nhau trình diễn. Mỗi người xoay tua hát một lúc vài bài, nhưng thỉnh thoảng nhạc công vẫn phải đánh xập xình để lấp chỗ trống, vì tất cả đều thấm mệt, không thể trình diễn liên tục. "Sống chỉ nhờ tiền "bo" mà khách vắng thế này thì thất thu chắc rồi...", ca sĩ Trúc Vân cười buồn.
Theo nghề đã gần 20 năm, Trúc Vân từng có lúc đứng trên sân khấu lớn ở trung tâm thành phố, nhưng chủ yếu vẫn gắn liền với một vài tụ điểm ca nhạc quận, huyện và theo các bầu sô đi diễn ở tỉnh. Gần 5 năm nay, do giọng ca ngày càng xuống, cô đành chọn quán nhậu làm nơi dừng chân.
Nhóm nhạc của Trúc Vân được chủ nhà hàng giúp đỡ về sân khấu, hoàn toàn không có thù lao, nên thu nhập cho mỗi buổi diễn là từ tiền "bo" của khách. "Như vậy cũng đủ sống, chỉ mong sao nhà hàng có khách đều đều để tụi này có thu nhập trang trải", cô bảo vậy.
Nữ ca sĩ đồng hành cùng Trúc Vân từng tốt nghiệp thanh nhạc ở Nhạc viện, nhưng khi ước mộng làm "sao" không thành, đành đi hát trong phòng trà ở Q1, nhưng ít năm trước đã phải thất nghiệp vì không cạnh tranh được với những giọng ca mới nổi ngày một nhiều...
Những "ca sĩ” hát tại các quán ăn, nhà hàng phải "nuốt nước mắt" để theo nghề
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Long - bầu sô trong lĩnh vực này, số ca sĩ chuyên hát ở nhà hàng, quán nhậu phải lên đến trên 5.000 người và đang liên tục tăng theo số lượng quán ra đời. Chỉ cần cây organ cùng dàn âm thanh, thuê 1 nhạc công và tuyển vài ca sĩ, là đã lên được chương trình ca nhạc tương đối. Do vậy, phần lớn quán nhậu đều thiết kế loại hình này để thu hút khách.
Dẫu chỉ là những sàn diễn không chuyên, nhưng ca sĩ quán nhậu cũng được phân loại "đẳng cấp". Được mời và trả cát-sê thường là những giọng ca từng trình diễn ở các tụ điểm ca nhạc, phòng trà; tiếp đến là số nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ của dòng nhạc bolero từng "một thời vang bóng", còn lại là những nhóm nhạc biểu diễn không thù lao. Mặc dù vậy, những nhóm "hát tự nguyện" vẫn có thu nhập ổn định do biết cách thể hiện tài năng, để thu hút và hưởng tiền "bo" xứng đáng từ sự hài lòng của thực khách.
Nuốt nước mắt theo nghề
"Nếu không có niềm đam mê thì khó vượt qua được những mặc cảm tự ti trong nghề này. Đi hát quán nhậu mới thấy hết nỗi đắng cay, ngậm ngùi ở nơi mà tiếng hát chỉ góp vui cho việc... bia bọt!" - Thanh Thủy, ca sĩ Nhà hàng V.C trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), tâm sự. Cô cho biết, dù chỉ là phận hát mưu sinh, nhưng trong lòng luôn cháy bỏng niềm đam mê nghệ thuật.
Thủy chia sẻ, nỗi buồn lớn nhất chính là lời ca, tiếng hát của mình không được thưởng thức, mà chỉ để góp vui, tạo không khí cho khách nhậu.
Theo cô, nhiều khi nhận được nhánh hoa hồng nhựa kèm tiền "bo" của khách, mà phải nuốt nước mắt vào lòng. Đó là chưa kể những tình huống khách mượn cớ "bo" để tìm cách sàm sỡ trong cơn say, buông lời sỗ sàng, thậm chí không thích nghe thì bước lên sân khấu giật míc, đuổi mình xuống.
Ca sĩ V.A, giọng hát theo dòng nhạc dân gian từng đoạt giải nhất Tiếng hát phát thanh - truyền hình Đồng Nai tâm sự, những ngày đầu đi hát ở các nhà hàng, dù là nơi sang trọng, chị đều cảm thấy bức xúc trước cảnh khách say xỉn, miệng nhồm nhoàm thức ăn bước lên cợt nhã. Sau sự cố khách nhậu xong rồi quậy tại một nhà hàng ở Q3, bây giờ mỗi khi được mời đi hát chị đều đắn đo rất kỹ.
Chuyện của Trúc Vân cũng buồn không kém. Từng là ca sĩ đoạt giải Giọng hát hay Đà Nẵng, vào thành phố lập nghiệp với bao khát vọng, nhưng giữa "rừng" người hát đổ xô về Sài Gòn, cô không vươn lên được và đành chấp nhận hát trong quán nhậu.
Số phận của cô còn hẩm hiu hơn, khi một lần đang hát trong cảnh phừng phừng bia rượu thì gặp ngay mẹ chồng tương lai (bà không biết cô làm nghề này). Tình yêu đổ vỡ, Trúc Vân chấp nhận sống đời độc thân, theo đuổi nghiệp hát để kiếm sống cho đến giờ.
"Mang kiếp cầm ca, nhưng mỗi người mỗi cảnh, miễn sao đừng để ai xem thường con người mình" - Trúc Vân chia sẻ. Cô tâm sự, nhiều lần đã kiên quyết không nhận tiền "bo" khi khách tỏ thái độ xem thường.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Long, dầu họ là những ca sĩ xem việc hát để mưu sinh, trong môi trường hết sức nhạy cảm, nhưng phần lớn đều giữ vững phẩm chất người nghệ sĩ: tự trọng, lao động nghiêm túc, biểu diễn hết mình với niềm đam mê nghệ thuật bỏng cháy.
"Suy cho cùng, hát ở đâu cũng là công việc phục vụ khán giả. Hát quán nhậu nếu nhận được lời khen ngợi, tràng pháo tay trân trọng, đúng nghĩa thì cũng ấm lòng, hạnh phúc lắm chứ!", ông Long nhận xét.