Phóng sự:

Lòng cống – đời người

Chủ Nhật, 04/11/2018 17:20

|

(CAO) Chiếc cần xé nặng trịch bùn đất được kéo lên chậm rãi từ lòng cống. Mồ hôi chảy thành hàng trên gò má của những người đàn ông lực lưỡng.

Kỳ 1: Nỗi buồn “ruột”… phố!​

Ở phía dưới, dòng nước đen ngòm cứ thế quấn lấy họ cùng một thứ mùi khó tả. Các công nhân lặng lẽ, cam chịu - như chính cái nghề mà mình mang theo. Thành phố sạch và đẹp hơn nhờ những bàn tay ấy, nhưng liệu được mấy ai đồng cảm, sẻ chia?

Nương theo con nước

Đầu giây bên kia, anh Trần Văn Nghĩa (tổ trưởng Chi nhánh thoát nước đô thị số 1 - Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM) thông báo nước dưới lòng cống đã xuống mức thấp nhất. Chúng tôi bắt đầu chui vào lòng cống. Anh Châu Hồng Son (50 tuổi) cùng 5 công nhân khác hôm nay (ngày 30-10) sẽ đồng hành cùng phóng viên.

Nhóm công nhân thoát nước chi nhánh số 1 bắt đầu xuống mục tiêu dọn dẹp

 Mục tiêu dọn dẹp của nhóm là tuyến cống lớn nằm dưới lòng đường đường Lạc Long Quân, Q.11. Đây là tuyến cống nằm trong tổng thể hệ thống thoát nước lưu vực Kênh Tân Hoá – Lò Gốm, chạy qua địa bàn các Q.10, Q.11, Q.Tân Phú, Q.Tân Bình và Q.Bình Tân.

Nắp cống vừa được cạy lên, anh Son liền nai theo chiếc cần xé, cùng 2 đồng nghiệp khác men theo thang dây để trèo xuống. Mặt nước đặc quánh, hắc lên mùi hôi khó tả. Nhìn bùn đen, rác thải quyện vào dòng chảy, tích tụ thành mảng dày cộm, các công nhân mặt buồn xo.

Đường xuống cống là một chiếc thang dây

“Phải dùng tới xẻng rồi Đại ơi! Cột dây thả xuống đi” – anh Son nói vọng lên một đồng nghiệp ở phía trên. Sau một tháng, dòng chảy dưới cống trở nên lờ đờ, mệt mỏi, bởi không có lối thoát vì bị những người vô ý thức xả rác. Những nhát xẻng được anh Son xắn xuống ngọt lịm, sau đó nạy lên từng mảng bùn lớn, lẫn trong đó là rác và… rác.

Các công chẳng ai bảo ai, cứ thế hì hục làm. Chiếc cần xé chẳng mấy chốc đã chứa đầy chất thải được kéo lên mặt đường. Mồ hôi chảy thành hàng trên gò má của những người đàn ông lực lưỡng. Ở phía dưới, dòng nước đen ngòm cứ thế quấn lấy đôi chân của họ. Các công nhân lặng lẽ và có vẻ gì đó cam chịu - như chính cái nghề mà mình mang theo.

Dòng nước chảy lờ đờ như cản bước người công nhân

Trời đứng bóng, cái nắng gay gắt làm mặt đường nóng ran. Dưới cống, sự ngột ngạt càng kinh khủng hơn gấp bội. Mùi hôi nồng nặc từ từ bao trùm, rồi “tấn công” chúng tôi khắp mọi ngóc ngách. “Mùi của “ruột” phố đấy! Lần đầu tiên được nếm trải phải không?” – anh Son nhìn về phía phóng viên, vừa nói vừa cười to. Chỉ còn 1 tiếng nữa, triều cường sẽ lên và để hoàn tất công việc hôm nay, các công nhân phải đấu sức với thời gian…

Cuộc chạy đua trong lòng đất

Các công nhân đã quá quen với sự tốc lực, bởi đặc thù công việc của họ phải phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên. Để tiếp cận với vị trí xử lý rác, bùn thải dưới cống, tổ trưởng của nhóm bắt buộc phải theo dõi con nước lên, xuống liên tục. Nếu không phán đoán đúng thời gian nước triều lên, các công nhân có thể đối mặt với nguy hiểm bất cứ lúc nào, do không thoát ra kịp khỏi ống cống.

Dòng nước đục mỗi lúc một dâng cao nhưng rác dưới cống vẫn còn quá nhiều! Anh Son và các đồng nghiệp nhìn nhau, thống nhất ở lại thêm lát nữa. Cách đó tầm vài mét, anh Đại (45 tuổi) cùng người một đồng nghiệp khẩn trương kéo hai giỏ bùn đưa lên mặt đường. Nếu không tăng tốc độ, nước triều sẽ nhanh chóng làm chúng lấp đầy lòng cống, dẫn đến ngập đường.

Anh Nguyễn Văn Son đang cố gắng vớt bùn từ dưới lòng cống

“Bên đó sao rồi Đạt ơi!” – anh Son gọi lớn một đồng nghiệp đang ở sâu bên trong. “Còn vài giỏ nữa là xong rồi anh. Ráng thêm xíu nữa” – Đạt vọng ra. Tiếng xúc, tiếng giỏ thọc xuống, kéo lên huyên náo dưới lòng đất.

Chẳng mấy chốc, nước đã lên tới ngang ngực. Dòng nước chảy mạnh hơn, tạo thành những đợt sóng nhỏ, tạt tới tấp vào mặt các công nhân. “Cẩn thận không là bị té đó!” – Đại ngoái đầu nhắc chúng tôi. Bốn người đàn ông vẫn cố gắng xúc đầy giỏ bùn cuối cùng, người họ quyện chung với nước đen, lem luốc.

Cuộc chạy đua với dòng nước của nhóm công nhân thoát nước 

Một hồi sau, mặt anh Son lộ rõ vẻ lo lắng. Đây là tín hiệu để nhóm công nhân biết rằng đã tới giờ họ phải thoát khỏi lòng cống. Anh Son ra hiệu cho các đồng nghiệp ở phía trên kéo thêm một giỏ bùn nữa rồi nghỉ tay. “Hốt thêm chuyến “hụi chót” nhé mấy anh! Xong mẻ này rồi ăn trưa cho ngon” – Đạt nói bồi.

Trên mặt đường Lạc Long Quân, dòng xe vẫn hối hả qua lại. Chẳng ai có thể tưởng tượng, phía dưới lòng đất đang có những con người âm thầm chạy đua với thời gian để lấy rác, khơi thông dòng chảy. Một, hai rồi tất cả các anh, từng người một ngoi lên mặt đất.

Nuớc lên cũng là lúc những người công nhân phải quay trở lại mặt đất để đảm bảo an toàn.

 Ai nấy đều bơ phờ, người ướt sũng, hôi tanh. Một nhóm thanh niên đi ngang qua, nhìn những bộ đồ lấm lem bùn dơ, vội lấy tay bịt mũi, mặt lộ rõ sự tránh né. Thoáng thấy cảnh này, các công nhân chỉ biết mỉm cười, họ không buồn bởi đã quá quen với sự dè bĩu đó.

Niềm vui và nỗi buồn

Chúng tôi cùng nhóm công nhân ngồi nghỉ mệt gần miệng cống. Mỗi người chia nhau một điếu thuốc, họ rít liên tục để giải lạnh. “Sao mấy anh lại gắn bó với công việc cực nhọc này? – nghe phóng viên hỏi, các anh không ai đáp, chỉ biết cười. Anh Son bảo, chắc tại số phận sắp đặt cho anh chọn nghề này để làm kế mưu sinh. Nhưng rồi lại không bỏ được nó.

Một công nhân trong nhóm tranh thủ vệ sinh cơ thể sau nhiều giờ ngâm mình trong dòng nước đen kịt

Dù chỉ là nghề lao động tay chân và không cần bằng cấp, nhưng không phải ai muốn cũng có thể trở thành công nhân thoát nước đô thị. Nghề gì cũng phải học. Móc rác dưới cống cũng không là ngoại lệ! Muốn xuống được lòng cống, các công nhân ở đây ngoài sức khoẻ sẵn có thì cần có thêm sự nhanh nhẹn, khéo léo.

Đó là chưa kể đến một số thủ thuật mà không phải ai cũng biết. Đơn cử như việc kéo giỏ rác từ dưới cống lên mặt đường, dù có máy móc hỗ trợ nhưng nếu không biết dùng thế để kèo, đỡ thì công việc tưởng chừng dễ, sẽ khó làm xong.

“Nghề gì cũng có cái cực riêng. Nhưng nếu chúng ta làm có trách nhiệm thì sẽ thấy nó dễ dàng hơn” – anh Son bộc bạch.

Bữa cơm vội trong bộ dạng lấm lem của nhóm công nhân thoát nước

Ai đến với nghề gì cũng có cơ duyên, nhưng với những công nhân này, việc móc cống đôi khi còn được xem là “nghề gia truyền”. Có gia đình gắn bó với lòng cống cả 3 thế hệ. “Từ đời ông tới đời cha, rồi từ khi nào, những đứa nhỏ quen dần với cái mùi cống rãnh” – anh Đại hóm hỉnh.

Câu chuyện của công nhân Nguyễn Ngọc Thạch (50 tuổi), có lẽ là ví dụ tiêu biểu nhất. Hồi nhỏ, anh Thạch hay theo chân cha ra bãi tập kết rác trên Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để chơi cùng. Lớn hơn chút nữa, thấy “ông già” làm cực quá nên anh cũng sắn tay vô phụ.

Duyên nghề đến từ những điều quen thuộc nhất và làm rồi, anh lại thấy yêu nó tự lúc nào chẳng hay. “Riết rồi gắn bó với cái “nghề thum thủm” này đã gần 20 chục năm trời” – anh Thạch nói.

Nghề móc cống dù sống chung với dơ bẩn, nhưng không phải vì thế mà các công nhân không có niềm vui. Chui xuống cống, vớt được giấy chứng minh nhân dân, hoặc bóp tiền, đem lên công an trả lại cho người bị mất, là những lần họ có được niềm vui. Còn nỗi buồn thì sao? Rác còn quá nhiều, ý thức của người dân còn quá tệ và hàng trăm vấn đề khác liên quan đến công việc của họ, luôn là nỗi buồn đeo bám!

Làm việc dưới cống, chỉ một sơ sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng. Đồng lương của công nhân thoát nước tuy ít nhưng trách nhiệm của các anh với công việc thì không cần phải suy tính. Mỗi ngày, một nhân công phải ngâm mình dưới dòng nước ô nhiễm hơn 10 giờ đồng hồ.

Môi trường làm việc đương nhiên là vô cùng khắc nghiệt. Chỉ tính trung bình một ngày, có từ 4 đến 6 tấn rác được vớt trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Con số ấy phần nào phản ánh những ghánh nặng đè lên vai các anh. Và khi nhiều người dân vẫn còn chưa xây dựng được ý thức bảo vệ môi trường, thì giọt mồ hôi của các anh vẫn sẽ lặng lẽ rơi hoài dưới lòng sâu…

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang