(CAO) Hôm 25-1, AFP đưa tin binh sĩ của Ấn Độ và Trung Quốc lại xảy ra một cuộc ẩu đả mới ở biên giới trên dãy Himalaya đang tranh chấp khiến cả hai bên đều có người bị thương.
Cuộc ẩu đả diễn ra vào ngày 20-1, 6 tháng sau khi một trận đụng độ xảy ra khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, trong khi chưa rõ số lượng thương vong bên phía Trung Quốc.
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ đó đã bị cuốn vào một cuộc xung đột ngoại giao và quân sự do quan điểm khác biệt về địa lý và chính trị của họ.
Quân đội Ấn Độ đã coi trận giao tranh mới nhất như một "cuộc đối đầu nhỏ" tại đèo Naku La, nối bang Sikkim với Tây Tạng bên phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ "không có thông tin" về vụ việc.
Trong một tuyên bố, quân đội Ấn Độ cho biết cuộc đụng độ tuần trước đã được "các chỉ huy địa phương giải quyết theo các giao thức đã thiết lập".
Các nguồn tin chính phủ cho biết, 4 binh sĩ Ấn Độ đã bị thương khi buộc một đội tuần tra của Trung Quốc phải lùi lại. Họ nói thêm rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phải chịu một con số thương vong chưa xác định.
Khu vực đèo nơi xảy ra vụ ẩu đả mới nhất giữa hai bên - Ảnh: AFP
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết quân đội Trung Quốc sẽ luôn "tận tụy để bảo vệ hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới".
Ông nói: “Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ làm việc theo hướng tương tự”.
Thông tin chi tiết về cuộc đụng độ mới nhất xuất hiện vào đêm trước ngày Cộng hòa của Ấn Độ, khi nước này phô diễn khí tài quân sự mới nhất của mình tại một cuộc duyệt binh ở thủ đô.
Việc sử dụng súng khi tuần tra biên giới bị cấm theo một hiệp định song phương.
Vào tháng 6, quân đội hai bên đã đánh nhau bằng nắm đấm và dùi cui gỗ ở thung lũng Galwan, vùng Ladakh, khiến hàng chục người thiệt mạng. Trung Quốc chưa bao giờ xác nhận binh sĩ bên phía họ thiệt mạng bao nhiêu người.
Trung Quốc và Ấn Độ từng lôi nhau vào một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962, thời gian qua đã đổ lỗi cho nhau về sự gia tăng căng thẳng và mỗi bên đã điều thêm hàng nghìn quân đến các khu vực biên giới để “dằn mặt” đối phương.
Các cuộc đàm phán giảm leo thang mới nhất giữa các chỉ huy quân sự đã được tổ chức vào hôm 24-1 nhưng không có dấu hiệu cho thấy một trong hai bên sẵn sàng nhượng bộ.