“Cơn sốt” Pokémon Go khiến nhiều nước phát đi cảnh báo

Thứ Ba, 09/08/2016 00:53

|

(CAO) Mấy ngày nay, game thực tế ảo trên ứng dụng di động Pokémon Go đang tạo nên “cơn sốt” trong giới trẻ khi hãng Nintendo chính thức phát hành game này ở thị trường Việt Nam.

Bằng cách thực hiện theo hướng dẫn trong trò chơi là di chuyển đến các địa điểm định trước ngoài đời thực, người chơi có thể bắt được những con Pokémon trong thế giới ảo hiển thị trên màn hình di động.

Tuy nhiên việc trò chơi truy cập vào địa điểm thực tế của từng người cũng như bắt họ chụp hình những nơi mình tới khiến nhiều quốc gia lo ngại những địa điểm “nhạy cảm” như các khu căn cứ quân sự sẽ bị lộ qua ảnh chụp bằng camera điện thoại trong quá trình người chơi đi đến các địa điểm này để “săn Pokémon”.

Bài viết với tiêu đề “Thế giới đối đầu với mối đe dọa Pokémon” của hai tác giả Joe Cochrane và Karen Zraick trên tờ New York Times số ngày 22-7 đã phản ánh tình trạng này:

Khi căng thẳng đang gia tăng với Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông và đang “đau đầu” cùng với Úc đối phó với nạn thuyền nhân di cư bất hợp pháp, chính quyền Indonesia đang phát đi cảnh báo trước một vấn đề khác : Pokémon.

Những quan chức chính phủ nước này, bao gồm cả những quan chức lãnh đạo giới quân sự đang lên tiếng cảnh báo về một trò chơi mới: Pokémon Go – Trò chơi trên ứng dụng di động dựa trên vị trí của người chơi đang trở nên phổ biến trên toàn cầu, là “một mối đe dọa quốc gia” khi có thể cho phép những lực lượng thù địch tiếp cận những dữ liệu tối mật, thâm nhập những vấn đề nhạy cảm của chính phủ cũng như vị trí của những địa điểm quân sự.

Những người đàn ông chơi Pokémon Go trên điện thoại di động ở thủ đô Riyadh (Ả Rập Saudi) - Ảnh: AFP

Sutiyoso – Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Indonesia- cơ quan phụ trách mạng lưới tình báo nội địa nói với New York Times: “Trò chơi này dùng camera ghi lại địa điểm dựa trên vị trí và thời gian thực tế của người chơi có thể gây nên những mối đe dọa an ninh khi chơi gần hoặc trong các khu vực hạn chế của quốc gia”.

Khi trò Pokémon Go ngày càng lan rộng (hơn 30 quốc gia), những giới chức an ninh và tôn giáo đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo về nó.

Ở Ả Rập Saudi, các giáo sĩ đã ban hành một lệnh mới, hoặc tuyên phán quyết chống lại Pokémon, gọi đó là một trò chơi “ngoại đạo”  đối với đạo Hồi.

Còn ở Bosina, chính quyền cảnh báo những người chơi chú ý tránh xa những bãi mìn còn sót lại trên mặt đất vào thập niên 90 sau chiến tranh vì mải chơi Pokémon.

Một quan chức ngành truyền thông ở Ai Cập cho biết trò Pokémon Go có thể bị cấm vì nó chia sẻ hình ảnh và video về những địa điểm an ninh, có thể đặt những địa điểm nhạy cảm này vào những mối đe dọa.

Một người chơi Pokémon Go mải chơi đã đi vào bãi mìn ở Bosnia - Ảnh: AP

Chính quyền Nga cũng đưa ra cảnh báo tương tự khi cho rằng trò chơi có thể gây ra những hậu quả “không thể cứu vãn được” khi người chơi tiếp tục check vào những địa điểm.

Trò chơi cũng gây ra làn sóng cảnh báo toàn cầu khi người chơi đi theo hướng dẫn vào những địa điểm thường không được thâm nhập như các tòa nhà và địa điểm lịch sử.

Pokémon Go mang một thế giới của các sinh vật ảo, các cửa hàng Pokémon (PokéShop) và những đặc trưng của các sinh vật ảo này vào đời thực khi người chơi thông qua camera của một điện thoại thông minh (smartphone) và sử dụng chức năng định vị vị trí của điện thoại. Người chơi bắt một số loại Pokémon (sinh vật ảo của trò chơi) và dùng chúng để “chiến đấu” với những nhóm Pokémon khác hòng chiếm lại những địa điểm gọi là những “phòng gym”.

Chính người chơi khi tải ứng dụng game này về máy sẽ nhận được dòng thông báo “Pokémon có thể được tìm thấy ở mọi ngóc ngách trên Trái đất”. Và đó chính là vấn đề.

“Pokémon là công cụ mới nhất được sử dụng bởi các cơ quan tình báo trong chiến tranh tình báo, một hành động hèn hạ, xảo trá nhằm thâm nhập vào những cộng đồng của chúng tôi bằng một cách có vẻ vô tội là viện cớ rằng nó là ứng dụng giải trí đơn thuần” - Hamdi Backeet – một thành viên của Ủy ban Quốc phòng và An ninh quốc gia trong Quốc hội Ai Cập nói với đài Al Jazeera.

Những website tin tức của Nga cũng ban bố một thông cáo cáo buộc trò chơi là một mưu đồ của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), giới chức tôn giáo cũng bắt đầu lên án trò chơi.Còn lãnh đạo của cộng đồng người Cô –dắc ở Nga cũng tố cáo: “Nó có mùi của Satan”.

Trong khi đó, thư ký báo chí của điện Kremlin cảnh báo những người chơi Pokémon Go không đến điện Kremlin để “săn Pokémon” và cảnh báo án tù cho bất cứ ai vào nhà thờ để săn chúng.

Kuwait cũng cấm người chơi sử dụng ứng dụng này ở những địa điểm của chính phủ và các quan chức cũng cảnh báo chơi trò này có thể đặt dữ liệu cá nhân của người dùng vào mối đe dọa khi bọn tội phạm có thể dùng nó để “nhử” người chơi vào những nới biệt lập để gây án.

Một người chơi Pokémon Go ở vùng Siberia (Nga) - Ảnh: Reuters

Giới chức Israel thì cảnh báo các quân nhân không chơi Pokémon Go ở những căn cứ quân sự vì nó có thể tiết lộ địa điểm của những khu căn cứ này.

Chính phủ Hàn Quốc đã hạn chế các địa điểm hiển thị trên Google Maps vì những lý do an ninh, vì thế người dùng Pokémon Go dùng dữ liệu Google Maps để hiển thị bản đồ hoạt động trong trò chơi của mình sẽ không thể hoạt động một cách tùy tiện. Nhưng ứng dụng này tình cờ hoạt động ở một thị trấn nhỏ ven biển gần biên giới Triều Tiên và số người chơi ở đây được hiển thị rộng rãi trong ứng dụng này.

Từ khi Pokémon Go được phát hành vào ngày 6-7, nó đã thu hút hàng triệu người chơi trên toàn cầu, bao gồm một số người đã tạo nên nghi vấn khi chơi nó ở các di tích như nhà ngục Đức quốc xã Auschwitz, nghĩa trang Arlington và khu tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11-9 ở thành phố New York.

Một nữ phát ngôn viên của Niantic – một công ty thuộc Google tham gia tạo ra ứng dụng Pokémon Go bác bỏ những cáo buộc rằng trò chơi này là một công cụ tình báo và cho biết công ty đã yêu cầu những người chơi “tôn trọng luật pháp địa phương và tôn trọng những địa điểm và cộng đồng bạn gặp trong quá trình khám phá trò chơi”.

Trò chơi này được phát hành bởi Pokémon Company – công ty thuộc sở hữu một phần của Nintendo – tập đoàn game tiên phong của Nhật.

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo đơn cử như tổng thống Israel Reuven Rivlin lại chuộng trò chơi này khi post một bức ảnh trên Facebook Pokémon đang trong văn phòng của ông với dòng chú thích: “Ai đó gọi nhân viên an ninh”.

Trò chơi cũng được dùng vào những mục đích chính trị. Một số người dùng Twitter chia sẻ nội dung là hình ảnh của một chú Pokémon đã chết trong trò chơi giữa địa điểm là đống xà bần đổ nát ở dải Gaza.

Phản đối chính sách phân biệt người Palestine của Israel, một người đăng tải bức hình chơi Pokémon Go ở dải Gaza. Trong ảnh là một Pokémon đã chết 

Ở Indonesia, Yuddy Chrisnandi - Bộ trưởng về Cải cách Hành chính Indonesia dùng tài khoản Twitter của mình để cấm các viên chức nhà nước chơi Pokémon Go khi đang ở trong trụ sở các cơ quan công quyền. Ông cho biết chơi trò này có thể xâm hại đến bí mật quốc gia.

Truyền thông địa phương cũng cho biết những thành viên trong giới quân sự và cảnh sát quốc gia Indonesia cũng cấm nhân viên chơi Pokémon Go khi đang làm việc khi cho rằng điều này gây hại đến an ninh.

Tuy nhiên những lệnh cấm này tỏ ra ít có tác dụng khi một quan chức tên Pramono Anung – thư ký trong nội các của tổng thống Indonesia Widodo hào hứng cho biết cho biết đã bắt được một số Pokémon khi chơi trò này trong khuôn viên phủ tổng thống ở Jakarta. Lệnh cấm chơi Pokémon Go ở địa điểm này sau đó đã được ban hành. Thậm chí một quan chức tên Purnama còn đề xuất tổ chức một sự kiện cho người chơi Pokémon Go thi đấu với nhau ở tòa thị chính nhầm kích cầu du lịch.

Một số chuyên gia khác phản đối chính quyền có phần thái quá khi gia tăng mối đe dọa vì những trò chơi như Pokémon.

Một người Pháp làm việc tại Indonesia đã bị tạm giữ khi mải mê săn Pokémon mà lạc vào phần đất thuộc một căn cứ quân sự ở tỉnh Tây Java. Người này sau đó đã được thả.

Bao nhiêu chuyện khôi hài cũng từ Pokémon Go mà ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang