(CAO) Tối qua 28-9 (giờ VN), Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chính thức xác nhận có nước chảy trên bề mặt sao Hỏa.
Theo đó, NASA xác nhận vào mùa hè có những dòng nước mặn chảy trên bề mặt hành tinh này trước khi chúng bị đóng băng vào mùa đông. Hiện tượng này xảy ra hàng năm theo cơ chế mùa trên sao Hỏa.
Phát hiện này mở ra khả năng tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa.
Jim Green- Giám đốc bộ phận nghiên cứu khoa học về hành tinh của NASA cho biết trong cuộc họp báo vào hôm qua: “từ rất lâu sao Hỏa từng có một bầu khí quyển và một đại dương với độ sâu 1 dặm, chiếm 2/3 diện tích bán cầu bắc của hành tinh này. Sau đó, vì một thảm họa không rõ nên khí hậu biến đổi trên sao Hỏa khiến hành tinh này mất dần nước trên bề mặt”.
Hình ảnh NASA công bố về vệt nước mặn chảy trên bề mặt sao Hỏa - Ảnh: NASA
Các nhà khoa học ở NASA từng xác nhận có nước đóng băng trên bề mặt sao Hỏa vào năm 2008. Những dữ liệu vệ tinh của tàu thám hiểm không gian Mars Reconnaissance Orbiter gửi về mới đây cho thấy đã tìm thấy dấu hiệu của nước ở dạng lỏng qua những vệt muối hằn trên các đồi dốc của sao Hỏa có hình dáng của một dòng chảy liên tục.
Vì sao Hỏa có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời khác biệt so với Trái Đất, điều này có nghĩa nước có thể tồn tại ở dạng lỏng kể cả trong những tháng mùa hè, khi sao Hỏa gần Mặt Trời nhất. Những dòng nước mặn này có thể bị đóng băng vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp.
Hiện NASA chưa rõ những dòng nước mặn này bắt nguồn từ đâu trên bề mặt sao Hỏa.