(CAO) Các nhà thiên văn Úc cho biết họ vừa phát hiện một hệ mặt trời lớn nhất từ trước đến nay gồm một hành tinh lớn phải mất gần 1 triệu năm để quay quanh ngôi sao mẹ.
Hành tinh khí gas này cách ngôi sao mẹ mà nó quay quanh 1 ngàn tỷ km khiến quỹ đạo hành tinh này quay quanh ngôi sao mẹ lớn gấp 140 lần khoảng cách sao Diêm Vương quay quanh Mặt Trời.
Gần đây các nhà thiên văn chỉ phát hiện được một số trường hợp mà khoảng cách giữa sao mẹ và hành tinh quay quanh ở rất xa nhau như vậy. Kết quả nghiên cứu này đã được nhóm các nhà khoa học công bố trên chuyên san của của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh.
Hành tinh lớn này được biết đến với tên gọi 2MASS J2126-8140, lớn gấp 12 đến 15 lần khối lượng của sao Mộc.
Hành tinh 2MASS J2126-8140 cách ngôi sao mẹ 1 ngàn tỷ km - Ảnh: Neil James Cook / Uni Hertfordshire
BBC dẫn lời tiến sĩ Simon Murphy từ Đại học Quốc gia Úc nhận định: "Chúng tôi suy đoán chúng hình thành 10-45 triệu năm trước và bị một luồng khí đẩy về cùng hướng. Mối liên kết giữa chúng (hành tinh 2MASS J2126-8140 và sao mẹ) mỏng manh đến nỗi bất kỳ ngôi sao nào ở gần đó cũng có thể phá vỡ hoàn toàn quỹ đạo của chúng."