Phát hiện ‘hệ mặt trời’ mới với 7 hành tinh có khả năng có sự sống

Thứ Năm, 23/02/2017 07:06  | Anh Duy

|

(CAO) Tối qua 22-2 (giờ VN), CNN đưa tin tại trụ sở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã diễn ra buổi họp báo công bố phát hiện chấn động: Các nhà thiên văn vừa tìm thấy 7 hành tinh có kích cỡ Trái Đất quay xung quanh 1 sao chủ giống hệ Mặt trời.

Cả 7 hành tinh trên quay xung quanh một sao lùn siêu mát (ultracool dwarf star) cách Trái Đất 40 năm ánh sáng. Các nhà khoa học xác định nơi đây có thể có nước dạng lỏng và là nơi tốt nhất bên ngoài hệ Mặt trời của chúng ta để tìm kiếm sự sống.

Trước đó, phát hiện này đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature. Các hành tinh cùng quay quanh sao chủ có tên TRAPPIST-1 có khí hậu ôn hòa, vì vậy nhiều khả năng sẽ có sự sống và có nước trên bề mặt.

CNN dẫn lời Michaël Gillon – người đứng đầu nhóm nghiên cứu ở Đại học Liège (Bỉ) nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên có nhiều hành tinh dạng này được phát hiện cùng quay xung quanh một ngôi sao”.

Các nhà khoa học dự đoán đây là những hành tinh đá thay vì là hành tinh khí như Sao Mộc. Trong đó 3 hành tinh nằm trong “vùng sống” của ‘hệ Mặt trời’ mới này được định danh là TRAPPIST-1e, TRAPPIST-1f và TRAPPIST-1g có thể có đại dương trên bề mặt.

Trong đó, hành tinh TRAPPIST-1f là ứng viên ‘sáng giá’ nhất để tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất khi nó có nhiệt độ lạnh hơn hành tinh chúng ta một chút nhưng có bầu không khí thích hợp và có lượng khí nhà kính vừa đủ.

Mô hình 'hệ Mặt trời' mới quay quanh sao chủ TRAPPIST-1 với 7 hành tinh được tin có thể có sự sống  - Ảnh: NASA

Hồi tháng 5-2016, các nhà khoa học đã công bố 3 hành tinh quay quanh TRAPPIST-1. Đến nay, họ tìm được thêm 4 hành tinh nữa.

Các nhà khoa học cho biết ‘hệ Mặt trời’ mới này có thời gian tồn tại lâu hơn hệ Mặt trời của chúng ta vì bản thân sao chủ TRAPPIST-1 vẫn còn là một ngôi sao trẻ khi Mặt trời trong hệ của chúng ta đã chết. TRAPPIST-1 có màu đỏ, có nhiệt độ bằng một nửa và khối lượng bằng 1/10 khối lượng Mặt trời.

Để đến được đây, con người phải ngồi trên phi thuyền hàng triệu năm. Trong ‘hệ Mặt trời’ của TRAPPIST-1, các hành tinh quay gần nhất với nó được tin có chế độ thủy triều với một bộ phận bề mặt của chúng luôn là đêm, mặt kia là ngày.

Cả 7 hành tinh chỉ mất từ 1,5 đến 20 ngày (tùy vào khoảng cách với sao chủ) để quay 1 vòng quỹ đạo quanh TRAPPIST-1.

7 hành tinh trong 'hệ Mặt trời' mới  với 3 hành tinh e, f và g được tin ở khoảng cách có thể có sự sống - Ảnh: NASA

Đứng trên bề mặt của một trong các hành tinh, bạn sẽ nhận được lượng ánh sáng ít hơn 200 lần lượng ánh sáng nhận được từ Mặt trời. Tuy nhiên do khoảng cách giữa các hành tinh ở “vùng sống được” với sao chủ khá gần nên vẫn có đủ độ ấm cho sự sống.

Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu sâu hơn về “hệ Mặt trời” TRAPPIST-1 để tìm kiếm sự sống ở đây.

Cảnh quan trên 1 hành tinh trong hệ TRAPPIST-1

Bình luận (2)

Chân trời mới chăng cho chúng ta chăng. Trái đất đang ô nhiễm nghiêm trọng, là cơ hội cho con cháu chúng ta xây dựng một nơi ở mới, tốt đẹp hơn!!!

Văn Bình - Thứ Năm, 23/02/2017, 13:17 Trả lời | Thích

Không ai đánh thuế ước mơ! Tiếp tục đi bác

Ngô Nguyễn - Thứ Năm, 23/02/2017, 13:18 Trả lời | Thích
Lên đầu trang