Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: Kỳ 1- Khi lao động không cần con người

Thứ Tư, 22/02/2017 05:48

|

(CAO) Cách đây hơn 12 năm (2004), thông tin người máy ASIMO của hãng Honda đến thăm và trình diễn tại Việt Nam đã khiến nhiều người háo hức.

Người máy này cao 1,2 m, nặng 52kg được Honda “quảng cáo” có thể thực hiện các thao tác phù hợp với những công việc văn phòng và gia đình thông qua thiết kế với bàn tay có khớp nối linh hoạt, giúp robot có thể cầm nắm, bắt tay. Ngoài ra, ASIMO còn có thể chỉ đường, lắc đầu, biểu lộ những cử chỉ giống con người như ngạc nhiên, vui mừng, tức giận.

Hơn 1 thập kỷ sau, khắp các trang mạng xã hội giờ đây đã đầy ắp bài viết cảnh báo trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cướp đi hàng triệu việc làm từ tay con người qua những dây chuyền tự động. “Kinh hoàng hơn”, ở những lĩnh vực thuộc phạm trù tinh thần như văn chương, chương trình máy tính trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence- AI) cũng có thể đặt bút viết ra sản phẩm, khiến nhiều người bối rối không biết đâu là “người viết”, đâu là “máy viết”.

Robot ASIMO vui đùa với các em nhỏ - Ảnh: ASIMO/ Honda

Năm 2016, dư luận quốc tế xôn xao với cuốn tiểu thuyết Ngày máy tính viết tiểu thuyết lọt vào vòng đầu giải thưởng Văn chương quốc gia Nhật Bản. Đến khi xét duyệt sâu hơn, hội đồng xét giải cho biết cuốn sách do một chương trình AI đồng tác giả, được lập trình để viết văn.

GS. Hitoshi Matsubara đến từ Future University Hakodate cho biết chương trình AI này được ông và các đồng sự lập trình giúp nó có khả năng lựa chọn giới tính nhân vật, quyết định cốt truyện, rồi cứ thế chương trình này liên tục “tuôn ra” nội dung với những dòng văn giàu cảm xúc không khác gì người viết. Nội dung hay đến nỗi tác phẩm lọt vào vòng đầu cuộc bình xét khiến cộng đồng ngỡ ngàng khi người ta biết được chính “người máy” viết ra những dòng này.

Cái nắm tay rồi thể hiện cảm xúc vui mừng, tức giận của ASIMO 12 năm sau đã được nâng lên một tầm cao mới. Đến lúc nhân loại “phát sợ” trước sự “thông minh” vượt bậc của AI.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực quan trọng nằm trong ngành khoa học máy tính, chỉ khả năng tự động hóa các hành vi thông minh (vốn trước nay chỉ có con người làm được). Lĩnh vực này chú tâm tạo ra các bộ máy hoạt động dựa trên các thuật toán, ngôn ngữ, kỹ thuật lập trình và cấu trúc dữ liệu được cài đặt để biểu diễn các hoạt động , hành vi theo yêu cầu của con người.

Cuốn tiểu thuyết "Ngày máy tính viết tiểu thuyết" cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của AI - Ảnh: minh họa của Theverge

Từ việc cầm nắm đơn giản như ASIMO, AI ngày nay còn bao trùm lên nhiều lĩnh vực từ dây chuyền sản xuất tự động các sản phẩm kỹ thuật cao trong các nhà máy, xe không cần người lái đến những hoạt động cần một “tư duy” sâu sắc như viết văn, viết báo hay thậm chí là …đánh cờ.

Năm 2016, dư luận quốc tế từng chấn động khi phần mềm AlphaGo đánh bại kỳ thủ cờ vây huyền thoại thế giới của Hàn Quốc Lee Se-dol.

AlphaGo thực chất là một phần mềm được công ty con của Google lập trình và cài đặt trên hệ thống phần cứng có cầu hình khủng gồm bộ vi xử lý 48 nhân, liên kết với 1200 máy tính có khả năng hoạt động đa nhiệm với khả năng thực hiện hàng ngàn tỷ phép tính/ giây.

Hệ thống phần mềm này được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu gồm 30 triệu ván cờ giúp nó có khả năng “tích lũy kinh nghiệm” sau những trận đấu. Phần mềm được xây dựng từ vố số thế cờ và những chiến thuật đánh cờ vây từ con người.Việc Lee Se-dol thua trước cỗ máy AI cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực này.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 bắt đầu lan đến những quốc gia như Việt Nam, nơi nhân công làm việc có thể bị thay thế bằng tiến bộ vượt bậc của trí tuệ nhân tạo.

Trận đánh của Lee Se-dol (phải) và phần mềm AlphaGo

Từ những chiếc xe không người lái

Hồi tháng 5-2016, chiếc ô tô Model S của hãng Tesla gây tai nạn tại Mỹ, được hãng này sau đó thừa nhận do cảm biến điều khiển xe “hiểu lầm” màu trắng của thân xe tải với “màu trắng sáng” của ánh nắng mặt trời khiến chiếc xe không phân biệt được xe tải để tránh.

Va chạm chết người xảy ra cho thấy hạn chế trong việc dựa vào phầm mềm lái xe mà không cần tới con người.

Những chiếc xe không người lái đang trở thành mục tiêu của các hãng sản xuất ô tô trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Mới đây vào tháng 8-2016 hai hãng Volvo và Uber đã công bố dự án trị giá 300 triệu USD về tham vọng phát triển ô tô tự lái “nối gót” các đại gia công nghệ như Apple hay Google.

Những phần mềm được lập trình để lái xe nhân tạo, giúp xe bạn nhận biết và tránh được các chướng ngại vật trên đường, dừng đèn giao thông kịp lúc, bật hệ thống cảnh báo khi gặp nguy hiểm đang được nâng cấp để tiến tới tham vọng chiếc xe sẽ tự động vận hành không cần con người phải nắm chặt vô – lăng.

Mẫu xe Model S của Tesla cài chế độ tự hành "Summon" cho phép người dùng lựa chọn địa điểm đến trong khu vực dân cư, . Chiếc xe sẽ thay người dùng tự lái ở những đoạn nằm trên đường cao tốc - Ảnh: Tesla

Đến 60.000 công nhân mất việc vì robot

Sự lấn át của AI khiến bộ phận chịu tác động nhiều nhất chính là các nhân công ở đủ loại ngành nghề từ chế tạo, dệt may đến các dây chuyền đòi hỏi kỹ thuật cao.

Mới đây vào tháng 5-2016, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) – nhà sản xuất linh kiện cho các sản phẩm của Samsung và Apple đã quyết định cho nghỉ việc 60.000 công nhân để thay thế vị trí của họ bằng những con robot.

Foxconn tuyên bố đang trong quá trình “tự động hóa” dây chuyền sản xuất, và việc thay thế 60.000 nhân công ở nhà máy Foxconn tại thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) nằm trong quá trình tự động hóa này. Việc cắt giảm này khiến nhân công ở nhà máy chỉ còn lại 50.000 người.

Thông cáo của Foxconn nhấn mạnh: “Công ty chúng tôi đang áp dụng công nghệ robot và các công nghệ sản xuất sáng tạo khác để thực hiện những thao tác lặp đi lặp lại trước đây do công nhân thực hiện. Qua chương trình đào tạo, công nhân của chúng tôi có thể tập trung vào những nhiệm vụ cao cấp hơn trong quy trình sản xuất như nghiên cứu và phát triển, kiểm soát quy trình và quản lý chất lượng”.

Foxconn nay thay thế hàng chục ngàn nhân công bằng robot - Ảnh: Getty Images

Không chỉ Foxconn mà nhiều nhà máy khác, đặc biệt là ở khu Đông Quản, tỉnh Quảng Đông thống kê từ tháng 9-2014 đến 5-2016 đã đầu tư 640 triệu USD để thay thế hàng ngàn công nhân bằng robot.

Ở nhiều ngành khác như dệt may trên toàn cầu cũng chứng kiến sự biến chuyển sâu sắc: hàng ngàn công nhân được thay thế bằng quy trình sản xuất tự động, với chỉ vài chục người quản lý một khâu sản xuất hàng hóa.

Giải thích cho việc ưa chuộng sử dụng robot trong các quy trình sản xuất ngày nay, CEO chuỗi thức ăn nhanh Carl’s Jr chia sẻ: “Không như con người, robot luôn đúng giờ, lịch thiệp, không bao giờ xin nghỉ phép, không bao giờ đi làm trễ, không bao giờ lỡ tay làm đổ vỡ (đồ vật) và không bao giờ phân biệt chủng tộc”.

Vấn đề lương và hiệu suất làm việc cũng được đề cập. Ed Rensi – cựu CEO chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s nhấn mạnh nếu giá thuê nhân công lên đến 15 USD/ giờ, nhiều công ty sẽ chuyển sang mô hình sản xuất bằng dây chuyền robot. Ông so sánh: “Mua một cánh tay robot trị giá 35.000 USD còn rẻ hơn thuê một nhân viên thiếu năng lực với mức thuê 15 USD/giờ cho việc đóng gói khoai tây chiên”.

Giờ đây nhiều ngành nghề đang chứng kiến sự “xâm thực” của trí tuệ nhân tạo để giải quyết những công việc mà trước nay chỉ có con người đảm nhận. Những báo cáo về viễn cảnh mất việc đang làm dấy lên nên bầu không khí bi quan trên toàn cầu. Chúng ta sẽ làm gì khi bị trí tuệ nhân tạo tranh hết việc?

(còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang