(CAO) Bất chấp hàng loạt giả thuyết được đưa ra để lý giải cho bí ẩn về những vụ mất tích tại tam giác quỷ Bermuda suốt nhiều thế kỷ, nguyên nhân đến nay vẫn còn là ẩn số. Tàu, máy bay khi qua khu vực này vẫn cần phải cẩn trọng. Mỗi khi có sự cố xảy ra, chủ đề Bermuda lại hâm nóng các trang báo.
(CAO) Từ nhiễu động từ trường, nổ khí methane dưới lòng biển cho đến các loại hình thời tiết cực đoan đều đã được các nhà khoa học đưa vào “tầm ngắm” để giải thích cho hiện tượng mất tích bí ẩn của máy bay, tàu thủy khi đi qua vùng biển “tam giác quỷ”.
Hồi tháng 5-2015, dư luận lại hồi hộp khi hay tin tàu du lịch Norwegian Dawn của Na Uy chở theo 3.700 người đã mắc cạn khi đi qua King's Wharf, khu vực biển nằm trong vùng biển tam giác quỷ.
ABC News dẫn tin từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho biết con tàu mắc cạn vào chiều 19-5 (giờ địa phương) khi hệ thống cấp điện bỗng dưng dừng hoạt động khiến động cơ đẩy của tàu bị ảnh hưởng. Sự cố khiến hành khách lẫn thủy thủ đoàn được phen “thót tim” khi họ nhận ra vị trí tàu mắc cạn thuộc vùng tam giác quỷ.
Dù sau đó hệ thống cấp điện trên tàu đã tái hoạt động, không ai bị thương sau vụ việc nhưng sự cố này đã nhanh chóng lan nhanh trên mặt báo toàn cầu. Vụ việc cho thấy chủ đề Bermuda không bao giờ hết “hot”.
Bác huyền thoại về Bermuda
Một trong những người đi đầu trong việc phản bác những huyền thoại về vùng biển Bermuda là Lawrence David Kusche tại Đại học bang Arizona, Mỹ. Năm 1975, trong tác phẩm Giải mã bí ẩn tam giác Bermuda, ông đã lần lượt đưa ra các quan điểm bác lại những điều huyền hoặc quanh nơi đây.
Cách khảo sát của Kusche là quan sát tình hình thời tiết trên các báo vào những ngày các vụ tai nạn xảy ra rồi kết luận rằng thật ra huyền thoại này chỉ là sự hiểu lầm trong quá trình giải thích các hiện tượng.
Theo ông, tỷ lệ các vụ mất tích tại vùng biển tam giác quỷ không hề lớn hơn tỷ lệ mất tích của các phương tiện tại bất cứ vùng biển nào trên thế giới.
Trong các giả thuyết đặt ra về nguyên nhân mất tích tại vùng biển này, không hề tính đến các cơn bão xảy ra trong ngày tai nạn. Theo ông, Bermuda là vùng biển thường xuyên xảy ra các cơn bão nhiệt đới nên khả năng xảy ra các vụ tai nạn không có gì khó hiểu.
Tàu Norwegian Dawn mắc cạn ở khu vực thuộc vùng biển Bermuda ngày 19-5-2015 khiến truyền thông “dậy sóng” - Ảnh: ABC News
Ngoài ra theo Kusche, để “huyền thoại” hóa bí ẩn tại Bermuda, truyền thông đã đưa tin dựa trên những con số thống kê lỏng lẻo. Một con tàu dù gặp sự cố ở vùng biển Bermuda nhưng khi ra được khỏi khu vực này, cập cảng an toàn thì không thấy số liệu thống kê được chỉnh sửa lại làm dư luận cho rằng tỷ lệ mất tích nơi đây có vẻ cao hơn những vùng biển khác.
Thậm chí, ông còn ghi nhận một số vụ “mất tích” đã bị phóng đại. Như vụ một máy bay được cho là rơi trước mặt hàng trăm người tại vịnh Daytona, bang Florida (Mỹ) vào năm 1937. Tuy nhiên khi dò lại thông tin trên các báo thì hoàn toàn lại không thấy thông tin này. Liệu huyền thoại về Bermuda có đơn giản chỉ là sự việc bị phóng đại lên?
Mật độ giao thông và thời tiết
Đồng quan điểm với David Kusche là cựu binh thuộc hải quân Mỹ Howard L. Rosenberg. Lấy ví dụ về chiếc máy bay tìm kiếm PBM-Mariner chở theo 13 người sau đó cũng “một đi không trở về” khi được cử đi tìm kiếm 5 chiếc máy bay ném bom TBM Avenger của Hải quân Mỹ trong chương trình bay huấn luyện có tên Flight 19, đã đồng loạt biến mất không dấu vết cùng phi hành đoàn vào ngày 5-12-1945 trên vùng biển Bermuda, Rosenberg cho rằng vụ mất tích này cũng bị phóng đại.
Viết trên website chính thức của Hải quân Mỹ, Rosenber cho rằng chiếc PBM-Mariner thường được mệnh danh là “bình xăng bay”. Có khả năng nó đã gặp sự cố hỏa hoạn gây ra vụ mất tích. Cần biết, trong 2 chiếc PBM-Mariner được phái đi tìm kiếm trên cùng khu vực biển, 1 chiếc vẫn trở về bình thường.
Rosenberg đồng tình với quan điểm của Kusche rằng tỷ lệ các vụ mất tích tại vùng biển tam giác quỷ không hề lớn hơn tỷ lệ mất tích của các phương tiện tại bất cứ vùng biển nào trên thế giới. Cựu binh này nhấn mạnh: “ Khu vực tam giác Bermuda là một trong những nơi có mật độ giao thông cao nhất thế giới. Khi số lượng tàu và máy bay di chuyển qua đây càng lớn, khả năng xảy ra tai nạn với các loại phương tiện này sẽ càng cao”.
Những người mất tích trên 5 chiếc máy bay ném bom TBM Avenger của Hải quân Mỹ khi bay ngang Bermuda ngày 5-12-1945- Ảnh: Naval Air Station Fort Lauderdale Museum.
Trong khi đó, Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) lại quy nguyên nhân về yếu tố thời tiết là các cơn bão nhiệt đới như Kusche từng nhận định cách đây vài thập kỷ. Theo NOAA, các hiện tượng bão xoáy và bão nhiệt đới thường xuyên xảy ra ở vùng biển Bermuda. Khi thời tiết thay đổi đột ngột tạo ra vùng nhiễu động dễ khiến tàu, máy bay gặp nguy hiểm khi đi ngang qua.
Theo đó, tại khu vực Bermuda nói riêng và vùng biển Caribe nói chung có nhiều đảo nhỏ liền kề nhau tạo ra những vùng nước cạn gây nguy hiểm cho tàu qua lại. Khi các tàu bị tai nạn, dòng hải lưu Gulf Stream chảy ngang qua đủ mạnh để cuốn xác tàu vỡ, xóa sổ dấu vết của mọi phương tiện.
Vùng tam giác quỷ cũng là nơi có nhiều cá mập, chúng sẽ rỉa xác của các nạn nhân. Kết hợp với dòng hải lưu Gulf Stream sẽ khiến mọi vụ mất tích trở thành “bí ẩn”. NOAA cảnh báo: “Khu vực tam giác quỷ rất nguy hiểm khi thời tiết xấu hoặc chuyển xấu”. Tuy nhiên kết luận của NOAA về các vùng nước cạn lại không lý giải được vì sao máy bay tuốt trên trời cũng gặp tai nạn. Vì thế họ chỉ đưa ra nhận định: hoặc thời tiết xấu, hoặc do vùng nước cạn quanh các đảo là nguyên nhân. Kết luận đó cũng chưa thật sự thuyết phục.
Từ giả thuyết tâm linh đến các loại hình thời tiết, hiện tượng vật lý bất thường như nhiễu động từ trường từ hàng thế kỷ qua đều đã được đưa ra nhưng không vì thế mà làm giảm đi sức hút, sự tò mò của nhân loại về Bermuda. Vùng biển này vẫn còn là ẩn số về nguyên nhân xảy ra các tai nạn, cần những lý giải xác đáng hơn trong tương lai.