(CAO) Các nhà nghiên cứu ghi nhận nhiều đặc điểm thú vị của sinh vật kỳ lạ vừa phát hiện ở Úc, và đặt tên là Redlichia rex, chữ "rex" lấy từ T-rex - tức khủng long bạo chúa.
Đây là công trình đứng đầu bởi Diego García-Bellido, một nhà nghiên cứu tại Đại học Adelaide và Bảo tàng Nam Úc, vừa được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Systematic Palaeontology.
Một hóa thạch gần như còn nguyên vẹn vừa được tìm thấy trong một phiến đá ở Emu Bay, thuộc đảo Kangaroo (Úc), nơi nổi tiếng thế giới có nhiều sinh vật tiền sử.
Đây là một loài hoàn toàn mới trong lớp trilobite (bọ ba thùy). Loài bọ này có kích thước đáng sợ, khi dài đến 30cm. Nó to gấp đôi loài trilobite lớn nhất từng được phát hiện trước đây và quá “khủng” so với tất cả các loài bọ còn tồn tại trên thế giới ngày nay.
"
Quái vật" Redlichia rex trong hình ảnh phục dựng (ảnh: Katrina Kenny)
Hóa thạch sinh vật biển (ảnh phục dựng)
Do có nhiều đặc điểm khác lạ, nên các nhà khoa học đã quyết định đặt tên là Redlichia rex, với chữ "rex" lấy trong tên của khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex, thường gọi tắt là T-rex). Con bọ "bạo chúa" này sống ở đáy biển, có chân và gai rất đáng sợ để nghiền nát và xé nhỏ thức ăn. Bữa ăn của nó có thể rất đa dạng, bao gồm những đồng loại trilobite nhỏ bé hơn.
Hóa thạch này còn rất quý ở chỗ các phiến đá đã bảo quản được cả các phần mềm của con vật, bao gồm râu và chân, điều cực kỳ hiếm trong thế giới cổ sinh vật học.
Quái vật này cùng đồng loại của nó - những loài bọ ba thùy khác, xuất hiện trên trái đất vào đầu kỷ Cambri (khoảng 540 triệu năm trước) và đã tuyệt chủng khoảng 252 triệu năm trước, tức cuối kỷ Permi.