(CAO) Hôm 8-1, CNN dẫn thông tin từ một nghiên cứu mới dự báo Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng suy giảm dân số “không thể dừng lại” vào những thập kỷ tới. Họ sẽ phải vật lộn với tình trạng ngày càng ít có người ở đủ tuổi lao động trong khi gia tăng tình trạng bất cập của một xã hội ngày càng già hoá.
Báo cáo được nhà nước tài trợ, được công bố chỉ 3 năm sau khi giới chức Trung Quốc chính thức cho chấm dứt chính sách “Một con” gây tranh cãi, dự báo đến năm 2029, dân số nước này sẽ đạt 1,44 tỷ người.
Nghiên cứu do Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tiến hành cho thấy tỷ suất sinh thấp sẽ đẩy dân số về ngưỡng thập niên 1990, khoảng 1,172 tỷ người so với dân số được World Bank báo cáo vào khoảng 1,386 tỷ người ở Trung Quốc vào năm 2017.
“Dân số trong độ tuổi lao động đang ngừng gia tăng, trong khi những độ tuổi phụ thuộc vào sức lao động của họ, đặc biệt là người già và trẻ em đang có chiều hướng ngược lại” – Báo cáo cho biết.
Xã hội Trung Quốc đang trên đà già hoá - Ảnh: Getty
Báo cáo ghi nhận: “Về lý thuyết, việc suy giảm dân số trong thời gian dài, đặc biệt là việc gia tăng dân số già sẽ đem đến những hệ quả tiêu cực cho xã hội và kinh tế”.
Các chuyên gia cảnh báo, việc dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm sẽ làm giảm sức tiêu thụ nội địa. Vì là một thị trường khổng lồ hơn 1 tỷ dân, việc này cũng sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Dù đã bỏ chính sách “Một con”, nhưng tỷ lệ sinh vẫn không tăng lên như kỳ vọng của chính quyền. Năm 2017, tỷ lệ này là 1,6 trẻ em trên 1 phụ nữ, dưới mức 2,1 cần thiết để giữ dân số ổn định chứ không bùng nổ.
Hành khách Trung Quốc chen chúc trong kỳ Xuân vận về quê ăn Tết năm 2018 - Ảnh: Getty
Tuy nhiên cuộc sống công nghiệp ngày càng lan toả, nhất là ở các đô thị lớn của Trung Quốc tạo ra nỗi sợ sinh con do gánh nặng kinh tế.