(CAO) Con người trên khắp thế giới sống ngày càng lâu hơn, nhưng nhiều người cũng sống trong tình trạng đau yếu hơn với thời gian mắc bệnh kéo dài.
Theo bài phân tích đăng trên tạp chí Lancet hôm 27-8, sức khoẻ nói chung đã cải thiện trên khắp thế giới, nhờ những tiến bộ đáng kể trong điều trị các bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS và sốt rét trong thập kỷ qua và những thành tựu trong cuộc chiến chống lại bệnh tật cho bà mẹ và trẻ nhỏ.
Nhưng tuổi thọ khoẻ mạnh trung bình không tăng nhiều, vì con người đang sống thêm nhiều năm trong cảnh bệnh tật. Theo Vos- giáo sư tại Viện Đánh giá và Y học của Đại học Washington và là người dẫn đầu phân tích này, cho biết: “Có tiến bộ lớn trong sức khoẻ, nhưng thách thức hiện nay là đầu tư vào phát hiện thêm những cách hiệu quả nhằm ngăn chặn hoặc điều trị các nguyên nhân chính gây bệnh.”
Ảnh minh họa
Nghiên cứu này được tiến hành về tất cả các bệnh tật và thương tích chính ở 188 quốc gia.
Những phát hiện chính của nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình toàn cầu cho cả hai giới tăng 6,2% từ 65,3 tuổi năm 1990 tới 71,5 năm 2013. Tuổi thọ khoẻ mạnh tăng 5,4% từ 56,9% năm 1990 lên 62,3% năm 2013.
Theo các nhà nghiên cứu thì phần lớn trong 188 quốc gia được nghiên cứu cho thấy những thay đổi về tuổi thọ khoẻ mạnh giai đoạn 1990-2013 là “đáng kể và lạc quan.” Nhưng ở nhiều nơi – như Belize, Botswana và Syria - tuổi thọ khoẻ mạnh năm 2013 không cao hơn năm 1990 là bao nhiêu.
Ở một số nơi, gồm cả Nam Phi, Paraguay và Belarus, tuổi thọ khoẻ mạnh lại giảm. Ở Lesotho và Swaziland, những trẻ sinh năm 2013 thậm chí có khả năng có thời gian sống trong đau yếu lâu hơn 10 năm so với những người sinh trước chúng 20 năm.
Phương Kha (theo Reuters)