Hội nghị thượng đỉnh G7 lần tới 2016 sẽ được tổ chức ở Shima, Nhật Bản.
Các thành viên G7 đã đồng ý kết luận hai vấn đề chính, đó là hạn chế sự làm nóng bầu khí quyển do khí thải CO gây ra và thiết lập một ngân quỹ "bảo vệ khí hậu" để tài trợ cho những nước nghèo, chậm tiến.
Tấm ảnh đúc kết hội nghị thượng đỉnh G7 Summit 2015 đã được lan truyền trên mạng, nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đang diễn thuyết trước tổng thống Mỹ Obama trong một khung cảnh đẹp như tranh vẽ của vùng rừng núi Bayern, tại lâu đài Elmau.
Mục đích của họ là giảm khí thải xuống 0 trong thế kỷ này. Thủ tướng Merkel tuyên bố: "Chúng tôi biết rằng, chúng ta cần phải giảm thiểu khí thải trong thế kỷ này." Điều này có nghĩa là giảm thiểu và loại bỏ hẳn khí thải trong sự sử dụng các nguồn năng lượng thiên nhiên từ than đốt, dầu hỏa và khí đốt.
Các quốc gia có nền kỹ thuật, khoa học công nghệ phát triển nhưng thiếu nguồn năng lượng từ khoáng sản thiên nhiên sẽ có lợi trong việc thay đổi thị trường.
Hiện tại, những nước khai thác than như Trung quốc, Na Uy, Đức, Pháp...phải dần dần thay đổi thị trường năng lượng. Nhật Bản còn chịu ảnh hưởng của tai nạn kinh hoàng Fukushima, nhà máy năng lượng hạt nhân, nên do dự, không "mặn nồng“"lắm với việc chuyển đổi hòan toàn sang năng lượng hạt nhân, dù bị sức ép của các thành viên G7 khác.
Nói một cách khác đi, người dân phải tưởng tượng ra rằng, nguồn nguyên liệu tương lai sẽ đặt trọng tâm vào năng lượng hạt nhân, sức gió, hay năng lượng mặt trời, hay thủy điện. Vấn đề sưởi ấm nhà ở, điện nhà, năng lượng cho các loại xe cộ di chuyển...cho sự sinh hoạt của mọi người dân sẽ bị chuyển đổi dần dần một cách bắt buộc, kéo theo sự thay đổi của nhiều thị trường hàng hóa tiêu dùng và mức giá sinh hoạt trong các xã hội.
Hiện nay đa số nhà cửa ở châu Âu được sưởi ấm bằng dầu, khí ga, than củi và điện, mà trong các loại nhiệt liệu đó thì tốn kém cao nhất là dùng điện để sưởi. Chi phí suởi ấm là một gói tốn kém nhất, sau tiền thuê nhà, của mọi gia đình, vì mùa đông và thời tiết lạnh dài, chỉ có ba tháng hè sáu, bẩy, tám là không cần sưởi ấm. Cho nên dân chúng rất quan tâm đến vấn đề thay đổi thị trường năng lượng dành cho tiêu dùng đời sống.
Tại châu Âu, thị trường xe hơi đang dùng mọi biện pháp như giá bán, thuế xe, cấm lưu thông, xếp hạng „ô nhiễm“ của tất cả các loại xe di chuyển, tuyên chiến với dầu "diesel"...để thúc đẩy người dân bán những xe cũ chạy bằng xăng hay dầu diesel, để mua những chiếc xe mới chạy bằng điện. Tuy rằng, những loại xe chạy bằng điện chưa thuyết phục được quyết định của dân chúng vì loại xe này có hai thiết bị, một chạy điện, một chạy xăng, để khi hết điện thì máy đổi qua chạy xăng, nên thường xuyên phải nạp điện và đổ xăng.
Thêm vào đó, tại Pháp các máy móc công cụ sử dụng trong nông nghiệp đều chạy bằng dầu diesel, hay xăng.
Các thành viên G7 hứa hẹn mỗi năm, kể từ năm 2020 sẽ tài trợ mỗi năm 100 tỷ đô la Mỹ cho những nước nghèo, thông qua các hãng đầu tư về năng lượng.
Một biện pháp khác là cải tổ lại việc tài trợ vay nợ xuất khẩu, sử dụng trong phạm vi năng lượng, thí dụ như việc xuất khẩu kỹ nghệ chế tạo năng lượng than, sẽ làm thay đổi trọng tâm đầu tư của thị trường năng lượng.
Một biện pháp khác, cũng là đòn bẩy gián tiếp, đó là việc bảo hiểm chống lại các thiên tai của các nước nghèo, như hạn hán, mất mùa thực phẩm, dịch bệnh chăn nuôi gia súc...
Điều cần nên biết là những tuyên bố đúc kết của G7 không phải là những luật lệ, biện pháp sẽ được ban hành và thực hiện, mà đó chỉ là những đường hướng chính trị kinh tế, để gây ảnh hưởng và áp lực lên những hội nghị khác, những quyết định khác. Mục đích sẽ đạt được một quyết định "Mục tiêu 2 độ" tại Hội nghị Biển đổi khí hậu thế giới tại Paris vào cuối năm nay 2015 xem như là một sự kiện "có thể" chắc chắn.
Một không khí chính trị khác cũng được các nhà quan sát nêu rõ là các nhà lãnh đạo các nước G7 muốn biểu dương một lực lượng đoàn kết, liên minh chống lại Liên bang Nga, và họ sẵn sàng sử dụng những biện pháp trừng phạt thêm để cô lập Liên bang Nga.
Tổng thống Mỹ Obama không ngần ngại nói rõ ràng là sự kiện không mời tổng thống Nga Putin tham dự là một biện pháp trừng phạt để cô lập Nga. Tổng thống Obama, hơi nặng lời trong cách dùng chữ khi phát biểu, đòi hỏi Nga phải tôn trọng hiệp ước Minsk về vấn đề Ukraina, đe dọa gián tiếp "Hy vọng của chúng tôi là, chúng tôi không phải tăng cường thêm một biện pháp nào khác, vì Nga tôn trọng hiệp ước Minsk.", đồng thời khen ngợi nữ thủ tướng Angela Merkel và tổng thống Pháp François Hollande đã có nhiều "kiên nhẫn" và sức "bền bỉ" trong công việc thương thuyết với Nga.
Họ cho rằng, những biện pháp cô lập Nga đã có tác dụng lên nền kinh tế của Nga, làm giảm giá tiền tệ của Nga, và giảm nhập cảng kỹ thuật năng lượng từ Nga, Nga đang trên đà tụt dốc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Trong khi vấn đề nợ công của Hy Lạp cũng được mổ xẻ tại G7 thì bộ trưởng bộ kinh tế Hy Lạp sang làm việc tại Berlin, Đức, cũng trong chủ đề cứu vãn Hy Lạp. Khác hẳn với sự kiện nước Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để trả lời câu hỏi "Rút hay không rút" ra khỏi khối Liên minh châu Âu , thì chính phủ Hy Lạp luôn tìm cách thương lượng để cứu vãn tình hình không trả được nợ.
Hòa hoãn, vui vẻ nhưng cương quyết, bộ trưởng bộ kinh tế Hy Lạp Varoufakis cho rằng, không thể dùng biện pháp „vắt ép“ dân chúng bằng hệ thống thâu thuế và cắt giảm trong quỹ lương hưu một cách triệt để để trả nợ quốc gia. Ông đồng ý với ba phương án giải quyết trên ba bình diện: thuế vụ, hưu trí và lao động, nhưng theo ông phải là những biện pháp dài hạn, không đưa đến cắt giảm thêm cho dân chúng, vì hiện tại đã có khoảng 500.000 người không được trả lương từ nửa năm nay, và các điều kiện lao động đã bị giảm thiểu xuống tầm mức "nô lệ".
Varoufakis đề nghị các chủ nợ nên có các biện pháp giảm nợ, dãn thời gian trả nợ, giảm tiền lời lãi...trong một thời gian dài để Hy Lạp có thể trả được nợ, mà không gây thêm bất ổn trong xã hội Hy Lạp. Ông Varoufakis khẳng định rằng, tương lai của Hy Lạp nằm trong châu Âu