(CATP) Thiên tai đang ngày càng khắc nghiệt hơn đã làm tăng nguy cơ lẫn tần suất của thời tiết cực đoan (bão lũ, hạn hán, sa mạc hóa…) gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống con người và môi trường tự nhiên, đồng thời xảy ra những hiện tượng đáng lo ngại: sa mạc khô cằn bỗng biến thành… đầm nước, ngọn núi cao nhất mất trắng tuyết do mưa, băng tan, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước ngọt… Tất cả đều ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cùng các tài nguyên quý hiếm khác đồng thời dẫn đến nỗi lo về "điểm tới hạn" của biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia về khí hậu, tình trạng này là do thời tiết ấm đã ảnh hưởng đến một số vùng có tuyết trên toàn cầu và giữa lúc chính quyền TP. Sapporo trên đảo Hokkaido, Nhật Bản - nơi thường xuyên lạnh giá - tổ chức thảo luận về việc thu hẹp quy mô lễ hội tuyết của mình do thiếu... tuyết, thì núi Phú Sĩ (Fuji-san) cũng chưa thấy tuyết, đây cũng là cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu tại xứ sở mặt trời mọc.
Cảm giác leo núi không còn như trước
Là điểm tham quan nổi tiếng, nhất là vào mùa thu, của Nhật Bản, nhưng trong vòng 130 năm, lần đầu tiên ngọn núi 3.776m, cao nhất của nước Nhật, nằm giữa 2 tỉnh Yamanashi - Shizuoka, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận này xảy ra tình trạng nơi những sườn núi tuyết phủ gần như quanh năm, nhất là khoảng vào tuần đầu tiên của tháng 10; nhưng năm nay đến đầu tháng 11 vẫn chưa thấy tuyết, dẫn đến kỷ lục thời điểm tuyết rơi muộn nhất của núi Phú Sĩ từ khi dữ liệu bắt đầu ghi nhận vào năm 1894.
Những năm gần đây, tình trạng du lịch quá tải đã gây ra nhiều vấn đề về rác thải, quá tải hạ tầng và an toàn. Trước tình hình này, cơ quan chức năng Nhật Bản đã áp dụng thuế du lịch và các quy định mới nhằm quản lý lượng khách. Giờ khách đến đây phải trả 2.000 yên (khoảng 12,4 USD) mỗi người, với giới hạn tối đa 4.000 du khách/ngày.
Theo các chuyên gia về khí hậu thuộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, mùa hè nóng kỷ lục và thời tiết bất thường đã khiến nhiệt độ ấm áp kéo dài, ngăn tuyết rơi trên đỉnh Phú Sĩ. Nhiệt độ tăng cao không chỉ do hiện tượng El Nino mà còn liên quan đến khí thải từ nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng khí hậu. Nhưng điều đáng lo nhất không phải là tuyết không rơi sẽ làm giảm lượng du khách, khi số chinh phục núi Phú Sĩ lên đến hàng triệu người mỗi năm, du khách có thể tham quan một số điểm xung quanh chân núi, gồm cả Phú Sĩ ngũ hồ (Yamanakako, Kawaguchiko, Saiko, Shojiko, Motosuko), mà do điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến hệ sinh thái địa phương, hệ thực vật và động vật vốn thích nghi với nhiệt độ lạnh. Trong khi tuyết tan còn góp phần cung cấp nguồn nước ngọt cho khu vực xung quanh, vì thế quá trình tích tụ tuyết chậm có thể dẫn đến thiếu nước trong các mùa tiếp theo.
Núi Phú Sĩ lần đầu tiên không có tuyết rơi ngay cả khi đã bước sang tháng 11 (tính từ khi dữ liệu được ghi nhận)
Du khách "sốc" khi núi Phú Sĩ không có tuyết
Trước kia, từ xa du khách đã có thể thấy những đường zic zac (bằng gỗ) giúp họ chinh phục đỉnh núi dễ dàng hơn. Thông thường từ khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hàng năm lối đi này sẽ ẩn dưới lớp tuyết dày trên đỉnh núi, còn năm nay đến thời điểm này đường zic zac đã hiện rõ, gây lo ngại về tác động của khủng hoảng khí hậu đối với một trong những danh thắng được yêu thích nhất của đất nước mặt trời mọc.
Một số du khách nước ngoài đã nói với phóng viên rằng "thật sốc khi chứng kiến vào thời điểm này trong năm, núi Phú Sĩ lại không có tuyết!". Theo Tổ chức Climate Central, năm nay nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 cao hơn 1,76 độ C so với mức bình thường và vẫn kéo dài đến mùa thu, với hơn 70 thành phố ghi nhận mức nhiệt 30 độ C hoặc cao hơn trong tuần đầu tháng 10 và núi Phú Sĩ cũng nằm trong số này, dẫn đến chưa thấy tuyết.
Tại núi Phú Sĩ, mùa thu thường bắt đầu vào tháng 9 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, nhiệt độ thường dễ chịu, gió mát, ít mưa, tuyết phủ, đặc biệt là thời điểm này, cây cỏ dưới chân núi bắt đầu chuyển sang hai màu vàng - đỏ ấn tượng, thu hút du khách từ khắp nơi đến Nhật Bản để có thể tận mắt ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ, hữu tình này. Ngoài ra dưới chân núi còn có nhiều đền chùa, qua đó du khách có thể tìm hiểu thêm về văn hóa, tâm linh của người Nhật.
Hiệp hội thời tiết Nhật Bản dự báo, khả năng sẽ có trận mưa ngắn gần núi Phú Sĩ vào ngày 06/11/2024, do không khí lạnh tràn về nên có khả năng sẽ thấy tuyết rơi cục bộ trên đỉnh núi cùng ngày".
(Còn tiếp...)
NGUYỄN XUÂN (theo The Paper, Toutiao)