(CAO) Quần đảo Thái Bình Dương nằm rải rác trên một vùng biển rộng lớn, với một số vùng nước trong nhất thế giới cùng những bãi biển và rừng nhiệt đới nguyên sơ. Chúng là điểm thu hút du lịch, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia.
Nhưng ngành du lịch của khu vực này và những người phụ thuộc vào ngành này ngày càng lo sợ về tác động của biến đổi khí hậu đang tiếp diễn.
BBC dẫn lời Christopher Cocker - Giám đốc điều hành của Tổ chức du lịch Thái Bình Dương nhận định: “Các nhà lãnh đạo quần đảo Thái Bình Dương đã tuyên bố biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với sinh kế, an ninh và phúc lợi của các cộng đồng Thái Bình Dương. Nếu không có hành động ngay lập tức và có tính sáng tạo, tương lai của ngành du lịch trong khu vực sẽ rất bấp bênh".
Ông nhấn mạnh: "Tất cả các đảo ở Thái Bình Dương đều dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các quốc gia nằm trên các đảo san hô có độ cao thấp như Tuvalu, Kiribati, Marshall và Micronesia dễ bị tác động hơn. Những hòn đảo này không chỉ dễ bị ngập lụt do mực nước biển dâng cao, đặc biệt là trong thời kỳ thủy triều lên cao, mà việc tiếp cận nguồn nước uống sạch và an toàn cũng là một thách thức, với tình trạng hạn hán kéo dài và lượng mưa không thể đoán trước”.
Sau đó là mối đe dọa của những cơn bão nhiệt đới thất thường và có khả năng tàn phá. Cục Khí tượng Úc cho hay, các mô hình khí hậu của Thái Bình Dương đã gợi ý rằng “trong tương lai sẽ ít bão hơn nhưng cường độ của chúng sẽ dữ dội hơn”.
Những quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu
Người dân địa phương ở Tonga nói, hiện họ đang chứng kiến những cơn bão mạnh hơn tấn công thường xuyên hơn.
Nomuka là một hòn đảo nhỏ hình tam giác ở quần đảo Ha'apai của Tonga, cách Sydney, Úc khoảng 3.500 km về phía tây bắc. Được bao quanh bởi đại dương, dân số khoảng 400 người của hòn đảo này phụ thuộc vào sự thất thường và giận dữ của thiên nhiên.
“Chúng tôi sống chung với bão gần như hàng năm. Tôi lớn lên ở đó, và thường có một hoặc hai cơn bão đổ bộ trực tiếp” - Sione Taufa - Phó khoa Thái Bình Dương tại Trường Kinh doanh Đại học Auckland và là thành viên của hội đồng kinh doanh New Zealand-Tonga chia sẻ.
Mối nguy hiểm mà các quốc đảo Thái Bình Dương phải đối mặt đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh gần đây. Tháng trước, ông đã tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn đảo Thái Bình Dương tại Tonga và kêu gọi các quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
“Các đảo nhỏ Thái Bình Dương không góp phần gây ra biến đổi khí hậu nhưng mọi thứ xảy ra do biến đổi khí hậu đều được nhân lên ở đây” - ông nói.
Marica Vakacola đến từ Hội Môi trường Mamanuca, một tổ chức cộng đồng có trụ sở tại Nadi, gần sân bay quốc tế chính của Fiji cho biết Viti Levu, hòn đảo lớn nhất Fiji đã phải gánh chịu hậu quả của tình trạng nhiệt độ ấm lên.
Những bãi cát trắng ở những nơi này sẽ sớm mất đi vì biến đổi khí hậu
Nước giếng khoan đang bị ô nhiễm do độ mặn từ biển xâm lấn và người dân ngày càng phải thu thập nước mưa trong mùa mưa.
"An ninh nguồn nước là một rủi ro lớn về mặt biến đổi khí hậu. Hầu hết các nguồn nước ngọt từng đủ tốt để sử dụng hiện đang bị nước mặn xâm nhập. Các bãi biển đang bị xói mòn do mực nước biển dâng cao và chúng ta đã chứng kiến các sự kiện san hô bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển thay đổi" - bà Vakacola giải thích.
Susanne Becken - Giáo sư về du lịch bền vững tại Đại học Griffith ở Úc, dự đoán khả năng xảy ra xung đột về nguồn cung cấp nước khan hiếm trên khắp các đảo Thái Bình Dương.
"Nước uống đang ngày càng trở thành vấn đề ở một số nơi. Có thể xảy ra xung đột với cộng đồng vì khách du lịch thực sự sử dụng nguồn nước mà người dân địa phương cần " - bà nói.
Những cơn bão nhiệt đới khắc nghiệt quét qua gây thiệt hại nặng