(CATP) Với các đối tượng phạm tội, chuỗi ngày thụ án trong 4 bức tường phòng giam là khoảng thời gian để hối cải cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nhưng nếu biết có ngày phải kéo lê hoặc kết thúc cuộc đời trong "địa ngục trần gian" ấy thì chắc chắn tất cả sẽ phải chùn tay trước khi gây tội ác.
Là một trong số quốc gia có lượng tù nhân đông nhất Châu Á với phần lớn bị bắt về những hành vi liên quan đến chất gây nghiện, vì thế án tử hình tại Thái Lan được áp dụng với hàng chục tội danh, trong đó có giết người và buôn bán ma túy.
Được mệnh danh là "Bangkok Hilton", Nhà tù trung tâm Bang Kwang nằm ở tỉnh Nonthaburi (Thái Lan), phía Bắc thủ đô Bangkok, là một trong số ít trại giam được đánh giá là an ninh thắt chặt hàng đầu Thái Lan, nơi giam giữ hàng trăm tử tội và hàng ngàn phạm nhân thụ án chung thân, có cả người nước ngoài do vi phạm Luật chống ma túy của xứ chùa vàng. Do số tù nhân gấp nhiều lần sức chứa khiến Bang Kwang trở thành trại giam ám ảnh nhất Thái Lan, được xây dựng từ năm 1927 - 1931 với thiết kế ban đầu giam giữ khoảng 3.500 phạm nhân, nhưng hiện đã lên đến hơn chục ngàn người. Sự quá tải đã kéo theo tệ nạn và bạo lực, khi ở nhiều phòng giam phạm nhân phải nằm chồng lên nhau trên sàn nhà đầy rệp và gián; còn trường hợp vi phạm quy tắc sẽ được đưa vào phòng biệt giam, đối mặt với bóng tối hàng giờ, chỉ bầu bạn với... gián!
Các trại giam ở Bang Kwang đều được lắp đặt thiết bị an ninh công nghệ cao để định vị và phá sóng điện thoại. Khi đã được đưa vào đây, tất cả đều bị xiềng chân 3 tháng đầu, trong khi tử tù sẽ phải còng chân vĩnh viễn bắt đầu từ năm 2013. Tất cả tù nhân chỉ nhận được bát cháo gạo loãng với rau mỗi ngày nên muốn có thêm thực phẩm bổ sung và dịch vụ y tế, phạm nhân phải trả tiền bằng cách lao động cật lực. Khét tiếng với các hình thức tra tấn cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng khi đã vào đây, có lẽ tra tấn về tinh thần là hình thức kinh hoàng nhất với các phạm nhân ở Bang Kwang vì có thể khiến họ phát điên chỉ trong vòng vài tuần.

Điều đáng nói là song sắt trại giam ở đây chỉ có tác dụng hạn chế sự tự do của các phạm nhân mà vẫn không thể ngăn họ buôn bán ma túy. Những phi vụ "chết người" này được liên lạc thông qua điện thoại di động "tuồn" vào trại giam, qua mặt được giám thị khi nhồi vào lon nước giải khát, còn thẻ sim giấu trong thịt nướng... Các giám thị ở Bang Kwang từng phát hiện hàng chục ngàn baht tiền mặt, ma túy dạng đá cùng nhiều điện thoại di động được đưa lậu vào đây. Mỗi năm, tại xứ chùa vàng có hàng ngàn điện thoại di động bị thu giữ từ các tù nhân cùng hàng tỷ baht tiền buôn bán chất gây nghiện. Theo ước tính có gần 1.000 phạm nhân từng là trùm buôn bán ma túy và vẫn tiếp tục kinh doanh chất cấm sau song sắt. Có 2 loại ma túy chính được bán trong tù là Methamphetamine và Ya ba (tên của một loại ma túy tổng hợp), với số lượng từng bị thu giữ nhiều nhất là 5 triệu viên Methamphetamine... Năm 2012, trong chiến dịch lục soát tại Nhà tù Bang Kwang, cảnh sát nước này dù không tìm thấy ma túy nhưng 200 phạm nhân trong số 1.000 người được lựa chọn ngẫu nhiên, qua xét nghiệm phát hiện có sử dụng chất gây nghiện trên.
Điều kiện sống tồi tệ khiến nhiều phạm nhân mắc bệnh do thiếu nước sinh hoạt và bị ảnh hưởng từ hệ thống nước thải, khói độc trong nhà tù, giữa lúc hàng ngàn phạm nhân chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh trong thời gian quy định, vì thế cảnh chen lấn để "giải quyết bức xúc" thường xuyên xảy ra.
Do quản lý lỏng lẻo hoặc có hành vi nhận hối lộ, nhiều giám thị tại đây đã bị kỷ luật, sa thải. Việc thiếu quy trình cải huấn trong khi nhiều tội phạm bị nhốt chung cũng khiến Bang Kwang trở thành nơi các phạm nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm đồng thời xảy ra những xung đột tàn khốc.
(Còn tiếp...)
(CATP) Từ nhà tù Bang Kwang (Thái Lan), Black Dolphin (Nga) đến Carandiru (Brazil), Tadmur (Syria)… nổi tiếng khắc nghiệt, tất cả đều khiến ngay cả các tội phạm nguy hiểm được đưa vào những nơi này cũng trở nên quẫn trí khi bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi và kinh hoàng. Đến mức khi vào trại, họ chẳng thiết sống ở những nơi được ví là "chẳng khác gì địa ngục trần gian" này!
NGUYỄN XUÂN (theo Telegraph, Bangkok Post)