Những vụ hạ độc gây rúng động dư luận:

Kỳ 2: Bị đầu độc vào ngày "cá tháng tư”

Thứ Ba, 16/07/2024 14:07

|

(CATP) Vụ hạ độc tương tự nữ SV Chu Lệnh cũng từng xảy ra ở Thượng Hải, Trung Quốc khi một nam SV khoa Y của ĐH Phúc Đán tên Lâm Sâm Hạo chỉ vì những mâu thuẫn không đáng có với bạn học đã nhẫn tâm đầu độc nam SV cùng phòng tên Hoàng Dương, khiến không lâu sau đó anh này bị tổn thương gan nghiêm trọng và không qua khỏi.

"Trò đùa" chết người

Lâm Sâm Hạo sinh năm 1986 trong gia đình nông dân nghèo có 5 người con ở TP. Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, họ Lâm được nhận vào Học viện Y của ĐH Trung Sơn với số điểm cao. Tốt nghiệp, họ Lâm giành được cơ hội học lên nghiên cứu sinh ở Học viện Y Thượng Hải thuộc ĐH Phúc Đán - ngôi trường ĐH nổi tiếng nhất Thượng Hải - vào năm 2010. Tại đây, dù đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Hội SV nhưng do gia cảnh khó khăn, tính cách họ Lâm có phần hướng nội, hay giúp đỡ bạn bè nhưng rất tiết kiệm cho bản thân, vì nam SV còn phải phụ gia đình lo cho các em ăn học, vì thế họ Lâm không tiếp tục học lên cao mà quyết định xin việc tại 1 BV ở Quảng Châu để đỡ đần cha mẹ. Trớ trêu thay, năm 2011 bước ngoặt cuộc đời chàng SV họ Lâm đã rẽ sang hướng khác từ khi Hoàng Dương (SN 1985, quê Tứ Xuyên), cũng là nghiên cứu sinh ĐH Phúc Đán, chuyển đến sống cùng phòng ký túc xá với Lâm.

Dù gia đình chỉ thuộc tầng lớp trung lưu, nhưng theo bạn bè, tính cách họ Hoàng trái ngược hẳn với Lâm, luôn vui vẻ, có phần vô tư, nhất là trong cách nói năng, khiến đôi khi cũng làm bạn bè phiền lòng; và trong mắt họ Hoàng, Lâm chỉ là "kẻ thất bại". Bực tức dần tích tụ rồi trở thành nỗi oán hận trong lòng Lâm, cho đến một ngày nghe Hoàng nói với bạn khác trong phòng việc hùn tiền mua nước đóng bình về phòng uống dẫn đến Lâm - Hoàng to tiếng về việc chi trả hóa đơn càng khiến mâu thuẫn bị khoét sâu thêm. Và "giọt nước đã tràn ly" vào thời điểm sắp tốt nghiệp, khi một số bạn đang hỏi kế hoạch của Lâm về chuyến du lịch thì họ Hoàng vội cướp lời: "Cậu ấy làm gì có tiền đi du lịch? Rủ mình thì hơn". Lời nói cay đắng ấy đã chạm đúng nỗi đau trong lòng Lâm và nam SV này lặng lẽ lên kế hoạch tàn khốc.

Lâm Sâm Hạo tại tòa và nạn nhân Hoàng Dương

Đòn thù vì bị khích bác

Ngày 31/3/2013, tranh thủ lúc thực hành trong phòng thí nghiệm, họ Lâm bí mật lấy túi đựng loại thuốc thử nghiệm có độc tính cao là Dimethylnitrosamine (DMN) mang về, biết Hoàng Dương có thói quen uống nước ngay sau khi thức dậy, sáng hôm sau, đúng ngày "cá tháng tư”, Lâm dậy sớm, lén trút tất cả số DMN vào bình nước trong phòng, phi tang túi nhựa, đợi kết quả.

Đúng như Lâm nghĩ, sáng 01/4/2013 vừa bước xuống giường, Hoàng Dương liền hứng nước trong bình để uống, nhưng mới hớp 1 ngụm anh liền chạy vào nhà vệ sinh nôn hết, đồng thời cảnh báo những người còn lại trong phòng rằng nước từ máy có mùi rất lạ. Lâm vẫn nằm im, vờ như không quan tâm.

Chỉ một lúc sau, Hoàng Dương đã ôm bụng lăn lộn, nghĩ mình bị ngộ độc thức ăn hoặc viêm dạ dày, họ Hoàng đến bệnh viện nơi Lâm đang thực tập nhờ siêu âm, nhưng kết quả theo Lâm thì "không phát hiện vấn đề gì nghiêm trọng". Ngày 06/4/2013, Hoàng Dương bị xuất huyết nặng, hôn mê. Sau hơn 10 ngày chống chọi với bệnh tật, chiều 16/4 nam SV này mất ở tuổi 28 do suy gan cấp tính.

Bệnh trạng diễn biến khác thường của Hoàng Dương khiến các bạn cùng phòng nghi ngờ và 1 người chợt nhớ ra Lâm Sâm Hạo từng nghiên cứu về một số loại chất độc có thể gây tổn thương gan, nam SV này cũng từng viết luận văn nghiên cứu về DMN đồng thời tiến hành thí nghiệm trên động vật, kết hợp với các triệu chứng trước khi hôn mê của Hoàng Dương, họ lập tức báo cảnh sát. Từ bình nước trong ký túc xá, cơ quan điều tra đã tìm thấy chất độc trên.

Theo các bác sĩ, không chỉ gây hoại tử gan cấp tính, DMN trong cơ thể SV họ Hoàng còn khiến lục phủ ngũ tạng tổn thương nghiêm trọng.

Trong phiên xét xử vào tháng 11/2013, Lâm Sâm Hạo biện minh rằng việc đầu độc người bạn của mình chỉ là một trò đùa nhân ngày "cá tháng tư”. Các công tố viên đã bác bỏ lập luận trên, vì SV này hiểu rõ các hóa chất trong phòng thí nghiệm. "Bị cáo Lâm Sâm Hạo đã phạm tội cố ý giết người bằng cách đầu độc. Cách thức giết người thật nhẫn tâm và tội ác này cực kỳ nghiêm trọng", tòa tuyên bố. Theo Cục Bảo vệ môi trường Mỹ, DMN là chất được sử dụng chủ yếu để phục vụ nghiên cứu, nếu con người nuốt phải sẽ bị bị tổn thương về gan và máu.

Trong phiên tòa sơ thẩm vào 18/02/2014, Lâm Sâm Hạo bị kết án tử hình vì tội "cố ý giết người". Gia đình họ Lâm kháng cáo nhưng bất thành.

Ngày 31/3/2014 có 177 SV của ĐH Phúc Đán cùng ký tên vào lá thư gửi các thẩm phán, xin tòa cho Lâm Sâm Hạo một cơ hội để chuộc lỗi. Tòa phúc thẩm kéo dài 13 tiếng, vẫn y án sơ thẩm. Ngày 09/12/2015, Tòa án Tối cao phê chuẩn bản án này và 2 ngày sau, án được thi hành.

Vụ ngộ độc Thallium ở Đại học Thanh Hoa (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang