Bi kịch của những "bệnh nhân số 0":

Kỳ 2: "Ổ dịch sống" trong người nữ đầu bếp

Thứ Ba, 14/01/2025 09:30

|

(CATP) Là cái tên gây nhiều tranh cãi trong lịch sử y học đầu thế kỷ XX, Mary Mallon còn được biết đến qua cách gọi ấn tượng là "Mary thương hàn", nữ đầu bếp này cũng là người phát tán virus gây bệnh trên đầu tiên ở Mỹ dù bản thân không xuất hiện triệu chứng.

"Ổ dịch sống" có thể được hiểu là mầm bệnh tồn tại và lan truyền trong một cơ thể người hoàn toàn khỏe mạnh từng gây chấn động New York, Mỹ này chính là Mary Mallon (1869-1938) người gốc Ireland, sang Mỹ định cư từ năm 1884, lớn lên trở thành người giúp việc chuyên nấu ăn cho các gia đình giàu có ở New York vào đầu những năm 1900. Cũng chính vào thời điểm này, một đợt bùng phát bệnh thương hàn đã xảy ra tại đây trong khi giới chức y tế chưa thể xác định được nguồn gốc lây nhiễm. Bệnh này vốn được cho là thường phát tán trong các khu ổ chuột, cho đến khi Mary đến nấu ăn tại nhà Charles Warren - làm việc ở ngân hàng - thì bất ngờ 6 người trong gia đình ông phát bệnh.

Do vi khuẩn gây bệnh này là Salmonella Typhi, thường không thể tồn tại trong quá trình thức ăn được nấu kỹ nên điều tra viên không tìm được bằng chứng buộc tội Mary. Cho đến lần nọ khi nữ đầu bếp này dọn lên món kem tráng miệng, tất nhiên không thể làm chín và đây cũng chính là bằng chứng chống lại cô. Khi đó, Mary Mallon sớm được xác định là "bệnh nhân số 0" (thường được biết dưới cái tên Typhoid Mary (Mary "thương hàn", ảnh), mặc dù ở cô không xuất hiện triệu chứng, trở thành người đầu tiên trong lịch sử Mỹ mang theo vi khuẩn ký sinh gây bệnh này trong người dù chưa phát hiện bệnh nhưng vẫn có thể lây nhiễm hàng loạt cho người khác.

Để làm rõ, ông Warren muốn đưa Mary đi kiểm tra, nhưng cô này đã nhanh chân bỏ trốn, liên tục thay đổi tên họ lẫn nơi làm việc, khiến cho việc truy tìm nữ đầu bếp gặp không ít khó khăn.

Năm 1907, khi phát hiện Mary, các quan chức y tế buộc phải đưa đi cách ly trên đảo North Brother, sau đó người phụ nữ này được thả ra với lời thề sẽ không bao giờ làm đầu bếp nữa.

Nhưng "lời hứa gió bay", 5 năm sau Mary Mallon đổi tên thành Mary Brown, tiếp tục đến nấu ăn tại một bệnh viện phụ sản khiến 25 người bị lây bệnh và 2 người chết. Mary bị vạch trần và lần này bị cách ly trên đảo North Brother suốt 23 năm cho đến khi qua đời do chứng viêm phổi tại đây.

Sau này, Giáo sư Friedrich phân tích rằng: Những người như "Mary thương hàn" vì lý do nào đó dù bị nhiễm bệnh và không có triệu chứng nhưng lại có thể loại bỏ mầm bệnh đó theo cách khiến nó lây nhiễm sang người khác.

Do bị buộc phải cách ly 2 lần trong vòng 26 năm, Mary từng nộp đơn kiện giới chức y tế New York cho rằng sức khỏe của cô vẫn bình thường, không hề có cảm giác mệt mỏi ốm yếu, vì thế chẳng thể là tác nhân lây bệnh cho người khác được. Nhưng cuối cùng, Mary vẫn thua kiện, dù khi ấy và mãi sau này chưa có cơ quan y tế nào xác nhận người phụ nữ này có phải là "bệnh nhân số 0" trong đợt dịch thương hàn xảy ra vào thời điểm trên hay chỉ là nguồn siêu lây nhiễm, siêu phát tán vi khuẩn nguy hiểm này.

Nhiều người nghĩ là Mary Mallon có khả năng sống chung với bệnh, vì người mẹ từng bị nhiễm thương hàn khi mang bầu cô. Cuối cùng, một cuộc khám nghiệm tử thi đã tìm ra bằng chứng vi khuẩn thương hàn tồn tại trong người Mary qua túi mật.

Mặc dù vậy, trường hợp "bệnh nhân số 0" Mary Mallon bị cách ly đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về quyền tự do cá nhân và vai trò của chính quyền sở tại trong việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

Kỳ 1: Từ một thuật ngữ bị hiểu sai
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang