Khi tội ác ẩn sau tấm áo blouse trắng:

Kỳ 1: Bi kịch ở "tòa nhà tử thần" của bệnh viện đa khoa

Thứ Hai, 20/05/2024 18:10

|

(CATP) Chẳng ai ngờ dưới lớp áo blouse mang chức năng của những "thiên thần áo trắng" với trách nhiệm cao cả chăm sóc, cứu người ấy lại ám mùi tử khí của những kẻ nhẫn tâm cướp đi mạng sống người khác. Những hành động phi nhân tính đến mức man rợ đã gióng lên lời cảnh báo về lương tâm con người!

Maria Gruber, Irene Leidolf, Stephanija Mayer và Waltraud Wagner được xem là trường hợp đặc biệt vì tất cả đều là trợ lý y tá, nhưng "bộ tứ quyền lực" này đã sát hại rất nhiều bệnh nhân theo những cách tinh vi từ năm 1983 và mãi đến năm 1989 mới bị phát hiện.

"Tấm vé về với thiên đường"

Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Lainz là một trong những cơ sở y tế lớn ở thủ đô Vienna, Áo và trong số hàng loạt khoa phòng tại đây nổi lên "Pavillion 5" - nơi dành riêng cho các bệnh nhân mắc chứng nan y, không còn nhiều hy vọng sống hoặc người bị bệnh tâm thần cần được chăm sóc đặc biệt, vì thế nơi này được mệnh danh là "tòa nhà tử thần".

Khi trở thành trợ lý y tá ở Pavillion 5, Waltraud Wagner mới 24 tuổi, chưa trải nhiều kinh nghiệm trường đời, nhưng là chị cả, từ năm 12 tuổi Waltraud đã nhận trách nhiệm chăm sóc 3 đứa em nhỏ và còn phải phụng dưỡng bà nội bị liệt do tai biến nơi vùng quê nghèo, nên dù dở dang tấm bằng y tá nhưng sau đó Waltraud vẫn may mắn được nhận vào làm phụ tá y tá tại Bệnh viện đa khoa Lainz.

Mặc dù vậy, công việc ở khu chăm sóc đặc biệt này trở nên quá sức chịu đựng với cô: từ việc vệ sinh thân thể cho bệnh nhân phải nằm bất động từ ngày này qua tháng khác đến việc lau dọn chất thải sau khi có người qua đời, khiến người nổi tiếng có trách nhiệm với công việc như Waltraud cũng dần nguội lạnh cảm xúc khi phải đối mặt giữa sự sống và cái chết xảy ra nhan nhản ở phòng bệnh giai đoạn cuối, giữa lúc nỗi đau đã in hằn trong tâm trí rất khó vượt qua.

Tội ác của "bộ tứ quyền lực"

Cuối cùng, nữ trợ lý y tá Waltraud cảm thấy cái chết chính là sự giải thoát cho cả bệnh nhân đang đau khổ lẫn sự chai sạn cảm xúc của chính mình, nên khi có nữ bệnh nhân lớn tuổi xin cô giúp bà chấm dứt nỗi đau kéo dài của mình, Waltraud đã nghe theo bằng cách tiêm morphine quá liều cho bà và "tâm trạng hả hê với cảm giác "có thể nắm giữ sinh mệnh người khác" trong tay đã khiến nữ trợ tá ngày càng lún sâu vào tội ác.

"Cảm giác quyền lực" này được Waltraud chia sẻ với 3 đồng nghiệp của mình ở Pavilion 5, gồm: Irene Leidolf (21 tuổi), Maria Gruber (mới 19 tuổi nhưng đã là mẹ đơn thân) và Stefanija Mayer (43 tuổi) đồng thời nhấn mạnh đây là "cái chết nhân đạo" mà họ được "giao trọng trách" để sớm giải thoát những bệnh nhân vô phương cứu chữa.

Ban đầu "bộ tứ quyền lực" chỉ sử dụng morphine quá liều hoặc các loại thuốc an thần khác cho những người mong được giải thoát sớm mà không để lại triệu chứng bất thường nào. Sau đó, nhóm này bắt đầu ra tay với bất kỳ bệnh nhân nào "gây khó dễ" cho họ, dù chỉ là lời phàn nàn về thái độ phục vụ hoặc ngay cả tiếng ngáy khó nghe hay việc đi vệ sinh ra giường cũng sẽ được "bộ tứ quyền lực" ban cho "tấm vé lên thiên đường".

Mãi đến khi đã chán mùi morphine "tử khí”, "bộ tứ quyền lực" mà cầm đầu là Waltraud mới chuyển sang phương pháp "thủy trị liệu" kinh hoàng hơn, bằng cách một người giữ đầu bệnh nhân và bịt mũi họ, để người còn lại đổ nước xuống cổ họng nạn nhân và họ phải cố uống hết lượng nước này để tránh bị sặc đường mũi! Chỉ riêng việc uống một lượng lớn nước trong khoảng thời gian ngắn cũng có thể làm mất cân bằng điện giải, khiến não và tim ngừng hoạt động; trong khi giám định pháp y lại khó lần ra manh mối, vì phổi ứ nước cũng là triệu chứng của tình trạng tràng dịch màng phổi, khá phổ biến ở người cao tuổi.

Đến năm 1987, tần suất gây án của "bộ tứ" ngày càng dày và sau đó 1 năm, khi tỉ lệ tử vong cao ở khu chăm sóc bệnh nhân đặc biệt khiến nhiều người nghi ngờ nên cảnh sát đã mở cuộc điều tra. Mặc dù vậy, phía Bệnh viện đa khoa Lainz vẫn khẳng định không có điều gì bất thường xảy ra, khiến 4 nữ trợ tá lại tiếp tục hành vi phạm tội khi thấy mình càng củng cố "quyền lực" hơn, dẫn đến chủ quan.

Và trong một lần chè chén say sưa sau khi hành sự với Julia Drapal - nữ bệnh nhân dám "cả gan từ chối uống thuốc" và tỏ thái độ xách mé, "bộ tứ quyền lực" đã cười cợt đồng thời tự tâng bốc phương pháp "thủy trị liệu" kinh hoàng của mình và tất cả đã được 1 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Lainz tình cờ ngồi gần đó ghi âm lại, sau đó báo cảnh sát.

Cơ quan điều tra đã lật lại hồ sơ của khoảng 300 bệnh nhân trong giai đoạn 1983 - 1989, nhưng vì pháp y không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào nên cảnh sát chỉ có thể kết luận về 39 vụ. Tại tòa, các thành viên trong nhóm "bộ tứ quyền lực" đã thú nhận thực hiện 49 vụ trong giai đoạn trên. Mặc dù vậy, dư luận cho rằng con số có thể lên đến 200 và riêng Waltraud được cho là đã thực hiện 39 vụ.

Tại phiên xét xử, bồi thẩm đoàn gọi đây là "tội ác khủng khiếp nhất lịch sử nước Áo". Waltraud Wagner bị kết tội trong 15 vụ giết người, 17 vụ cố ý giết người và 2 tội hành hung, với mức án chung thân; Irene Leidolf cũng chung số phận; Stefanija Mayer lãnh 20 năm tù, còn Maria Gruber nhận 15 năm vì tội ngộ sát, cố ý giết người.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang