"Mê cung" đường hầm - mối đe dọa từ lòng đất:

Kỳ cuối: Hệ thống hầm ngầm xuyên biên giới của Triều Tiên

Thứ Sáu, 24/11/2023 09:14

|

(CATP) Theo các chuyên gia quân sự, ngoài tập trung phát triển vũ khí hạt nhân, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên còn mở rộng các đường hầm bí mật chạy xuyên biên giới, sẵn sàng phục vụ chiến đấu trong trường hợp khẩn cấp. Seoul dự đoán Bình Nhưỡng đã đào khoảng 20 đường hầm, nhưng họ chỉ mới phát hiện ra vài tuyến trong số đó.

Lối mở nguy hiểm nếu chiến tranh xảy ra

Nguồn tin tình báo quân sự nhận định, Triều Tiên xây dựng rất nhiều cơ sở quân sự trong lòng đất đủ sức chứa hàng chục ngàn quân di chuyển qua. Đây là lợi thế quan trọng trong điều kiện nổ ra chiến tranh.

Bốn vị trí hầm ngầm được phát hiện của phía Triều Tiên nằm ở vùng biên giới với Hàn Quốc đặt tại Khu vực phi quân sự liên Triều (DMZ), giới tuyến quân sự giữa hai bên. Nằm sâu hàng chục mét dưới các bãi mìn dày đặc ở Khu DMZ, các vị trí hầm ngầm do Bình Nhưỡng bí mật xây dựng đã xuyên qua lòng đất, mở lối cho Quân đội Triều Tiên tiến sang Hàn Quốc nếu chiến tranh xảy ra.

Sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, đến thời điểm lần đầu tiên Bình Nhưỡng - Seoul đàm phán về hòa bình vào năm 1974, những đường hầm do Triều Tiên đào dưới lòng khu phi quân sự với Hàn Quốc đã được phát hiện từ thông tin tình báo. Nhưng theo các chuyên gia quân sự, kế hoạch đào hầm đã được thực hiện ngay sau lệnh "Sẵn sàng chiến đấu" do Chủ tịch Kim Nhật Thành ban bố cuối tháng 9/1971. Theo đó, ông từng ra lệnh mỗi đơn vị trong 10 sư đoàn chiến đấu phải đào 2 đường hầm xuyên biên giới.

Lãnh đạo của Triều Tiên thời ấy rất chú trọng sự cần thiết của các hầm ngầm trong lòng Khu phi quân sự DMZ, đồng thời nhấn mạnh mỗi tuyến hầm phải có hiệu quả bằng 10 quả bom nguyên tử trong trường hợp cần hỗ trợ cho tiền tuyến.

Giới chuyên gia nhận định 4 đường hầm của Triều Tiên có khả năng giúp nước này bí mật triển khai số quân tương đương 1 sư đoàn xâm nhập Hàn Quốc chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Đường hầm chuyển được cả sư đoàn

Đường hầm đầu tiên được phát hiện tại phía Tây của Khu DMZ một cách tình cờ vào tháng 11/1974, khi lực lượng trinh sát phối hợp của Mỹ - Hàn phát hiện hơi nước bốc lên từ nền đất ẩm cho thấy có sự tồn tại của "sự sống" bên dưới. Cũng theo thông tin tình báo, dù con số chưa chính xác nhưng đường hầm ước tính dài hơn 3km, sâu về phía Nam của Khu DMZ, cao 1,2m, gia cố bằng bê-tông, sâu gần 50m dưới lòng đất, thắp sáng bằng điện, được trang bị hệ thống đường sắt hẹp, có khả năng di chuyển vài ngàn quân trong vòng 1 tiếng đồng hồ.

Quá trình điều tra đường hầm, 1 nhân viên quân sự Mỹ và 1 binh sĩ Hàn Quốc đã thiệt mạng do 1 quả bom phát nổ. Đường hầm số 2 được phát hiện bằng cách thăm dò từ lời khai của 1 sĩ quan Triều Tiên đào thoát sang Hàn và phân tích tiếng động của những vụ nổ trong lòng đất năm 1972, rộng gấp đôi tuyến số 1, có thể di chuyển cả sư đoàn tập trung tại quảng trường rộng dưới lòng đất, cao khoảng 2m, xuyên qua địa hình đá granite, sâu gần cả trăm mét dưới lòng đất và chỉ cách Seoul hơn 100km, với 3 lối ra được sử dụng cả trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Theo các chuyên gia quân sự, lối ngầm này có thể giúp Bình Nhưỡng vận chuyển xe tăng, thiết giáp, vũ khí hạng nặng để tấn công đối phương, dù thông tin này vẫn còn gây tranh cãi...

Khách du lịch tập trung trước cửa đường hầm số 4

Đường hầm số 3 được đánh giá là nguy hiểm nhất trong trường hợp sử dụng để tiến vào Seoul, chỉ cách thủ đô của Hàn Quốc hơn 40km, được phát hiện vào tháng 10/1978, thiết kế tương tự hầm số 2 nhưng dài hơn, cao, rộng hơn, với hình vòm và được đánh giá là đường hầm nguy hiểm nhất nếu Bình Nhưỡng tận dụng để mở cuộc tấn công, chỉ cách Làng đình chiến Bàn Môn Điếm vài ki-lô-mét và nằm sâu hơn 70m dưới lòng đất. Quy mô như thế có thể vận chuyển cả sư đoàn cùng vũ khí qua hầm.

Tháng 5/1989, phương tiện do thám của Quân đội Hàn Quốc phát hiện nhiều âm thanh vọng lên từ lòng đất và đã lần ra đường hầm thứ 4 vào ngày 02/9/1990, nằm trên tuyến đường chiến lược trọng yếu ở khu phía Đông DMZ, sâu hơn 140m dưới lòng đất, cấu trúc tương tự đường hầm số 2 và 3, nhưng đường hầm này ăn sâu hơn 1 km về phía Nam tính từ giới tuyến quân sự, dùng để cơ động lực lượng (với hàng chục ngàn binh sĩ có thể di chuyển qua).

Điểm chung là các đường hầm trên đều dốc dần về phía Triều Tiên, để nước từ bên trong hầm tự động xuôi về phía Bắc, trong khi muội than được sử dụng để ngụy trang dù khu vực này chỉ có đá granite. Mặc dù vậy, theo lực lượng Biên phòng Hàn Quốc, các thông tin này vẫn còn gây bàn cãi vì khó thể đạt được vào thời điểm trên xét về kích thước và thiết kế của tuyến hầm ngầm.

Một trong các đoạn đường hầm trên hiện đã trở thành điểm tham quan du lịch với lực lượng binh sĩ bảo vệ nghiêm ngặt. Hàn Quốc tin rằng sau đó Triều Tiên không còn đào các đường hầm xuyên biên giới nữa, mà thay vào đó họ chuyển sang xây dựng các công trình ngầm với nhiều chức năng khác nhau.

Kỳ 3:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang