Điều đáng nói là trong trận này, QĐ Mỹ đã phải đối đầu với hệ thống phòng ngự dày đặc, địa đạo kiên cố trong lòng đất và sức chống trả kiên cường của binh lính Nhật dựa vào các hang động tự nhiên lẫn địa hình núi đá hiểm trở...
Giấc mơ hãi hùng nơi tận cùng địa ngục
Nằm ở vị trí chiến lược trên quần đảo Núi lửa, vì chỉ ở đây mới có thể xây dựng được các sân bay, Iwo Jima (đảo Lưu huỳnh theo tiếng Nhật) cách Tokyo khoảng 1.200km về phía Nam, với diện tích khoảng 21km², dài 9km, nơi rộng nhất 4km.
Tháng 6/1944, Tướng Kuribayashi Tadamichi được cử đến Iwo Jima làm Tổng tư lệnh lực lượng trên đảo với tổng số quân khoảng 21.000 người, bất chấp việc QĐ Mỹ chiếm ưu thế áp đảo về mọi phương diện. Từng được đào tạo tại Mỹ nên cách cầm quân của Tướng Kuribayashi tương đối khác so với các chỉ huy Nhật đương thời, nhất là về vấn đề phòng thủ. Tận dụng lợi thế địa hình ở một nơi "núi thò chân xuống biển", ông thiết lập hệ thống phòng thủ sâu với nhiều hang động trong núi cùng hệ thống địa đạo giữa lòng đất để áp dụng cách đánh du kích, trong đó hệ thống phòng thủ chính đặt ở phía Bắc với hệ thống công sự ngầm liên kết với nhau khá chặt chẽ. Riêng căn cứ chỉ huy của Tướng Kuribayashi đặt ở cực Bắc đảo, nằm sâu 20m dưới mặt đất, ẩn trong các hang động, kết nối với gần 200m địa đạo.
Là người cầm quân, biết chắc khó thể thắng trong trận đấu quyết tử này, Tướng Kuribayashi yêu cầu mỗi người lính Nhật phải biết tự bảo vệ mình để tiêu diệt được càng nhiều lính Mỹ càng tốt và với thế trận ngầm giăng mắc khắp đảo, ông mong quân Mỹ sẽ phải hao binh tổn tướng trước khi đổ bộ lên các đảo lớn của Nhật.
Hệ thống phòng thủ ở Iwo Jima do lực lượng Công binh gồm những kỹ sư giỏi nhất của Nhật thực hiện, xây dựng hệ thống hang động nằm sâu dưới lòng đất được kết nối bằng "mê cung" địa đạo, tất cả phối hợp hoạt động nhịp nhàng, gồm nhiều tầng hầm với hơn 1.000 phòng "ngầm" nằm ở độ sâu 10 - 15m, nhiều lối ra để các binh sĩ có thể cơ động trong tình huống khẩn cấp; các phòng họp, trung tâm tin tức và cả bệnh viện dã chiến đều đặt tại đây.
Các thủy quân lục chiến Mỹ cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Suribachi. Ảnh: Joe Rosenthal
Về phía Mỹ, Chuẩn đô đốc Raymond Spruance được chỉ định làm tổng tư lệnh, với các lực lượng viễn chinh, thủy quân lục chiến; Hải quân Mỹ yểm trợ cho cuộc đổ bộ gồm 700 chiến hạm, 28 hàng không mẫu hạm chứa cả ngàn máy bay bên trên... Tổng cộng lên đến 120.000 người.
Mặc dù vậy, trước trận đánh, QĐ Mỹ đã đánh giá sai về hệ thống phòng ngự của đối phương và do chủ quan khi đã cho máy bay ném bom B-24 và B-29 tiến hành hàng chục trận oanh tạc trút "mưa" bom xuống Iwo Jima để bẻ gãy hệ thống phòng thủ tại đây. Chính vì thế, khi cuộc đổ bộ bắt đầu, phía Nhật hầu như không bị tổn thất nhiều vì ẩn sâu trong các hang động và dưới lòng địa đạo.
Ngày 19/02/1945, do lính Nhật để lộ vị trí khi bắn vào tàu trinh sát của đối phương nên pháo từ các thiết giáp hạm, thiết giáp hạm, tuần dương hạm và tàu phóng tên lửa của Mỹ đã tấn công Suribachi. Tiếp đó đến lượt các siêu oanh tạc cơ B-29 quần thảo hòn đảo. Mặc dù vậy, do phòng ngự tốt, quân Nhật hầu như tổn thất rất ít. Đến khi trời sáng hẳn, hỏa lực của phía Nhật từ các hầm trú ẩn dưới lòng địa đạo mới bắn xối xả vào quân Mỹ đang đổ bộ vào đảo này, ngăn bước tiến tưởng như sẽ "thần tốc" của họ.
Địa đạo ngầm ngăn bước tiến "thần tốc"
Binh lính Mỹ càng thêm bất ngờ khi các bunker của Nhật được kết nối với hệ thống địa đạo phức tạp bên dưới nên sự hoạt động không hề bị gián đoạn, kết hợp với những toán nhỏ lính Nhật bắn tỉa theo kiểu du kích khiến thương vong của lính Mỹ vì thế cũng nhiều hơn. Binh sĩ Nhật cũng đào nhiều đường hầm quanh các ngọn đồi để ngăn bước tiến đối phương.
Bên cạnh đó, núi Suribachi cũng được phía Nhật xây thành địa đạo "ngầm" vô cùng phức tạp với 7 tầng, gồm cả hệ thống thoát nước và đường ống dẫn khí, điện, nước với gần 2.000 lính bộ binh và hải quân bố trí khắp khu vực. Trước tình hình này, lính Mỹ phải tập trung lựu đạn và súng phun lửa cùng xe tăng "Zippo Tank" thường đạt hiệu quả cao trong tiêu diệt các vị trí đồn trú của quân Nhật.
Khi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tiến lên được đỉnh ngọn núi lửa, nhiều tốp lính Nhật đã tự sát tập thể, cho đến khi quốc kỳ Mỹ tung bay trên đỉnh Suribachi.
Trận chiến kết thúc ngày 26/3/1945. Để đạt thắng lợi quan trọng này, Mỹ phải trả cái giá quá đắt: gần 7.000 binh sĩ tử trận và 26.000 người bị thương. Trong số 22.000 binh lính Nhật tham gia trận chiến có 216 người đầu hàng, còn lại toàn bộ tử trận trên chiến trường. Iwo Jima là cuộc chiến duy nhất trong Thế chiến thứ II mà thương vong của Mỹ lớn hơn NB. Đây cũng là lời nhắc nhở về mức độ nguy hiểm của chiến tranh dưới lòng đất.
Theo các chuyên gia quân sự, điểm chung của "mê cung" phức hợp "ngầm" ở Iwo Jima và Gaza là cả hai đều khiến đối thủ "hao binh tổn tướng" khi tấn công vào.
Thất bại tại Iwo Jima đã làm chấn động chính trường Nhật Bản. Ngày 05/4/1945, Thủ tướng Kuniaki Koiso khi ấy đã đệ đơn xin từ chức lên Nhật hoàng Hirohito.
Trận Iwo Jima đã được lấy làm bối cảnh cho nhiều tác phẩm điện ảnh của Mỹ, trong đó có Letters from Iwo Jima (Những bức thư từ Iwo Jima) của đạo diễn Clint Eastwood.
Sau khi chiến tranh kết thúc, đảo Iwo Jima vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của người Mỹ một thời gian dài và năm 1968 được trao trả cho Nhật.
(Còn tiếp...)
(CATP) Trở thành công cụ kinh tế hữu hiệu từ thời Trung cổ khi giúp vận chuyển hàng hóa buôn lậu, ngày nay các tuyến đường hầm tiếp tục thể hiện lợi thế trong những cuộc chiến bất đối xứng giữa lực lượng quân đội tiên tiến và đối thủ có lợi thế "lối ngầm" hơn. Thực tế cận chiến cho thấy, chỉ riêng công nghệ chưa đủ để ngăn chặn những mối đe dọa từ lòng đất.