(CATP) Trong bối cảnh trường học xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ) mà giáo viên (GV) chính là nạn nhân, các nghiệp đoàn giáo viên (NĐGV) Hàn Quốc (HQ) đang mở rộng phong trào yêu cầu được bảo vệ pháp lý. Qua đó, tất cả mong muốn Bộ Giáo dục (GD) nước này sẽ sửa lại điều luật khiến họ dễ bị các bậc phụ huynh (PH) bất mãn vì thành tích học tập của con cái hành hung hoặc khởi kiện.
Áp lực từ học đường
Đạo luật phúc lợi trẻ em HQ có điều khoản cấm "lạm dụng tình cảm đối với trẻ em" có thể gây tổn hại đến sức khỏe và sự phát triển của học sinh (HS). Các GV cho rằng, điều khoản này được diễn đạt quá rộng trong khi những biện pháp kỷ luật thông thường - chẳng hạn như đuổi HS quậy phá ra khỏi lớp - có thể phạm luật và bị trừng phạt.
Im Seo-young thuộc 1 NĐGV cho rằng, luật pháp HQ nghiêm cấm GV làm bất cứ điều gì khiến HS khó chịu, vì thế hầu hết GV đã phải dành thời gian quan sát sắc mặt HS và PH, thay vì tập trung vào giảng dạy và hướng dẫn trẻ phát triển kỹ năng.
Hôm 15/11, các GV đã tổ chức buổi họp báo nhằm thu hút sự chú ý của công luận khi cả nước tập trung cho kỳ thi tuyển đại học (ĐH) suneung tổ chức trên toàn quốc vào hôm sau. Kết quả này sẽ quyết định trường ĐH nơi con họ được nhận vào đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng việc làm và kết hôn sau này.
Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục (GD) - Dịch vụ bảo hiểm y tế quốc gia, hơn 820 HS tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã chết vì tự tử giai đoạn 2018 - 2022. Trong khi đó, các NĐGV cho rằng có hơn 9.000 GV đã bị PH tố cáo là ngược đãi HS trong cùng thời gian.
Áp lực của tương lai con trẻ đã được các bậc PH trút lên GV. Tháng 7 vừa rồi, 1 nữ GV tiểu học đã tự sát vì sự thóa mạ của PH trong lớp cô đang dạy. Cái chết của nữ GV trẻ đã làm bùng nổ phong trào biểu tình của GV, buộc chính quyền và xã hội (XH) phải tìm câu trả lời về sự cân bằng trong mối quan hệ giữa HS - PH và GV, người chịu trách nhiệm duy trì kỷ luật học đường và thành tích của HS.
Các nghiệp đoàn giáo viên Hàn Quốc tưởng niệm cô giáo trẻ. Ảnh: AP
Cơ quan chức năng đã điều tra, sau đó kết luận căng thẳng trong công việc là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nữ GV trên. Sau khi tìm thấy thi thể của cô giáo xấu số, Giám đốc Sở GD Seoul Jo Hee-yeon cho biết: "Những khiếu nại ác ý” từ PH đang cản trở vai trò của GV trong giảng dạy và ngăn cản BLHĐ.
Theo Park Sang-soo, luật sư đại diện cho nguyên đơn là các GV kiện HS và PH bạo hành, những HS có hành vi hành hung hoặc bạo lực khác đôi khi tố ngược GV ngược đãi họ, nhằm gây áp lực để khiến GV hủy bỏ quyết định đuổi học HS vi phạm hay rút đơn kiện.
Ngay cả khi GV được bãi nại hoặc chứng minh mình vô tội, những cáo buộc từ PH và HS có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng của họ, đồng thời khiến việc tuyển dụng trở nên khó khăn hơn. "Kết quả là GV trở nên thụ động trong việc giải quyết các vấn đề BLHĐ", luật sư Park nói.
Bên cạnh đó, phạm vi rộng của Đạo luật phúc lợi trẻ em đã dẫn đến bầu không khí kiện tụng trong trường học. "Thay vì là môi trường dạy - học nghiêm túc, nhà trường lại bị ảnh hưởng bởi những tranh chấp pháp lý. Mỗi bên đều phải chịu đựng các vụ kiện tụng kéo dài, tẻ nhạt", ông Park nói.
Căn nguyên của vấn đề
Cải cách GD và tinh thần hiếu học đã trở thành bệ phóng để HQ nhanh chóng "hóa rồng" sau khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc. Giáo sư Woo Mi-seong thuộc ĐH Yonsei ở Seoul nói rằng, 1 đất nước đổ nát sau chiến tranh so với phần còn lại của thế giới đang phát triển thịnh vượng đã tạo nên "tâm lý phải bắt kịp" đối với người Hàn.
Các bậc PH thường xem kết quả học tập của con cái là thước đo sự thành công của chính họ trong xã hội. Sự cạnh tranh ở trường học có xu hướng lên đến đỉnh điểm vào cuối cấp 3 khi HS cạnh tranh quyết liệt trong kỳ thi suneung để giành suất tại các trường ĐH ưu tú, nơi đào tạo những công dân ưu tú cho chính phủ và các tập đoàn hàng đầu. "Tốt nghiệp từ trường ĐH danh tiếng được nhiều người xem là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công về kinh tế và địa vị XH trong tương lai", Giáo sư Woo nhấn mạnh.
Tháng 9 vừa qua, HQ đã thông qua Dự luật khôi phục quyền GV. Các hành vi làm hại trẻ được định nghĩa rõ ràng hơn, GV cũng được bảo vệ chặt chẽ hơn và không bị sa thải dễ dàng qua các cáo buộc như vậy.
Tuy nhiên, các NĐGV cho rằng những luật lệ điều chỉnh tương tự vẫn chưa đủ. Họ cho rằng cần có luật hỗ trợ GV xử lý những đứa trẻ ngỗ ngược ở trường và trừng phạt các PH thiếu hiểu biết.
SONG HẢO (Theo Reuters, Nikkei Asia)