(CATP) Như thường lệ, sáng 19/4/2011 Ivan Kasperski không tới trường mà đến công ty của mẹ làm thêm ở vị trí nhân viên tập sự viết phần mềm. Dù là con trai tỷ phú E.Kasperski - chủ nhân của phần mềm diệt virus Kasperski được yêu thích nhất thời bấy giờ ở Châu Âu (tài sản của ông theo Tạp chí Forbes là 1,3 tỷ USD), nhưng Ivan vẫn không có vệ sĩ đi kèm, cũng chẳng có ôtô đưa đón. Cậu tới chỗ mẹ bằng tàu điện ngầm và cuốc bộ vài trăm mét còn lại.
Vụ bắt cóc gây rúng động dư luận
Khi chỉ còn cách văn phòng chừng 150m, Ivan thấy chiếc xe hơi màu xanh đen đậu bên đường, từ bên trong có 2 người đàn ông nhảy ra túm lấy cậu tống lên hàng ghế sau và còng 2 tay lại. Ngay lập tức dải băng đen bịt chặt mắt Ivan cùng cái mũ chụp lên đầu che gần kín mặt. Trong lúc xe nổ máy chạy, các đối tượng tước điện thoại của Ivan và hứa đến tối cậu có thể về nhà bằng tàu điện ngầm.
Sau 1 lần đổi xe, Ivan bị đưa đi tiếp, dọc đường xe dừng lại đón 1 người lên ghế trước, đối tượng này hỏi Ivan muốn gọi cho mẹ hay cha. Cậu chọn gọi cho cha vì sợ mẹ hoảng loạn. Khi Ivan mới vắn tắt 2 câu: "Chào cha, con gặp rắc rối rồi! Con không nói đùa đâu", gã nọ đã giật máy khỏi tai Ivan và xuống xe. Tại London (Anh), E. Kasperski hiểu ngay con trai bị bắt cóc và nhóm đối tượng sẽ đòi tiền chuộc. Ông đề nghị người đàn ông nọ gọi lại sau 10 phút nữa.
Nhưng cuộc gọi chỉ đến sau 4 tiếng, khi đó Ivan đã được đưa tới vùng nông thôn, bị nhốt trong căn nhà gỗ nhỏ thường được người Nga dùng làm nơi tắm hơi và bị canh giữ. Cái giá để trả tự do cho Ivan là 3 triệu euro tiền mặt, thanh toán bằng các tờ 500 euro. Cha của Ivan trả lời việc đàm phán sẽ do trưởng bộ phận an ninh ở tập đoàn của vị thực hiện và nhắn số điện thoại của ông này vào điện thoại con trai, nhưng vì máy đã bị các đối tượng phi tang trong lúc chở Ivan đi, cuối cùng nhóm bắt cóc phải liên lạc lại với tỷ phú E. Kasperski.
Đang ở Hồng Kông (Trung Quốc) nên mãi tới chiều hôm đó, mẹ của Ivan mới biết tin con, bà vội quay về Moscow. Dù xảy ra tranh cãi về việc tự giải quyết hay báo cảnh sát, cuối cùng mẹ của Ivan quyết định trình báo chính quyền đồng thời tham gia đàm phán với những kẻ bắt cóc con mình.
Ivan Kasperski
Nhóm này gửi 1 video dài 50 giây để gia đình Kasperski thấy con trai đang đọc tờ báo của ngày hôm đó. Ivan cho biết được ăn uống, tắm rửa đầy đủ, không bị đánh đập, đe dọa và còn được đọc sách, báo.
Tìm ra nhóm đối tượng nhờ áp dụng công nghệ
Cuộc thương lượng diễn ra dưới sự giám sát của cơ quan điều tra với mong muốn dò tìm các đối tượng gồm những ai, ở đâu. Tuy nhiên, cứ mỗi lần "lên sóng" đàm phán, nhóm bắt cóc lại sử dụng sim rác với tên giả, sau đó hủy ngay. Các cuộc trao đổi chỉ diễn ra khi nhóm bắt cóc ngồi trên xe hơi và trong khoảng thời gian ngắn để các hệ thống định vị chưa kịp nhận diện.
Mặc dù vậy, ngày 23/4/2011 vô tình 1 trong các sim điện thoại nhóm bắt cóc đã dùng để đàm phán bất ngờ lên tiếng và hệ thống định vị lần ra được vị trí của nó. Đó là ngôi nhà vườn ở thị trấn cổ tuyệt đẹp có tên Sergiyev Posad, gần Moscow, chủ nhân là Nikolai Savelyev (SN 1949) sống cùng vợ, con trai cũng tên Nikolai (SN 1981).
Savelyev mới mở công ty sản xuất thủy phi cơ loại nhỏ. Trước năm 1990, Savelyev cha bị đi tù về hành vi lừa đảo, sau đó ông ta buôn bán sản phẩm dầu mỏ, con trai cũng từng mở ga-ra xe hơi, nhưng đã sang nhượng lại để cùng sĩ quan cảnh vệ Aleksey Ustimchuk chung vốn với Savelyev cha mở công ty thủy phi cơ. Tất nhiên, họ phải vay thêm vốn ngân hàng - theo luật sư của Nikolai con thì không dưới 10 triệu rúp. Muốn góp vốn, Ustimchuk đành thế chấp căn hộ vay 3 triệu rúp.
Các bị cáo (từ trái qua): Semyon Gromov, Oleg Malyukov, Nikolai Savelyev con, Nikolai Savelyev cha tại tòa
Để thực hiện vụ bắt cóc, Ustimchuk rủ thêm bạn học cũ Oleg Malyukov, Nikolai con rủ thêm gã thợ mộc Semyon Gromov có tiền án tù 7 năm về tội chống người thi hành công vụ.
Cảnh sát "tương kế tựu kế", đề nghị gia đình Kasperski đồng ý trao tiền chuộc tại điểm hẹn. Hôm 25/4, bọn bắt cóc chỉ để mình Nikolai con ở lại canh Ivan, còn tất cả lên 2 chiếc xe của gia đình Savelyev tới chỗ hẹn. Trong lúc chúng đang chuẩn bị nhận tiền thì lực lượng đặc biệt đột nhập vào nhà Savelyev giải thoát Ivan Kasperski một cách gọn ghẽ, an toàn. Ngay sau đó, nhóm nhận tiền cũng bị bắt.
Theo lời khai tại cơ quan điều tra, ý tưởng bắt cóc tống tiền E.Kasperski đã nung nấu trong đầu Savelyev cha từ năm 2009, khi ông ta xem chương trình truyền hình về vị tỷ phú phần mềm. Cùng với con trai Nikolai và Ustimchuk, hắn đã lên kế hoạch tỉ mỉ để bắt cóc cậu bé và mua 20 sim rác sử dụng. Ustimchuk, Malyukov và Gromov trực tiếp bắt cóc Ivan, Savelyev cha là người gọi điện cho tỷ phú để báo tiền chuộc.
Quá trình điều tra, ban đầu Savelyev cha nhận hết tội lỗi, nhưng sau đó lại đổ cho Ustimchuk - người sẽ được giao cho tòa án quân sự xét xử theo thẩm quyền và lãnh án tù 4 - 5 năm, 4 tên còn lại nhận mức án từ 4-11 năm. Vợ của Savelyev được miễn truy tố.
(Còn tiếp...)
(CATP) Hôm đó là ngày 20/5/1999, Alla Geyfman đi học về gần tới nhà, nhân viên an ninh mà cha cô thuê bảo vệ con gái chỉ theo tới tận cửa nếu Alla về nhà vào buổi tối. Bất ngờ có 2 người mặc cảnh phục tới gần báo tin người mẹ bị bệnh nặng và họ sẽ đưa Alla tới bệnh viện. Trong cơn hoảng loạn, cô bé 12 tuổi vội vã lên xe chiếc hơi theo yêu cầu mà chẳng ngờ đã sập bẫy nhóm bắt cóc.