(CATP) Tháng 8/2023, một bộ phim truyền hình 3 phần do Israel sản xuất ra mắt khán giả sau 24 năm ngày cậu bé Ady Sharon bị bắt cóc tại Moscow (Nga) với khoản tiền chuộc lên đến 8 triệu USD. Ady được giải cứu sau 10 tháng bị nhốt trong căn hầm tối, ẩm ướt, nhưng vết thương do 2 đốt ngón tay bị bọn bắt cóc chặt gửi cho cha nạn nhân vẫn là lời nhắc nhở về quãng thời gian khủng khiếp của cậu bé 12 tuổi.
Chuyến đi kinh hoàng
Cha của Ady, ông Yossi Sharon, là người gốc Gruzia di cư sang Israel. Sau khi vợ chết vì ung thư, ông gửi con lại cho bà ngoại để tới Moscow làm ăn. Lúc đó Ady mới 4 tuổi. Ngày 23/8/1999 Ady sang Moscow thăm cha. Cậu bé nhớ lại, hôm đó hai cha con đi chơi rất vui. Đến 5 giờ chiều, khi họ về gần đến nơi ở trên đại lộ Kutuzov, có vài người lạ mặt ép cả hai lên xe chở tới 1 tòa nhà. Tại đây, cha của Ady bị trói vào 1 chiếc ghế. Sau đó, những người lạ mặt tách Ady ra và đưa cậu lên chiếc xe chạy vòng vèo suốt nhiều tiếng đồng hồ, cứ mỗi lần đi qua trạm gác, tên áp tải lại gí súng bắt Ady rạp mình xuống ghế, sau đó họ bịt mắt trước khi đẩy cậu ra khỏi xe.
Ady biết mình đang bước xuống lòng đất bằng chiếc cầu thang nhỏ. Mở mắt ra, phải mất một lúc lâu Ady mới nhìn rõ nơi cậu sẽ phải sống. "Vách đất màu xám, đen, không trát vữa. Một chiếc giường gỗ. Không có ánh sáng, cũng chẳng có không khí, cứ vài ngày họ lại mở cửa cho không khí vào trong vòng 1 - 2 tiếng đồng hồ. Thức ăn rất ít, gồm bánh mì và phô mai, khoai tây là món đặc biệt. Mỗi khi trời mưa, căn hầm lại bị lụt", Ady nhớ lại.
Ở tuổi 12, cậu bé không hiểu tại sao mình lại bị nhốt và đối xử tàn tệ. Có lần họ đưa Ady lên mặt đất chỉ để tát, đấm đá cậu, trong khi kẻ khác quay phim. Và rồi cái ngày khủng khiếp ấy đã đến! Vào một ngày mùa đông lạnh giá ở nước Nga, có 1 thanh niên tới ngồi cạnh, dùng 2 tay khóa chặt người cậu. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì Ady đã ngất đi. Khi tỉnh dậy, cậu bé thấy mình bị mất 1 lóng tay, chỗ vết thương được băng lại và mỗi ngày cậu được sát trùng bằng cách nhúng ngón tay bầm tím vào cồn.
Ady Sharon được bế ra ngoài sau cuộc giải cứu
Ady chỉ hiểu mối đe dọa treo trên đầu hai cha con khi những kẻ canh giữ cậu nói rằng việc chúng vừa làm có thể sẽ tiếp diễn nữa nếu cha cậu không nộp tiền chuộc. Trong cơn tuyệt vọng, cậu bé nghĩ người cha đã bỏ rơi mình.
Cuộc giải cứu bất ngờ
Thực ra cha của Ady không bỏ con, chỉ là vì ông bất lực. Những kẻ bắt cóc tưởng ông rất giàu, nhưng ngay khi nghe yêu cầu của các đối tượng này, ông hiểu nó quá sức đối với mình. Được thả ra ngay sáng 24/8/1999 nhưng ông chỉ có thể gửi cho chúng mỗi lần vài ngàn đôla. Im lặng, không báo cảnh sát, thông qua trung gian, ông tìm cách thương lượng, nhưng sau khi ôm 50.000 USD, các đối tượng biến mất. Đầu tháng 10/1999, ông Sharon mới báo cho Sứ quán Israel nhờ giúp đỡ. Nước này đã gửi yêu cầu cho các cơ quan bảo vệ pháp luật Nga vào cuộc.
1999 là năm mà ở Nga, các vụ bắt cóc tống tiền nhằm vào quan chức, doanh nhân, nhà báo, người nước ngoài... xảy ra như "nấm sau mưa", mà trong đó một số khá lớn có dính dáng tới các băng nhóm phát sinh từ phong trào ly khai ở Chechnya. Chỉ riêng số vụ bắt cóc con cái các doanh nhân Nga và người nước ngoài đòi những khoản tiền lên đến vài triệu đôla/vụ. Vụ bắt cóc Ady Sharon được biết đến trên toàn thế giới do bọn bắt cóc quay cảnh chúng chặt ngón tay và gửi băng hình cùng "vật chứng" cho người cha tội nghiệp.
Nắp căn hầm nơi nhốt Ady Sharon
Cũng chính từ cảnh quay tàn độc này, phía Nga cho rằng những kẻ bắt cóc có liên hệ với các băng đảng Chechnya. Qua nhiều kênh, các cuộc thương lượng với nhóm đối tượng được tiến hành, tiền chuộc giảm từ 8 triệu đôla xuống còn 5 triệu, sau là 2 triệu (có nguồn tin nói chỉ còn 200 ngàn). Vấn đề quan trọng là Ady bị giam ở đâu? Trong một thời gian dài, có tin cậu bé bị đưa về Chechnya.
Đầu tháng 5/2000, bọn bắt cóc tống tiền chặt thêm 1 lóng tay của Ady để cảnh cáo người cha. Nhưng cũng chính lúc đó, phía Nga nhận được tin mật báo rằng Ady vẫn còn ở nước này. Ngày 01/6/2000, sau khi xác định Ady đang bị nhốt trong căn hầm dưới ngôi nhà nghỉ ở TP.Penza (cách Moscow khoảng 450km về phía Đông Nam), chiến dịch giải cứu cậu bé được thực hiện.
Do bị suy nhược không thể tự đứng và đi, Ady đã được bế ra ngoài. Hôm sau, đích thân Bộ trưởng Nội vụ Nga đã đưa Ady về Israel, nơi ông được Thủ tướng Ehud Barak khi ấy tiếp, cảm ơn và khen ngợi phía Nga đã giải thoát được cậu bé.
Năm 2002, phiên tòa xét xử 13 đối tượng tham gia nhóm bắt cóc do 3 anh em nhà Vitaev thuộc 1 gia đình nổi tiếng và có máu mặt ở Chechnya cầm đầu, đã được mở. Tất cả đều bị tuyên án phạt tù từ 3-10 năm.
(Còn tiếp...)
(CATP) Mãi cho tới thập niên 80 của thế kỷ XX, việc
bắt cóc trẻ em tống tiền ở Nga được cho là chưa từng xảy ra và vì thế luật hình sự cũng không có hình phạt dành cho hành vi này. Tuy nhiên, đến thập niên 90 trong thời kỳ xáo trộn nhiều mặt của nước này, trẻ em trở thành "mồi ngon" của những đối tượng bắt cóc tống tiền. Trong hơn 20 năm qua, tuy tình hình đã cải thiện đáng kể nhưng đây đó vẫn còn những kẻ táng tận lương tâm bắt cóc trẻ em vì tiền và tình dục.