Tạo khung khổ pháp lý cho TPHCM "đi trước, hành động trước"

Thứ Sáu, 26/05/2023 08:09  | Hải Triều

|

(CATP) Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong phiên họp toàn thể hôm nay (26/5). Với 7 nhóm chính sách, cơ chế được đề xuất, dự thảo Nghị quyết được cho sẽ tạo khung khổ pháp lý và động lực cho sự phát triển đột phá của "đầu tàu kinh tế".

Nhìn nhận về tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết mới cho TPHCM, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, việc kịp thời có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của TPHCM chính là tạo điều kiện cho phát triển kinh tế Vùng và của cả nước.

Với đặc điểm và yêu cầu riêng, đại biểu Hạnh bình luận, nếu áp dụng chung các chính sách, cơ chế giống như các địa phương khác thì sẽ không giải quyết được các vướng mắc hiện tại của TPHCM, thậm chí có thể làm cho đà phát triển của TP chậm lại. Nếu được Quốc hội thông qua, nữ đại biểu tin tưởng, Nghị quyết sẽ thực sự tạo động lực phát triển mới cho TPHCM, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới,tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.

Việc có chính sách vượt trội cần thiết không chỉvới TPHCM mà quan trọng với cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước là quan điểm của đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Trong các lý do khiến tăng trưởng của TP chậm lại, theo ông Cường, có nguyên nhân do TPHCM còn bị bó buộc bởi cơ chế, chính sách. "Việc phải có một cơ chế cởi mở để "cởi trói" cho TPHCM là cần thiết" - ông Cường khẳng định.

TPHCM đứng trước cơ hội "đi trước, hành động trước"

Nhắc lại về vai trò của TPHCM, đại biểu Cường phân tích, TPHCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27% ngân sách. Các chính sách, cơ chế được trình lần này, ông Cường nhận định, không chỉ là mang tính đặc thù nữa,mà là một khung khổ pháp luật để TP "đi trước, hành động trước".

Nhận xét TPHCM vốn là một địa phương rất đặc biệt, cán bộ, người dân, doanh nghiệp được đánh giá làluôn năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra, rất cần một khuôn khổ pháp lý để TPHCM phát huy tối đa được tinh thần này.

"Sự đột phá của TPHCM sẽ phụ thuộc vào con người vàđiều kiện khác nữa,nhưng chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý cho phép chính quyền TPHCM được triển khai những đột phá này. Hãy cho TPHCM được phép thực hiện cơ chế vàchủ động triển khai các chính sách, biện pháp mà TPHCM tin tưởng sẽ có hiệu quả, thúc đẩy tiềm năng riêng có của mình" - ông Cường nói.

Dẫn lại báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ ra, tiềm năng và lợi thế của TPHCM vẫn chưa thực sự được phát huy hiệu quả, nhất là đối với một đô thị đặc biệt, có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, quy mô dân số nằm trong top 20 của thế giới...

Theo đại biểu Hòa, sự "chùn bước" trong phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM thời gian qua đã ảnh hưởng tới các tỉnh phía Nam cũng như cả nước. Thực tế này cho thấy, TPHCM thật sự một thể chế phù hợp, tương thích với tính đặc biệt và vượt trội để phát huy được các tiềm năng và thế mạnh của mình.

Bày tỏ sự ủng hộ cao đối với ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, đại biểu của Đồng Tháp tin rằng, các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo nghị quyết mới sẽ giúp TPHCM phát huy vai trò, thực sự trở thành "đầu tàu" của cả nước.

Cũng nhìn TPHCM trong vài trò "đầu tàu", đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) chỉ ra, việc Quốc hội cho TPHCM cơ chế, chính sách cũng là một hình thức "đầu tư”. "Đầu tư cho TPHCM là đầu tư cho phát triển, để cho "đầu tàu" này thực sự mạnh, thực sự là "đầu kéo" của toàn bộ nền kinh tế và hỗ trợ cho những vùng đặc biệt khó khăn" - đại biểu Tạ Văn Hạ bình luận.

Dù vậy, quá trình thực hiện Nghị quyết 54, ông Hạ lưu ý, có những cơ chế thực hiện chưa triệt để. "Chúng ta phải thẳng thắn quy ra được trách nhiệm, những ngành nào, người đứng đầu nào chưa thực sự làm quyết liệt, làm đầy đủ những quy định Nghị quyết 54 dành cho TPHCM. Chúng ta cần có sự kiểm điểm rõ ràng về việc này" - ông Hạ đề nghị.

Khẳng định ủng hộ cơ chế tăng cường hơn nữa trong phân quyền, giao trách nhiệm cho TPHCM để TPHCM thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn một cách chủ động, linh hoạt, ông Hạ nêu rõ, đây là mô hình "thử nghiệm" cho cơ chế này. "Điều tôi mong muốn là tới đây, chúng ta nghiên cứu có nên cần thiết xây dựng một luật dành riêng cho TPHCM không? Chúng ta có luật Thủ đô rồi. Với những đặc thù, đặc biệt của TPHCM, nếu cần thiết tôi thấy cũng nên nghiên cứu để xây dựng một luật riêng dành cho TPHCM" - ông Hạ bày tỏ.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Chính phủ trình Quốc hội 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM, về: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của thành phố; Tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Sau khi nghe Chính phủ trình hôm nay, Quốc hội sẽ có 2 phiên thảo luận tại tổ và hội trường, trước khi bấm nút biểu quyết thông qua vào ngày 24/6.

Bình luận (0)

Lên đầu trang