Để xuất 9 nhóm cơ chế về tài chính ngân sách cho TPHCM

Chủ Nhật, 12/03/2023 10:47

|

(CAO) Các chính sách được đề xuất với kỳ vọng sẽ giúp TP huy động nguồn lực đầu tư các dự án giao thông đô thị, môi trường, cấp thoát nước, y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao…

Thí điểm ban hành phí, lệ phí ngoài danh mục Nhà nước

Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Tại dự thảo lần này, đề xuất đánh thuế nhà ở, bất động sản thứ 2 tại TPHCM cũng như tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở, thuế suất thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên đã bị loại bỏ. Ở nhóm tài chính ngân sách, dự thảo đề xuất 9 nhóm cơ chế chính sách với mục tiêu giúp TP huy động nguồn lực để đầu tư các dự án giao thông đô thị, môi trường, cấp thoát nước, y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao.

Dự thảo Nghị quyết mới đề xuất 9 nhóm chính sách về tài chính ngân sách cho TPHCM

Cụ thể, dự thảo đề xuất cho TPHCM thí điểm ban hành phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục Nhà nước và điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục (trừ án phí, lệ phí Tòa án).

Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí kể trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP.

Liên quan đến chính sách này, TP hiện đang áp dụng điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Số tăng thu cho ngân sách TP sau 5 năm thực hiện là khoảng 132,6 tỷ đồng (riêng thời gian phòng, chống dịch bệnh thu khoảng 30 tỷ đồng).

Hiện TP cũng đã xem xét đề xuất thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất áp dụng cho tất cả các loại hình đăng ký đất đai thuộc danh mục do Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành (gồm nhiều loại hình ngoài chuyển nhượng) và thu phí tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại các kho, bãi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên TP đã tạm dừng việc xem xét các đề xuất này.

Cùng với chính sách trên, dự thảo cho phép TP linh hoạt trong việc quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

TP được thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách TP bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND TP quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm và để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Với áp lực làm việc ở TP có mật độ dân số rất cao, việc triển khai thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức được coi là động lực quan trọng góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của đội ngũ này cũng như nâng cao hiệu qủa làm việc của họ.

“Nâng cấp” HFIC thành Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Vẫn trong nhóm cơ chế tài chính, ngân sách, dự thảo đề xuất HĐND TP được bố trí nguồn thu từ cổ phần hoá các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc TP để tăng vốn điều lệ cho Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC).

Lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ theo quy định được giữ lại bổ sung vào Quỹ Đầu tư phát triển của HFIC để bổ sung vốn điều lệ. Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ của HFIC thực hiện như các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương khác.

Chính sách mới được kỳ vọng huy động nguồn lực đầu tư cho các dự án của TPHCM

HĐND TP cũng được bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương thông qua việc ban hành chính sách về chương trình kích cầu đầu tư để giao HFIC hỗ trợ lãi vay cho các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế- xã hội.

Với những đề xuất trên, HFIC được cho là sẽ phát huy hơn nữa vai trò là công cụ tài chính của TP để huy động các nguồn vốn xã hội theo hình thức tự vay tự trả, không làm phát sinh tăng nợ của ngân sách TP. Việc bổ sung nguồn thu cổ phần hóa để tăng vốn cho HFIC góp phần tập trung nguồn lực, tăng cường năng lực tài chính của HFIC để tạo vốn đối ứng nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng đô thị của Thành phố trong thời gian tới.

Đồng thời với cơ chế đầu tư “vốn mồi”, HFIC tiếp tục phát huy vai trò là cánh tay nối dài của ngân sách TP, thu hút thêm các nguồn vốn từ các tố chức tín dụng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tài trợ, đầu tư trực tiếp hoặc hợp tác với khu vực tư nhân để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm và dự án thuộc các lĩnh vực an sinh xã hội của TP.

Chính sách nữa được nêu trong dự thảo, là cho phép TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài, trong nước của Chính phủ về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

Tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hằng năm, trong quá trình chấp hành ngân sách, HĐND TP được chủ động quyết định cụ thể nguồn vay trong nước và nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nhưng phải đảm bảo trong tổng mức vay và mức bội chi ngân sách TP đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với nguồn vay nước ngoài, TP được vay lại theo phương thức hỗ trợ ngân sách chung để bố trí cho các chương trình, dự án đầu tư công của TP.

Cơ chế này kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của TP. Căn cứ tiềm năng, lợi thế phát triển, dự kiến khả năng thu, chi ngân sách nhà nước, TP sẽ xây dựng các giải pháp để bảo đảm được khả năng hấp thụ nguồn vốn vay cũng như đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ vay của ngân sách TP theo hạn mức dư nợ vay đề xuất nêu trên.

Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Dự toán chi ngân sách của UBND quận thuộc TPHCM được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác mà chưa được dự toán. Chủ tịch UBND quận quyết định phân bổ khoản chưa phân bổ, định kỳ báo cáo UBND TP để báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất.

HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách TP để thực hiện dự án, công trình quan trọng có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong các trường hợp cần thiết.

TP cũng được thí điểm ban hành quy chế thu và sử dụng tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm phục vụ việc duy tu, cải tạo cơ sở hạ tầng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang