ĐBQH nêu ý kiến về thuế thu nhập cá nhân: Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp

Thứ Năm, 25/05/2023 21:57

|

(CAO) Ở các đô thị lớn, người dân đang phải gánh nhiều chi phí, như thuê nhà, tiền điện nước, hàng hoá dịch vụ tăng…, trong khi thu nhập từ sau dịch Covid-19 đến nay không tăng, thậm chí giảm.

Thảo luận về kinh tế - xã hội hôm nay, 25-5, đại biểu Đoàn Thanh Mai (Hưng Yên) nêu ý kiến về chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo bà Mai, mức giảm trừ gia cảnh 15,4 triệu đồng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu) được áp dụng từ tháng 7/2020 đến nay đã không còn phù hợp.

“Biến động liên tục của mặt bằng giá chung đã tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế” - đại biểu Mai bình luận.

Đại biểu Đoàn Thanh Mai

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phản ánh, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ cho các lĩnh vực đều tăng khiến chi phí sinh hoạt của người dân bị đội lên. Với những người sống tại các khu đô thị, chi phí cuộc sống nhiều hơn khi giá thuê nhà, tiền điện nước, hàng hoá dịch vụ đều tăng.

Ở các gia đình có con em đi học sẽ còn phải gánh thêm nhiều chi phí khác. “Ước tính chi phí đã tăng 20-30% từ sau dịch do giá cả hàng hoá, tiêu dùng tăng trong khi mức thu nhập không tăng, thậm chí giảm. Với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn thì mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản” – bà Mai nhận định.

Vì thế, bà đề nghị Chính phủ cần sớm sửa chính sách về thuế thu nhập cá nhân.

Theo bà Mai, việc quy định 7 bậc thuế như hiện nay chưa đảm bảo phù hợp thực tế. Việc giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp kê khai, thu nộp và quản lý thuế dễ dàng hơn.

“Điều chỉnh số bậc thuế thì việc giãn khoảng cách thu nhập giữa các bậc sẽ đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập” - đại biểu Mai khẳng định và nhắc lại kiến nghị sửa luật thuế TNCN, để đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động và chính sách thuế bắt kịp kinh tế - xã hội.

Nêu quan điểm về việc này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhìn nhận, thuế TNCN cũng là một trong thuế tác động tới thu nhập, đời sống người dân.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Ông Cường đánh giá, những năm trước bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch, thu nhập người dân không cao thì cần duy trì một mức để đảm bảo công bằng xã hội. Còn hiện tại, kinh tế phục hồi hơn, thu nhập tăng lên thì cần xem xét tăng mức giảm trừ người phụ thuộc hiện là 4,4 triệu đồng một tháng.

Mức giảm trừ cá nhân đóng thuế 11 triệu đồng, theo ông Cường, là có thể chấp nhận trong bối cảnh nhiều người lao động đang bị mất việc.

Tương tự bà Mai, ông Cường cho rằng, thay đổi điều tiết thì cũng cần cân nhắc thay đổi cơ cấu điều tiết giữa các bậc đóng thuế. Ông lưu ý cần đánh giá lại cơ cấu 7 bậc hiện nay thì phân bố thu nhập đang nộp thế nào, rơi vào nhóm nào, để khi điều chỉnh có mang lại tác động tích cực ở phía tăng nguồn thu, khuyến khích các đối tượng thu nhập cao đóng thuế hay không.

“Nếu chỉ nhìn đơn thuần các bậc để điều chỉnh, thì đối tượng tác động ít, nguồn thu không tăng lại gây ra yếu tố tâm lý không tốt cho những người phấn đấu đóng ở mức cao hơn” – ông Cường khuyến cáo.

Chia sẻ sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong chương trình của Quốc hội có sửa 6 luật thuế, trong đó có Luật thuế TNCN.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

“Quá trình sửa cũng sẽ lấy ý kiến và nghiên cứu, lấy ý kiến của các tầng lớp trong xã hội và các tổ chức, cá nhân để sửa phù hợp với tình hình thu nhập thực tế” – ông Phớc thông tin.

Tất nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, luật chỉ là một đại lượng trung bình nên phải lấy hết ý kiến của tất cả đối tượng, sau đó Ban soạn thảo sẽ đưa ra qua nhiều vòng thẩm định. Dù thế nào, luật cũng phải phù hợp với thực tiễn và tạo động lực cho sự phát triển.

Nhắc lại trong nhiệm kỳ Quốc hội này, dự kiến sẽ sửa đổi Luật Thuế TNCN, song Bộ trưởng lưu ý, việc xây dựng luật pháp có lộ trình, có chương trình, có nghị quyết để đưa vào chương trình và cơ quan chủ trì soạn thảo phải đảm bảo đúng tiến độ đó.

Bình luận (0)

Lên đầu trang