TPHCM tổng lực hoàn thành cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân:

Bài cuối: Nỗ lực "phủ sóng" CCCD gắn chíp phục vụ xây dựng công dân số, xã hội số, Chính phủ số

Thứ Năm, 25/05/2023 15:27

|

(CATP) Xác định việc hoàn thành cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử cho công dân là phục vụ cho mục tiêu triển khai thực hiện phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, hướng tới xây dựng công dân số, xã hội số, Chính phủ số, thời gian qua Chuyên đề CA TPHCM đã có tuyến bài tuyên truyền về việc CA TPHCM đang thực hiện cao điểm nước rút cấp CCCD gắn chíp, thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 cho người dân, phấn đấu đến ngày 31/5 hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Liên quan đến những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện Đề án 06, ngày 23/5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành văn bản số 452/TTg-KSTT về việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ các "điểm nghẽn" triển khai Đề án 06

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai, thực hiện Đề án đến từng bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số "điểm nghẽn" về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực, ảnh hưởng đến lộ trình triển khai Đề án 06.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung chỉ đạo hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư theo yêu cầu của Chính phủ tại 19 Nghị quyết chuyên đề. Khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ, cơ quan ngang bộ. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời công bố và chỉ đạo cập nhật, công khai các TTHC này trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đồng thời hoàn thành việc tái cấu trúc, quy trình nghiệp vụ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, đơn giản hóa các TTHC, giấy tờ có liên quan. Thời hạn hoàn thành trước tháng 9/2023.

Trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023), giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ TTTT, Bộ CA và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, xác định những văn bản quy phạm pháp luật cần điều chỉnh ngay sau khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) ban hành; kịp thời tham mưu, đề xuất Chương trình, Kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, bảo đảm việc chuyển đổi từ phương thức làm việc truyền thống sang môi trường điện tử. Thời hạn hoàn thành trong tháng 6/2023.

Công an các đơn vị địa phương tại TPHCM đang nỗ lực "phủ sóng" CCCD gắn chíp phục vụ chuyển đổi số

Về hạ tầng công nghệ thông tin, Thủ tướng yêu cầu Bộ TTTT bảo đảm chất lượng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm chất lượng đường truyền internet cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin cho các bộ, ngành trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Về dịch vụ công trực tuyến, các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chuyển đổi quy trình, thực hiện TTHC, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu điện tử, phần mềm chuyên dụng, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Thời gian hoàn thành trong tháng 9/2023.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ CA phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, dần thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, TTHC. Văn phòng Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm vận hành thông suốt, tránh "tắc nghẽn" trong quá trình tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả bảo đảm khắc phục tình trạng "manh mún", "cát cứ thông tin", "chia cắt" và "co cụm dữ liệu" như hiện nay.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đề án 06 là một phần quan trọng trong tổng thể chương trình Chuyển đổi số quốc gia; là đề án tiền đề mang tính đột phá, với việc lấy Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nền tảng cốt lõi, cơ bản để thúc đẩy Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việc triển khai thành công Đề án này quyết định sự thành công của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, những người đứng đầu các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm những nhiệm vụ được giao, giúp tháo gỡ kịp thời những "điểm nghẽn", thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, bảo đảm thực chất, hiệu quả và bền vững.

Địa phương cần "cởi mở" để thúc đẩy liên kết vùng trong dữ liệu số

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số quốc gia, sáng 24/5 tại Hà Nội, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023 (Vietnam-Asia DX Summit 2023) khai mạc với chủ đề: "Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế". Chương trình diễn ra trong hai ngày 24 và 25/5 với hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Diễn đàn diễn ra đánh dấu bước ngoặt về tạo lập dữ liệu số trên toàn quốc, kết nối dữ liệu và khai thác nó một cách thông minh trong khuôn khổ pháp lý để xử lý các bài toán lớn, tạo ra cơ hội kinh doanh, phát triển nền kinh tế Việt Nam bền vững.

TPHCM là địa phương đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số

Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Việt Nam đã có 3 năm chuẩn bị, nỗ lực, thử nghiệm và tăng tốc quá trình chuyển đổi. Đến nay, Chuyển đổi số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực chất, những giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội.

Năm 2023 được khẳng định là năm Dữ liệu số quốc gia, là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã ban hành kế hoạch hành động trọng tâm cho năm Dữ liệu số.

Bộ TTTT cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai "Năm Dữ liệu số quốc gia" với các hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu trên môi trường số. Theo Bộ TTTT, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform - viết tắt: NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; trong đó có 85 LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh) của bộ, ngành, địa phương; 10 cơ sở dữ liệu và 8 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 là 876 triệu giao dịch tăng 4,86 lần so với năm 2021. Trung bình 1 ngày có 2,4 triệu giao dịch.

Như các chuyên gia đã chia sẻ, muốn tạo lập được dữ liệu số thì phải có hạ tầng số, nền tảng số và hệ thống các dịch vụ số được kết nối, chia sẻ và liên thông với nhau. Qua đó, hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia, bước đầu tạo nên bức tranh tổng thể về các địa phương, các vùng, các bộ, ban, ngành.

Cùng với việc tạo lập dữ liệu, muốn khai thác dữ liệu số hiệu quả, tạo ra những giá trị mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế số - xã hội số, phải có những mô hình, kế hoạch hợp tác cụ thể để chia sẻ và cùng khai thác dữ liệu số. Đây chính là khâu cần đến sự tăng cường hợp tác giữa các bên.

Đề cập đến chủ đề này tại diễn đàn Vietnam-Asia DX Summit 2023, nhiều đại biểu dự diễn đàn cho rằng, để khai thác dữ liệu số hiệu quả, chính quyền các địa phương phải "cởi mở," sáng tạo và linh hoạt hơn trong chính sách quản lý dữ liệu; cùng hợp tác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số một cách thông minh để nhanh chóng có những mô hình quản trị mới, giải quyết bài toán của địa phương, tạo ra dịch vụ mới, mô hình kinh tế số mới cho địa phương. Từ đó, thúc đẩy liên kết vùng trong dữ liệu số.

Tại hội nghị, đại diện các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, MISA, FSI đã chia sẻ những mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền trong tạo lập và khai thác dữ liệu số, đưa ra những dịch vụ số cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu quốc tế cũng chia sẻ những mô hình hợp tác hữu ích.

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, chuyển đổi số quốc gia phải lấy phát triển Chính phủ số đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo phát triển, giải quyết các vấn đề lớn về phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quản trị quốc gia; quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh... Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để cùng thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bài 8: Khẩn trương làm CCCD và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang